Phát huy thành tựu NTM, huyện Yên Dũng chú trọng thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật. Từ đó, diện mạo ngành nông nghiệp ngày càng khởi sắc, thu nhập của người nông dân từng bước được nâng cao.
Điểm sáng nông nghiệp công nghệ cao
Yên Dũng được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang.
![]() |
Yên Dũng tập trung sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao. |
Điển hình là HTX rau sạch Yên Dũng (thôn Huyện, xã Tiến Dũng), sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Mới đi vào hoạt động từ tháng 9/2016, đến nay HTX mở rộng quy mô lên 60ha, trong đó có 6 ha được sản xuất theo mô hình nhà lưới và công nghệ tưới tự động Israel đã thu hút gần 100 lao động, chủ yếu là người dân địa phương.
Tại mô hình, HTX đang sản xuất khoảng 60 sản phẩm rau, củ, quả trong đó chủ lực là một số giống trồng trong nhà màng, nhà lưới như: cà chua, dưa lê Hàn Quốc, dưa lưới, dưa chuột Baby... mang lại hiệu quả kinh tế và chất lượng vượt trội. Cùng với đó, HTX tiếp tục đầu tư hoàn thiện đường giao thông, kênh mương nội đồng, khu sơ chế, đóng gói, bảo quản.
Với hướng đi đúng đắn, không chỉ đem lại nguồn thu lớn cho HTX, mà nông dân tham gia cũng được hưởng lợi rõ rệt. Vậy nên, dù chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 nhưng năm 2020, HTX rau sạch Yên Dũng vẫn có doanh từ 35 - 40 tỷ đồng/năm. Đặc biệt là các mô hình ứng dụng công nghệ cao doanh thu ổn định đạt 0,8 - 1,5 tỷ đồng/mô hình 2.000 m2/năm. Bình quân thu nhập của người lao động 6 - 7 triệu đồng/tháng.
Cũng lựa chọn hướng nông nghiệp sạch, HTX nông nghiệp công nghệ cao Trí Yên (thôn Đức Thành, xã Trí Yên) được ra đời từ năm 2017 với quy mô 2.168m2 trồng dưa lưới, cà chua trong nhà màng công nghệ Israel.
Nhờ cách làm linh hoạt, sáng tạo và tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình VietGAP, cây trồng trong nhà màng sinh trưởng và phát triển tốt. Vụ đầu tiên, 5.000 cây dưa leo và dưa lưới đã cho thu hoạch, năng suất 25 tấn/vụ, trừ chi phí mỗi vụ HTX lãi hơn 100 triệu đồng.
Đáng chú ý, các sản phẩm từ mô hình CNC đều có sự “bắt tay” của 3 nhà (nông dân, HTX, doanh nghiệp) đảm bảo liên kết tiêu thụ, ổn định đầu ra. Đến nay, rau, củ, quả của các HTX đã có mặt trên các kệ hàng, hệ thống siêu thị VinEco (thuộc Tập đoàn Vingroup), BigC, Coopmart...
Với cách làm trên, có thể thấy, sản xuất nông nghiệp của Yên Dũng có sự chuyển biến mạnh mẽ từ phương thức nhỏ sang hàng hóa theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với việc hình thành, phát triển thương hiệu sản phẩm, tăng cường chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.
Tự tin về đích năm 2021
Là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, tuy nhiên Yên Dũng đã nỗ lực phấn đấu dự kiến cuối năm nay về đích NTM và tiếp tục vững bước trên hành trình xây dựng huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025.
Để đạt được kết quả này, Yên Dũng đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi; có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời để khuyến khích người dân, HTX, doanh nghiệp tham gia.
![]() |
Hạ tầng giao thông, các công trình xây dựng được huyện Yên Dũng đầu tư đồng bộ, khang trang. |
Hơn 10 năm triển khai thực hiện, tổng nguồn vốn huy động thực hiện đến nay đạt gần 4.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 1.200 tỷ đồng vốn đóng góp của cộng đồng dân cư, vốn khác.
Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng Bùi Quang Huy cho biết: Đến nay, toàn huyện có 16/16 xã đạt chuẩn NTM mới theo quy định Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2016-2020, đạt 100% kế hoạch; 02 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 12,5%; huyện đã đạt 8/9 tiêu chí; trên địa bàn huyện không còn xã có nợ đọng.
Song song đó, Yên Dũng đã cứng hóa, cải tạo, nâng cấp thêm 664 km đường giao thông so với năm 2011, nâng thu nhập bình quân đầu người tại các xã năm 2020 đạt 43,43 triệu đồng/người/năm (tăng 26,42 triệu đồng/người/năm so với năm 2011), tỷ lệ hộ nghèo còn 1,72%.
Ngoài ra, các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục phát triển toàn diện, quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện tốt, an ninh, trật tự xã hội được tăng cường, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, các giá trị văn hóa truyền thống được khôi phục và phát huy.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của thiên tai, thời tiết, dịch bệnh và thị trường nhưng sản xuất nông nghiệp huyện Yên Dũng vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.
Để kích cầu nông nghiệp, hơn 10 năm qua, huyện đã chi hơn 41 tỷ đồng hỗ trợ cho 40 mô hình ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, hỗ trợ các thiết bị tưới nhỏ giọt trong nhà màng 70 triệu đồng/nhà rộng 2.000 m2, 5 triệu đồng/ha với các vùng sản xuất rau an toàn tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP...
Đến nay, toàn huyện có 55 HTX nông nghiệp với 577 thành viên, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2020 đạt 112 triệu đồng/ha, tăng 47 triệu đồng/ha so với năm 2011, mở ra cơ hội cho nhiều nông dân nơi đây không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Những con số trên như khẳng định Chương trình xây dựng NTM thực sự là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân và được nhân dân đồng thuận, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn Đảng bộ và chính quyền nhân dân huyện Yên Dũng.
Giai đoạn 2021-2025, Yên Dũng tiếp tục phát động phong trào thi đua “Yên Dũng chung sức xây dựng NTM” và thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Trong đó, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để mọi người dân hiểu và có trách nhiệm trong việc xây dựng NTM và tiêu chí NTM nâng cao trong giai đoạn mới.
Tô Thương