NTM xã An Thịnh đang có nhiều chuyển biến sâu sắc. |
NTM có nhiều khởi sắc
Trong 10 năm qua, cùng với xây dựng NTM, tình hình kinh tế - xã hội của xã An Thịnh có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế tăng trưởng khá, an ninh - chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
UBND xã An Thịnh trong quá trình tổ chức thực hiện xây dựng NTM luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND, các Sở, ban, ngành của tỉnh Bắc Ninh, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND, các ban, ngành, đoàn thể của huyện Lương Tài.
Kết quả, đến nay hệ thống đường giao thông trục xã, thôn, ngõ xóm đều được bê tông hóa, 100% hộ có điện thắp sáng, toàn xã có 100% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Thu nhập bình quân đầu người tại địa phương đạt 42,15 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ người có việc làm trên tổng số người trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động là 97,38%.
Theo UBND xã An Thịnh, để có được thành công trên, địa phương đã thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, từng bước hình thành cánh đồng mẫu lớn, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh (cụ thể mỗi vụ hình thành từ 3-5 vùng lúa chất lượng cao).
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa để nâng cao thu nhập.
Xã chỉ đạo giữ vững truyền thống thâm canh tăng năng suất lúa, đưa cơ giới vào sản xuất, nhất là khâu làm đất, gieo cấy và thu hoạch giúp nông dân giảm công lao động.
Chuyển đổi một số diện tích sâu trũng thường xuyên ngập úng, sản xuất một vụ hiệu quả thấp, sang mô hình nuôi trồng thủy sản trang trại tổng hợp. Bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, ước thu nhập 300 triệu/ha/năm.
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tập trung vào sản xuất cây hàng hóa xuất khẩu như cây hành, tỏi, ớt, dưa, ngô, khoai lang, cà rốt… Hiện đang cho hiệu quả cao trên đơn vị suất, ước thu nhập hằng năm đạt 23 tỷ đồng.
HTX có vai trò quan trọng trong xây dựng NTM xã An Thịnh. |
Vai trò của HTX ngày càng khẳng định
Xã An Thịnh đã có nhiều cố gắng, tập trung các nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh hoạt và phát triển sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Trong quá trình xây dựng NTM, khu vực kinh tế hợp tác, HTX đang khẳng định vai trò quan trọng, đặc biệt trong việc hoàn thiện sản xuất, dẫn dắt thành viên, nông dân sản xuất theo hướng bền vững, nâng cao giá trị.
Thống kê cho thấy toàn xã đang có 9 HTX, trong đó có 7 HTX dịch vụ nông nghiệp, 2 HTX chuyên ngành. Đặc biệt, cả 9 HTX đều hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012.
Trong những năm qua, các HTX đã tổ chức được các dịch vụ cơ bản thiết yếu như dịch vụ về nước, làm đất, giống phục vụ các thành viên của HTX và người dân trên địa bàn.
Với quyết tâm thoát nghèo, bám đất, bám làng giữ đất, đóng góp một phần cho xây dựng NTM, 7 hộ dân thôn An Trạch đã thành lập HTX tổng hợp An Thịnh.
Được trợ giúp của Luật HTX 2012 và công tác dồn điền đổi thửa hậu thuẫn, HTX tập trung được 12,7 ha ruộng, chia ra thành 7 trang trại, mỗi trang trại rộng hơn 1 ha, kinh doanh theo mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng.
Để có vốn hoạt động, thành viên HTX tự nguyện đóng góp được 1 tỷ đồng. HTX cũng vay ngân hàng NN&PTNT được 500.000.000 đồng.
Mỗi thành viên HTX cũng đầu tư hàng trăm ngày công để thuê máy đào ao, bê tông hóa bờ vòng, xây dựng hệ thống chuồng trại bằng xi măng, gạch ngói để nuôi lợn, ngan, vịt và thả cá, trồng rau sạch.
Nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật ngay từ năm đầu tiên, con cá đã mang lại cho HTX nguồn thu lớn. Bình quân đạt 50.000 đồng/kg cá, doanh thu từ cá đạt trên 3 tỷ đồng. Ngan, vịt thịt giá 60.000 đồng/kg, lợn cũng bắt đầu có lãi.
Lương bình quân của mỗi thành viên HTX đạt 3 triệu đồng/tháng. Vào lúc thời vụ, HTX còn phải thuê 20 lao động nữa. Thành viên HTX bắt đầu thoát nghèo, làm giàu.
Hưng Nguyên