Ở Triệu Phong, chương trình OCOP được xác định là chiến lược quan trọng nhằm phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các làng nghề, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh làm chủ thể thực hiện.
HTX nâng tầm OCOP
Sản phẩm gạo chất lượng cao Triệu Phong của HTX nông sản canh tác tự nhiện Triệu Phong, xã Triệu Tài đang là một trong 19 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị được chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2019.
Để có được thành công trên, kể từ năm 2015, HTX Triệu Phong đã triển khai mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vào sản xuất lúa gạo sạch quy mô tập trung trên địa bàn các xã Triệu Tài, Triệu Trung, Triệu Trạch, Triệu Sơn, Triệu Thượng…
Chương trình OCOP ở Triệu Phong đang đạt được những thành công tích cực (Ảnh TL). |
Ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc HTX Triệu Phong, cho biết để sản xuất ra lúa gạo chất lượng cao, HTX hướng dẫn thành viên, hộ liên kết sản xuất theo nguyên tắc “ba không”, gồm không sử dụng các loại phân bón hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu và không sử dụng thuốc diệt cỏ.
Thay vào đó, HTX ưu tiên sử dụng các chế phẩm dinh dưỡng thảo mộc (từ tỏi, ớt, gừng, dấm...) do chính thành viên, nông dân liên kết chế tạo ra.
Khi mới thực hiện mô hình này, HTX chỉ có 70 hộ nông dân tham gia, đến nay đã có gần 145 hộ tham gia sản xuất trên diện tích hơn 30 ha.
“Chứng nhận sản phẩm OCOP sẽ là cơ hội tốt để gạo sạch Triệu Phong đến với thị trường trong nước và quốc tế. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí về môi trường và mẫu mã để sản phẩm gạo sạch vươn xa hơn đến với các thị trường thế giới”, ông Đạt nhấn mạnh.
Theo đại diện UBND huyện Triệu Phong, chương trình OCOP là nội dung trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới của huyện giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến 2030.
Thực hiện chương trình OCOP, huyện kỳ vọng sẽ mang lại nhiều thay đổi trong tái cơ cấu nghành nông nghiệp, đồng thời nâng cao thương hiệu giá trị các sản phẩm đặc thù của địa phương và không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân.
Tào đà xây dựng nông thôn mới
Những thành công trong phát triển sản phẩm OCOP đang góp phần tạo đà cho quá trình xây dựng nông thôn mới ở Triệu Phong.
Triệu Phong đặt mục tiêu về đích huyện nông thôn mới trước năm 2025 (Ảnh TL). |
Với nhiều cách làm sáng tạo, trong giai đoạn 2011 - 2019, toàn huyện đã huy động nguồn vốn đầu tư vào khu vực nông thôn đạt gần 2.000 tỷ đồng, làm cho bộ mặt các làng quê thay đổi.
Huyện cũng bước đầu khai thác tốt tiềm năng vùng gò đồi, vùng cát, vùng biển, triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp.
Kết quả, kinh tế khu vực nông thôn của huyện phát triển ổn định, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 52,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo ước còn 3,61%, hộ cận nghèo ước còn 3,95%, không còn hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công.
Cuối năm 2020, huyện Triệu Phong dự kiến có thêm 3 xã gồm Triệu Hòa, Triệu Tài và Triệu Ái đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn huyện lên 12/17 xã. Các xã còn lại đạt 16 tiêu chí trở lên.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, đặc biệt là kế hoạch về đích huyện nông thôn mới trước năm 2025, huyện chủ trương chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, có kế hoạch phát động và xây dựng thôn, khu dân cư kiểu mẫu.
Huyện cũng sẽ có sự ưu tiên cho những xã còn nhiều khó khăn, số tiêu chí đạt còn ít và chủ động hỗ trợ các xã phát huy tốt nội lực.
Đặc biệt, huyện tập trung chỉ đạo đổi mới hình thức sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, nâng cao thu nhập bình quân đầu người và làm cho chất lượng cuộc sống của người dân tốt hơn.
Nhật Minh