Lấy nông nghiệp làm nền tảng, thời gian qua, huyện Đồng Xuân đã phát huy vai trò của các HTX để phát triển nông nghiệp theo hướng khoa học, hiện đại, tập trung sản xuất một số loại cây trồng, vật nuôi thế mạnh như sắn, mía, lúa, cây lâm nghiệp, heo, bò...
Tái cơ cấu nông nghiệp
Theo Phòng NN&PTNT huyện Đồng Xuân, toàn huyện có khoảng 18.000 ha đất canh tác nông nghiệp, với hơn 74% dân số của địa phương tham gia phát triển sản xuất.
Đồng Xuân chủ trương gia tăng hàm lượng khoa học - công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. |
Để nâng cao giá trị sản xuất cho người nông dân, ngành nông nghiệp huyện đã và đang tích cực thực hiện nhiều mô hình, triển khai nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghệ cao, chủ động hình thành các chuỗi giá trị, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản.
Đặc biệt, Sản xuất lúa hữu cơ đang là một trong những mô hình được đầu tư bài bản và đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân trên địa bàn huyện Đồng Xuân.
Thống kê cho thấy, toàn huyện đang có trên 45 ha trồng lúa theo chuẩn hữu cơ, tập trung tại các xã Phú Mỡ, Xuân Sơn Bắc, với năng suất bình quân 7 – 8 tấn/ha/vụ.
Đáng chú ý, HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước đang trực tiếp tham gia vào nhiều khâu của mô hình như thủy lợi, vật tư phân bón, cung ứng lúa giống, làm đất… góp phần gia tăng hàm lượng khoa học – kỹ thuật, cải thiện trình độ sản xuất, qua đó nâng cao hiệu quả của mô hình.
Đại diện HTX Xuân Phước cho biết, thay đổi lớn nhất trong mô hình trồng lúa hữu cơ là sự chủ động của người dân trong việc sử dụng máy móc hiện đại, ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đơn cử, trong quá trình chăm sóc, các hộ áp dụng nguyên tắc “1 phải, 6 giảm”, trong đó, lượng lúa giống được sử dụng giảm bình quân 30-50 kg/ha. Trong giai đoạn đầu của cây lúa, hạn chế phun thuốc hóa học. Với phân bón, nông dân sử dụng phân hữu cơ, giảm lượng hóa học 20-30%. Qua đó, giúp chi phí sản xuất giảm 1 - 2,5 triệu đồng/ha.
Bên cạnh cây lúa, các mô hình trồng rau màu theo công nghệ Israel, mô hình trồng mía thâm canh, trồng cây ăn trái, mô hình trang trại tổng hợp VAC cũng đang phát huy hiệu quả khá cao ở Đồng Xuân.
Dấu ấn nông thôn mới
Theo Phòng NN&PTNT huyện Đông Xuân, bên cạnh các cây, con truyền thống, huyện đang tích cực triển khai các mô hình mới, có giá trị kinh tế cao như mô hình trồng cây ăn trái ở xã Đa Lộc với các giống bưởi da xanh, bơ, mít Thái, cam sành...nuôi lợn rừng, cá nước ngọt…
Nông thôn mới huyện Đồng Xuân đang có những chuyển biến toàn diện. |
Những thành công trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng công nghệ cao đang giúp huyện Đồng Xuân đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, huyện đã có 6/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 17 tiêu chí. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn được chú trọng đầu tư, diện mạo nông thôn có những chuyển biến rõ nét, nhất là hạ tầng giao thông.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế của huyện có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm đều giảm so với kế hoạch đề ra.
Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người của huyện trong năm 2020 ước đạt 41 triệu đồng/người, tăng gần hai lần so với năm 2016.
Đặc biệt, qua 5 năm thực hiện các chương trình, dự án của Chính phủ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện bước đầu có diện mạo mới. Tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 82,97% năm 2015 xuống còn 41,86% năm 2020.
Trong giai đoạn 2020 – 2025, huyện Đồng Xuân đặt mục tiêu xây dựng thành công huyện nông thôn mới, có ít nhất 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên 50 triệu đồng/người/năm. Giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số xuống dưới 30%.
Để hoàn thành mục tiêu, huyện dự kiến tích cực đổi mới hoạt động ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông - lâm nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học. Chủ động thu hút vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, năng lượng tái tạo, du lịch.
Huyện cũng chủ trương nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thực hiện có hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với giảm nghèo bền vững.
Hưng Nguyên