Không chịu "thua cuộc" sau thất bại từ mô hình chăn nuôi lợn vào năm 2017-2018, chị Dương Thị Luyện, thôn Ninh Khánh, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã quyết tâm thành lập và từng bước đưa HTX măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu phát triển nhanh, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và xây dựng nông thôn mới tại xã Ngọc Châu.
Làm giàu để xây dựng NTM
Chia sẻ với phóng viên Thời báo Kinh Doanh, chị Dương Thị Luyện, Giám đốc HTX măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu cho biết, để có được thành quả như hiện nay, 3 năm qua, bản thân chị rất vất vả để từng bước vượt qua khó khăn, vực dậy phát triển kinh tế gia đình và tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng chục hộ gia đình địa phương.
Dẫn phóng viên ra vườn măng, chỉ tay về phía những mầm măng đang đội đất ngoi lên, chị Dương Thị Luyện kể, tại thời điểm năm 2017-2018, trong khi kinh tế gia đình đang phát triển thuận lợi thì giá thịt lợn hơi xuống quá thấp, có thời điểm 16.000 đồng/kg, khiến hơn 300 con lợn từ 70-100kg của gia đình chị không thể tiêu thụ, phải bán rẻ và thua lỗ nặng nề.
Khó khăn bắt đầu ập đến, bản thân chị Luyện đã phải chạy vạy vay mượn, thậm chí vay tín dụng đen với lãi suất cao để trang trải nợ nần. Hơn 1 năm, số tiền vay cả gốc cộng lãi suất đã lên đến gần 4 tỷ đồng, khiến chị phải bán cả trang trại lợn trang trải nợ nần.
![]() |
Bà Dương Thị Luyện Giám đốc HTX măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu hướng dẫn cách chăm sóc và thu hoạch măng. |
Khó khăn vẫn bủa vây nhưng chị Luyện không chịu khuất phục, thuê 10ha đất xấu của người dân canh tác không hiệu quả và tập hợp những người bạn tại địa phương cùng vào cuộc hỗ trợ để trồng măng lục trúc. Dưới sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang, năm 2018, HTX măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu do chị Luyện làm Giám đốc chính thức thành lập.
Chị Luyện cho biết, tre vốn sinh sống rất khỏe, kể cả những vùng đất bạc màu nên sau một năm đã cho kết quả tốt. Theo đó, trồng măng ít phải chăm sóc, không bị sâu bệnh, phát triển tốt dù trong bất kể hoàn cảnh thời tiết nào nên không sợ thất bại. Ngay lứa thu hoạch măng đầu tiên đã cho hơn 1 tạ/ngày với giá bán 50.000đồng/kg còn bẹ, 80.000 đồng/kg sơ chế, cho gia đình thu nhập đáng kể.
Do sản phẩm sạch và có chất lượng nên sản lượng măng tre của chị Luyện khai thác đến đâu được các siêu thị, cửa hàng của người Nhật tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng bao tiêu toàn bộ. Thấy việc trồng măng hiệu quả, năm 2019, chị Luyện tiếp tục thuê thêm 15ha đất để mở rộng diện tích trồng măng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái vùng nông thôn, nâng cao thu nhập cho thành viên và đóng góp tích cực vào các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Đình Dương, thành viên HTX măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu cho biết, HTX hiện có gần 30ha măng đã cho thu hoạch với 25 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động, thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm khai thác đến đâu tiêu thụ hết đến đó nên thời gian tới HTX đang tiếp tục thuê đất mở rộng diện tích và hỗ trợ bà con có nhu cầu trồng măng về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm để bàn con yên tâm sản xuất.
Chị Luyện cho biết thêm, vừa làm, vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, dần dần măng lục trúc và các sản phẩm từ cây măng lục trúc đã vươn tới toàn tỉnh và lan xa các tỉnh lân cận, từng bước tìm được chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng.
Năm 2019, tổng kinh phí thu về từ trồng và bán giống và măng, thu nhập của HTX đạt gần 2,5 tỷ đồng/năm, trong đó riêng bản thân chị Luyện thu về hơn 1,5 tỷ đồng. Trong 7 tháng năm 2020, dù dịch bệnh xảy ra, nhưng HTX đã thu gần 2 tỷ đồng từ sản phẩm măng tươi, măng khô và bán giống măng cho người dân.
“Với chất lượng sản phẩm, dịch vụ uy tín và những đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu đã vinh dự được người tiêu dùng bình chọn là Top 50 Thương hiệu-Nhãn hiệu độc quyền, uy tín 2019”, chị Luyện phấn khởi cho biết.
![]() |
Thành viên HTX măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu chuẩn bị giống để bán cho người dân có nhu cầu. |
Hoàn thành tốt các chỉ tiêu xây dựng NTM
Ở xã Ngọc Châu những năm gần đây, phong trào xây dựng NTM được lãnh đạo địa phương rất quan tâm và trở thành một trong những xã đi đầu trong câu chuyện này. Bản thân chị Luyện và rất nhiều người dân nơi đây đã tích cực vào cuộc tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường nông thôn, đóng góp kinh phí cùng người dân và chính quyền địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng để từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ông Trần Toàn Thắng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Châu cho biết, sau hơn 8 năm xây dựng nông thôn mới, xã Ngọc Châu đã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Toàn xã cứng hóa được 100% tuyến đường trục xã, hơn 25km đường trục thôn và gần 13 km đường ngõ xóm, nội đồng. Cùng với chú trọng phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp, xã tập trung phát triển nghề và làng nghề, như: Mây nhựa đan, mỳ Châu Sơn, trang trại chăn nuôi lợn sạch… Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt hơn 38,2 triệu đồng/năm, số hộ nghèo giảm còn gần 3,8%.
Xã Ngọc Châu hiện có 7 HTX, trong đó có 1 HTX dịch vụ nông nghiệp, 1 HTX cung cấp dịch vụ tưới tiêu nội đồng, 1 HTX mây nhựa đan, 1 HTX chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ lợn sạch, 1 HTX kinh doanh dịch vụ thức ăn chăn nuôi, còn lại HTX măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu và 1 HTX sản xuất nông nghiệp. Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, địa phương cũng nhận được sự hỗ trợ, đóng góp tích cực của các HTX cũng như thành viên các HTX cả về vật chất, tinh thần để cùng đồng hành với chính quyền và nhân dân đưa xã Ngọc Châu về đích nông thôn mới năm 2018.
“Hiện nay, xã Ngọc Châu đang phấn đấu đến năm 2024 hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao. Do vậy, chúng tôi rất mong các HTX, trong đó có HTX măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao cuộc sống cho người dân để cùng với chính quyền và người dân địa phương về đích nông thôn mới nâng cao theo đúng mục tiêu đề ra”, ông Trần Toàn Thắng cho biết.
Để trở thành nơi đi đầu trong xây dựng NTM
Câu chuyện của chị Luyện và việc hoàn thành xây dựng NTM ở xã Ngọc Châu chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện hay mà Bắc Giang đang thực hiện trên con đường xây dựng NTM, để Bắc Giang trở thành địa phương đi đầu trong xây dựng NTM của cả nước.
Toàn tỉnh có hàng trăm mô hình ứng dụng công nghệ cao, trang trại quy mô lớn, sản xuất tiêu thụ theo chuỗi liên kết. Nhờ đó đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn ở tỉnh, làm cơ sở để huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới.
Sau 10 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương, đến nay Bắc Giang có 115/184 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 3 huyện Việt Yên, Lạng Giang, Tân Yên đạt huyện nông thôn mới. Dự kiến, hết năm 2020, tỉnh có 124/184 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 67,4%); bình quân tiêu chí đạt 16,2 tiêu chí/xã; có 8 xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí.
Trong 10 năm qua, toàn tỉnh có gần 50 nghìn hộ tham gia hiến trên 334 ha đất các loại, người dân đã đóng góp trên 3 nghìn tỷ đồng (chiếm gần 25% tổng nguồn vốn huy động) để xây dựng nông thôn mới. Để xây dựng thành công câu chuyện này, từ nhiều năm nay Bắc Giang đang đưa ra nhiều chương trình để hiện thực hoá các mục tiêu của mình.
Về Bắc Giang những ngày này, cả tỉnh đang khẩn trương xây dựng các hạng mục NTM để sớm cán đích các mục tiêu đã đề ra trong năm 2020. Từ Lạng Giang, Hiệp Hoà đến Yên Dũng, Lục Ngạn... đâu đâu cũng thấy phong trào NTM rất sôi động và hiệu quả. Đơn cử, chỉ mới đầu tháng 8 này, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định công nhận 4 xã của huyện Lục Ngạn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Mặc dù vậy, xây dựng NTM tại Bắc Giang vẫn còn một số hạn chế, trong đó kết quả xây dựng NTM giữa các địa phương còn chênh lệch. Bình quân tiêu chí tại các xã nghèo, đặc biệt khó khăn thấp hơn nhiều so với bình quân chung toàn tỉnh. Rác thải nông thôn còn tồn lưu, chưa được xử lý kịp thời. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn phân tán...
Xác định “Xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Vì vậy, để xây dựng NTM đạt kết quả cao trong thời gian tới, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát huy lợi thế, thế mạnh của từng địa phương; thu hút đầu tư nhà máy xử lý rác thải theo quy hoạch; hoàn thiện cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 một cách hiệu quả và bền vững.
Tuấn Đức