Mô hình trồng lúa hiện đại giúp nông dân Tháp Mười thoát nghèo, làm giàu (Ảnh TL) |
Mở hướng thoát nghèo, làm giàu
Trong giai đoạn 2015 - 2020, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành, chính quyền địa phương và đông đảo nhân dân, huyện Tháp Mười xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, mở hướng thoát nghèo, làm giàu bền vững cho nhiều nông dân.
Nổi bật nhất phải kể đến những mô hình liên kết trong sản xuất lúa của nông dân Tháp Mười, trong đó có HTX Thắng Lợi (xã Mỹ Đông).
Cuộc “cách mạng” trong tư duy sản xuất từ manh mún, lạc hậu sang canh tác lúa hiện đại, chú trọng kỹ thuật đang giúp các thành viên, hộ liên kết của HTX gia tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập.
HTX Thắng Lợi là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia mô hình “cánh đồng lúa liên kết” của tỉnh Đồng Tháp từ những năm 2010. Mô hình cánh đồng liên kết được áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành, tăng năng suất và chất lượng lúa gạo.
Giám đốc Nguyễn Văn Hùng cho biết sự thay đổi trong tư duy sản xuất và chủ động trong ứng dụng công nghệ mới giúp hiệu quả sản xuất của HTX Thắng Lợi ngày càng gia tăng, mở ra cơ hội xây dựng kinh tế, thoát nghèo, làm giàu cho thành viên, hộ liên kết.
Theo thống kê, đến nay, trên 90% diện tích cánh đồng của HTX đã áp dụng phương pháp sạ hàng thủ công và sạ hàng bằng máy, giúp nông dân tiết kiệm 60kg lúa giống/ha/vụ, đồng thời lượng phân bón giảm 15 kg/ha. Các khâu làm đất, tưới tiêu và thu hoạch của HTX cũng được cơ giới hóa hoàn toàn.
Sản xuất hiện đại giúp HTX tiết kiệm 250 - 400 đồng/kg lúa thương phẩm, chênh lệch lợi nhuận vào khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/ha so với phương pháp sản xuất cũ.
Chi phí sản xuất giảm, thị trường tiêu thụ được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của thành viên, nông dân liên kết của HTX Thắng Lợi ngày càng được nâng cao. Hiện, 100% thành viên, hộ liên kết của HTX đã thoát nghèo, hàng chục hộ vươn lên làm giàu, có nhà lầu, xe hơi.
Các mô hình hiệu quả sẽ tiếp tục được phát triển theo chiều sâu, đảm bảo tính bền vững (Ảnh TL) |
Phát triển theo chiều sâu
Theo thông tin từ UBND huyện Tháp Mười, đến nay tổng diện tích liên kết tiêu thụ lúa của toàn huyện là trên 20.000 ha. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện cũng xuất hiện mô hình lúa cấy bằng máy, bước đầu hiệu quả và có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với nông dân.
Trên nền tảng sản xuất hiện đại đầy sáng tạo, mô hình trồng lúa thông minh của HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (xã Mỹ Đông) đang mang lại hiệu quả vượt trội về kinh tế, trở thành điểm tựa thoát nghèo, làm giàu của thành viên.
Giám đốc Ngô Phước Dũng cho biết mô hình trồng lúa thông minh của HTX Mỹ Đông 2 được triển khai thực hiện từ vụ Đông Xuân 2017 - 2018 trên tổng diện tích gần 8 ha, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của tất cả các thành viên.
Để thực hiện và phát huy hiệu quả của mô hình, HTX đã liên kết với Công ty Rynan Smart Fetilizers (Trà Vinh) nhằm có được sự tư vấn, hỗ trợ kịp thời về khoa học – kỹ thuật và thị trường tiêu thụ.
Kết quả canh tác cho thấy, sản xuất lúa thông minh giúp nông dân giảm thiểu lượng giống, chỉ khoảng 8 kg/công. Năng suất bình quân đạt 7 - 8 tấn lúa tươi/ha, chi phí sản xuất giảm 45 - 50% so với phương thức canh tác cũ, đảm bảo lợi nhuận cao cho người sản xuất.
“Năng suất cao đem lại thu nhập cho các hộ thành viên HTX ổn định ở mức 50 - 70 triệu đồng/năm, giúp các hộ làm chủ kinh tế, tạo cơ sở mở rộng sản xuất vươn lên thoát nghèo, làm giàu”, ông Ngô Phước Dũng nhấn mạnh.
Đại diện UBND huyện Tháp Mười cho rằng thành công lớn nhất trong việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện chính là sự chuyển biến về tư duy làm nông nghiệp của người nông dân, góp phần kéo tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống dưới 3%.
Từ chỗ làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, chưa quan tâm đến liên kết và thị trường, phần lớn nông dân Tháp Mười hiện nay đã biết cùng nhau tổ chức thành lập HTX, tổ hợp tác. Cũng từ đây đã hình thành nhiều vùng sản xuất lớn có thực hiện liên kết chuỗi đầu vào và đầu ra với doanh nghiệp.
Nhật Minh