Có diện tích trồng chuối lớn nhất tỉnh Đồng Nai, huyện Trảng Bom đang hướng tới xây dựng chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm để quả chuối vươn xa trên thị trường quốc tế, trong đó có những HTX uy tín, hoạt động hiệu quả để thực hiện tốt vai trò liên kết nông dân trồng chuối.
Hình thành 12 chuỗi sản xuất
HTX nông nghiệp thương mại dịch vụ Thanh Bình ở ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình chính là một trong những điểm sáng trong liên kết nông dân, doanh nghiệp hình thành chuỗi giá trị. 3 năm qua, HTX đã thành công xuất khẩu nhiều lô hàng sản phẩm chuối chế biến sang Trung Đông.
Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình cho biết ông là nông dân trồng chuối, từng rơi vào thảm cảnh chuối chín vàng không có người mua, phải đi “gõ cửa” nhiều nơi tìm người mua chuối cho mình, cho các hộ nông dân khác.
Theo ông Hùng, mục tiêu của ông không phải là chuối tươi mà hướng tới chế biến để tăng giá trị. Thời gian đầu là chuối tươi, sau đó sẽ là chuối chế biến.
“Tôi đang hoàn thiện 2 dòng sản phẩm là chuối sấy dẻo nguyên quả và chuối thái lát chiên giòn. Chuối sấy đã có một số nơi làm nhưng chuối già Nam Mỹ chiên giòn thì rất hiếm”, ông Hùng chia sẻ.
Chuối đang là một trong những cây trồng chủ lực ở Trảng Bom. |
Sau thời gian dài hoạt động, nhờ đầu tư đúng hướng, HTX đã thành công đưa sản phẩm chuối ra nhiều nước trên thế giới. Hiện, trung bình mỗi tháng HTX xuất khẩu khoảng 600 tấn chuối tươi. Ngoài ra, vào một số thời điểm, HTX thu mua chuối hạt để gia công thành chuối sấy khô xuất khẩu sang Nga, Hàn Quốc, Mỹ…
Không chỉ có sản phẩm từ trái chuối, HTX cũng là một trong những đơn vị đầu tiên trên cả nước xuất khẩu thành công sản phẩm bẹ chuối cấy mô, với sản lượng bình quân 30 tấn/tháng, sang các nước: Mỹ, Canada, Nhật Bản, Malaysia, Pháp…
Để đảm bảo vùng nguyên liệu, HTX đang liên kết với hàng trăm hộ nông dân để phát triển diện tích canh tác chuối hơn 800ha, 100% diện tích chuối chế biến xuất khẩu được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.
Đến nay, HTX đang có gần 50 thành viên và hộ liên kết, trở thành cầu nối liên kết, tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người trồng chuối tại địa phương. HTX cũng đang tạo việc làm cho gần 100 lao động, thu nhập bình quân trên dưới 10 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với cây chuối, huyện Trảng Bom đang phát triển thành công nhiều cây trồng thế mạnh khác. Thông tin từ Phòng Kinh tế huyện cho biết, trên địa bàn huyện có 12 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Việc xây dựng chuỗi liên kết giữa HTX, nông dân với các doanh nghiệp, đơn vị thu mua đã đem lại lợi ích cho tất cả các bên, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững.
Hình thành cánh đồng lớn
Đến nay, 12 chuỗi liên kết tại Trảng Bom đều do nông dân, HTX, tổ hợp tác ký hợp đồng bán sản phẩm cho doanh nghiệp, cơ sở thu mua, trong đó có 8 chuỗi trồng trọt và 4 chuỗi chăn nuôi.
Điển hình là chuỗi liên kết trên cây ca cao tại xã Trung Hòa do Tổ hợp tác Ca cao Trung Hòa ký hợp đồng bán sản phẩm cho Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (Định Quán); chuỗi liên kết chăn nuôi gà khép kín giữa Công ty TNHH MTV Bình Minh và hộ nuôi tại các xã Thanh Bình, Cây Gáo; chuỗi liên kết nuôi heo giữa Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Đồng Nai D&F với các trang trại tại xã Trung Hòa…
Ông Nguyễn Văn Hồng, thành viên Tổ hợp tác Ca cao Trung Hòa cho biết, nhiều năm nông dân không lo đầu ra bấp bênh, bị ép giá. Bên cạnh đó, công ty còn cho nông dân “ứng” trước cây giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật canh tác và làm các xét nghiệm đất, nước để đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu vào cho chế biến xuất khẩu nên ông khá yên tâm.
Sự hình thành của các chuỗi giá trị sản xuất cũng là nền tảng để huyện Trảng Bom xây dựng các cánh đồng lớn, cho giá trị kinh tế vượt trội, đạt bình quân 250-500 triệu đồng/ha/năm, cùng với đó là lợi ích về môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Các HTX đang là điểm tựa cho nông dân khi tham gia vào chuỗi, làm ăn với doanh nghiệp. |
Hiện, trên địa bàn huyện có 2 dự án cánh đồng lớn, với đầu tàu dẫn dắt là HTX trực tiếp đứng ra ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, từ tổ chức sản xuất đến bao tiêu sản phẩm. Đây chính là điểm tựa để nông dân tự tin ứng dụng cơ giới hóa, khoa học – kỹ thuật.
Cụ thể, dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây điều tại xã An Viễn. Trong đó, HTX Dịch vụ nông nghiệp An Viễn là đơn vị đại diện cho hơn 300 hộ dân ký hợp đồng bán sản phẩm cho doanh nghiệp tư nhân Tuấn Sang trên địa bàn huyện.
Cùng với đó là dự án cánh đồng lớn, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ca cao cũng ở xã An Viễn. HTX Dịch vụ nông nghiệp An Viễn tiếp tục là đơn vị đại diện ký hợp đồng ghi nhớ với Công ty CP Bamboo Capital để phát triển cây ca cao xen điều nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Ngoài việc cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm của các hộ dân tham gia vào chuỗi liên kết, các công ty này còn nhân giống cây bán và hỗ trợ kỹ thuật trồng cho người dân, liên kết với nhà cung cấp phân bón và thuốc trừ sâu để người dân mua được giá gốc, xây dựng cơ sở chế biến ngay tại địa phương.
Tiếp tục lan tỏa
Ông Nguyễn Văn Thu, hộ trồng ca cao tại xã An Viễn, chia sẻ tham gia dự án cánh đồng lớn, ông được mua giống của công ty, được hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc, sản phẩm thu hoạch bao nhiêu công ty mua bấy nhiêu.
Ngoài ra, khu vực cánh đồng lớn được hỗ trợ làm hệ thống tưới nước tiết kiệm, đường điện và đường giao thông. Nhờ vậy, doanh thu từ ca cao xen điều ở năm thứ 5 gấp 4 lần so với làm điều truyền thống.
Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Trảng Bom, mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, cánh đồng lớn đang phát huy hiệu quả rõ rệt, đem lại lợi ích cho cả người nông dân lẫn đơn vị hợp tác.
Ngoài ra, việc phát triển các mô hình này cũng thúc đẩy hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo hàng hóa cạnh tranh, chất lượng tương đồng, từ đó thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Thời gian tới, huyện kiến nghị UBND tỉnh, Sở NN&PTNT hỗ trợ thu hút HTX, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đơn giản điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục tuyên truyền nông dân tham gia vào chuỗi liên giữa nhà nông, HTX và doanh nghiệp. Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Cùng với đó tổ chức tập huấn quy trình sản xuất an toàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho hộ gia đình, tổ hợp tác, HTX.
Lệ Chi