Theo thống kê của Sở NN&PTNT, tính đến tháng 6/2020, toàn tỉnh Thanh Hóa đã phát triển được gần 12.000 ha cây thức ăn chăn nuôi, tăng gấp 4 lần so với năm 2013. Trong đó, khoảng 80% là diện tích trồng các giống cỏ làm thức ăn chăn nuôi, như: VA06, Mulato, cỏ voi...
Nông dân thoát nghèo
Việc trồng cây thức ăn chăn nuôi không những giúp người chăn nuôi chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi, tiết kiệm được chi phí trong quá trình nuôi mà còn giúp bà con thoát nghèo nhờ tham gia vào các chuỗi sản xuất.
Anh Nguyễn Văn Nam, xã Phú Nhuận (Như Thanh), chia sẻ: Từ một vùng quê nghèo, diện tích đất ở khu vực sườn đồi khô cằn, bà con nông dân trong xã đã “đổi đời” nhờ trồng cỏ nuôi bò.
Hiện, toàn xã Phú Nhuận có hơn 100 hộ dân liên kết với Trang trại bò sữa Thanh Hóa 2 trồng cỏ làm nguyên liệu thức ăn cho bò sữa với diện tích 45 ha bằng các giống cỏ chủ yếu, như: VA206, Maluto. Mỗi năm trồng 3 vụ, trừ chi phí, người dân thu lãi khoảng 80 - 90 triệu đồng/ha.
Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho biết, gần 65% diện tích cây trồng làm thức ăn chăn nuôi được phát triển ở khu vực miền núi. Nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế khá như mô hình chuyển đổi sang trồng ngô dày làm thức ăn chăn nuôi trên đất bãi ven sông của HTX dịch vụ nông nghiệp Cẩm Yên (Cẩm Thủy).
Bà con nông dân đổi đời nhờ trồng cỏ nuôi bò (Ảnh: TL) |
Hay mô hình chuyển toàn bộ diện tích trồng ngô năng suất thấp sang trồng ngô dày lấy thân làm thức ăn cho gia súc của HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Hưng Thịnh ở xã Thúy Sơn (Ngọc Lặc).
Theo các hộ dân thôn Cao Sơn, xã Thúy Sơn (Ngọc Lặc) toàn bộ diện tích trồng ngô trong vùng chuyển đổi phát triển tốt cho năng suất cao. Với mỗi sào ngô làm thức ăn cho bò, thu hoạch được 2 - 2,5 tấn, trừ chi phí lãi khoảng 1 - 1,2 triệu đồng. So với các loại cây trồng khác, cây ngô trồng lấy thân lá làm thức ăn cho gia súc có thời gian thu hoạch ngắn hơn, công lao động ít hơn và thu nhập cao hơn.
Phát triển theo chuỗi sản xuất
Để người dân an tâm gieo trồng, HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Hưng Thịnh đã liên kết với Vinamilk, CTCP Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và Thực phẩm sữa TH... tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Vùng ngô thương phẩm phục vụ chăn nuôi bò (Ảnh: TL) |
Ông Phạm Văn Mư, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Hưng Thịnh, cho biết, theo tính toán 1 ha ngô lấy thân được canh tác trong khoảng thời gian 80-85 ngày cho năng suất 40 - 45 tấn/ha/vụ, với giá bán 850.000 đồng/tấn, nông dân thu về khoảng 34 - 40 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 24 - 30 triệu đồng/ha/vụ. Như vậy, với 1 ha được bố trí trồng ngô làm thức ăn chăn nuôi có thể canh tác 3 vụ/năm, giúp bà con thu lãi khoảng 80 - 90 triệu đồng/năm, gấp nhiều lần so với cây trồng khác.
Ngoài ra, cây ngô lấy thân trồng phù hợp với địa hình đồi dốc ở địa phương. Việc tiêu thụ cũng rất thuận lợi, vì được thu mua trực tiếp ngoài ruộng với giá ổn định. Hàng năm, HTX đã liên kết, hỗ trợ vốn, phân bón và hướng dẫn nông dân ở các xã Ngọc Khê, Ngọc Sơn, Thúy Sơn... tận dụng đất đai trồng ngô làm thức ăn cho gia súc với diện tích duy trì từ 50 - 70 ha.
Đây được xem như hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị canh tác, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân trong vùng.
Để phát triển và mở rộng diện tích trồng cây thức ăn chăn nuôi, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết đang phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc chuyển đổi diện tích đất sản xuất hiệu quả kinh tế thấp, ở khu vực khó khăn sang trồng cỏ và cây thức ăn xanh phục vụ chăn nuôi. Đồng thời, thực hiện các biện pháp lựa chọn giống, áp dụng thâm canh để tăng năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế từ loại cây trồng này.
Thy Lê