Xã Glar (huyện Đak Đoa) là nơi tập trung đông đảo đồng bào Bahnar, thời gian qua bà con địa phương rủ nhau tham gia vào HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh ở thôn Tuơh Ktu (xã Glar) để trồng cà phê sạch theo hướng bền vững. Nhờ vậy, bà con vừa giữ được năng suất vườn cây ổn định, vừa bán được sản phẩm với giá cao hơn thị trường.
Đảm bảo nhận đúng giá trị tương xứng
Với vai trò hỗ trợ kết nối, HTX này đã thành lập 3 Tổ liên kết sản xuất cà phê sạch tại các xã Glar, A Dơk và xã Trang thuộc huyện Đak Đoa. Bên cạnh 19 thành viên HTX, đã có thêm 31 nông hộ khác tham gia canh tác.
HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh đang nhân rộng phương thức sản xuất cà phê sạch theo xu hướng bền vững ở huyện Đak Đoa. |
Phong trào chuyển đổi phương thức sản xuất cà phê sạch theo xu hướng bền vững ở Đak Đoa đang được nhân rộng, số hộ người dân tộc thiểu số tham gia ngày càng tăng lên, nhất là khi HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh triển khai chương trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn UTZ (một chương trình và một nhãn chứng nhận cho canh tác bền vững).
Ông Lê Hữu Anh, Giám đốc HTX, cho biết: HTX liên kết với người dân trên địa bàn sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C (viết tắt của 4 từ: Common (Chung), Code (Bộ quy tắc), Coffee (Cà phê) và Community (Cộng đồng)), UTZ và hữu cơ.
Trong đó, HTX làm đầu mối tổ chức tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật, đồng thời kết nối với doanh nghiệp thu mua sản phẩm ổn định giúp tăng thu nhập. Cách làm này đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân và đồng bào thiểu số, tạo ra những sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ hiện nay.
Theo ông Lê Hữu Anh, trên nền tảng các vườn cà phê đã thực hiện chuyển đổi phương thức sản xuất sạch, hiện nay HTX triển khai chương trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn UTZ, số lượng nông hộ là người Bahnar chiếm tới 70%.
“Mục tiêu lâu dài của chương trình là xây dựng vùng nguyên liệu cà phê sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, gia tăng năng suất, chất lượng cà phê, đảm bảo giá đầu ra cao hơn cho thành viên và bà con nông dân. Chúng tôi hướng đến sự minh bạch, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo bà con nhận đúng giá trị tương xứng với công sức của mình”, vị giám đốc của HTX chia sẻ.
HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh là đầu mối kết nối người dân trên địa bàn sản xuất khoảng 70 ha cà phê theo tiêu chuẩn 4C và UTZ cung cấp nguyên liệu sạch cho Công ty TNHH Vĩnh Hiệp.
Mối liên kết giữa HTX này với các doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản được thực hiện theo nguyên tắc đầu vào rõ ràng, đầu ra ổn định, giá trị sản phẩm tăng cao. Trong đó, HTX là mắt xích quan trọng để kết nối người dân và doanh nghiệp cùng bắt tay phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững.
Điểm tựa vững chắc giúp thoát nghèo
Bà Giang H’hom, Phó chủ tịch UBND xã Glar, đánh giá cao hoạt động hiệu quả của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh và bày tỏ mong muốn chuỗi giá trị không riêng gì ở địa phương, mà muốn mô hình này có thật nhiều để giúp cây cà phê của bà con có giá trị cao hơn, giúp xóa đói giảm nghèo.
Tham gia mô hình sản xuất cà phê theo hướng bền vững của HTX, người dân Đak Đoa được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vật tư chăm sóc, cải tạo đất. |
Còn ở xã Đak Krong (huyện Đak Đoa) có HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đak Krong cũng đang trở thành điểm tựa vững chắc cho bà con nông dân triển khai mô hình sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C.
Không những giúp các vườn cà phê ổn định năng suất, nâng cao chất lượng và tăng giá trị sản phẩm trên cùng đơn vị diện tích, HTX này còn liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Chị Đào Thị Nguyệt (thôn 3, xã Đak Krong) cho hay gia đình chị có 1,2 ha cà phê, mỗi năm thu hoạch khoảng 3 tấn cà phê nhân. Do đất đai bạc màu lại không nắm vững kỹ thuật chăm sóc và thiếu phân bón nên vườn cà phê phát triển không đồng đều, năng suất thấp.
Từ khi tham gia mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ của HTX, chị Nguyệt được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vật tư chăm sóc, cải tạo đất. Nhờ đó, vườn cà phê phát triển tốt. Sản lượng đạt 5 tấn cà phê nhân/ha. Được đảm bảo đầu ra sau thu hoạch, giá thu mua cao hơn so với trước kia nên chị yên tâm canh tác.
Mô hình này đã làm thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất, tập trung, áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững, đạt tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến xuất khẩu. Thông qua HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đak Krong, người dân có thể chủ động nâng cao chất lượng cà phê, chế biến sâu để tăng giá trị sản phẩm.
Thời gian qua, huyện Đak Đoa (Gia Lai) đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các HTX trên địa bàn nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu hút người dân tham gia, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Các HTX cũng chủ động tìm hướng đi phù hợp với thực tế của địa phương để thu hút người dân cùng tham gia phát triển kinh tế tập thể.
Với những HTX nông nghiệp kiểu mới hoạt động hiệu quả, nâng giá trị cho cây cà phê theo hướng bền vững như HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh hay HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đak Krong được kỳ vọng sẽ là điểm tựa vững chắc giúp cho người dân địa phương và bà con dân tộc thiểu số ở huyện Đak Đoa giảm nghèo bền vững hơn.
Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đak Đoa vẫn còn ở mức hơn 12,7%. Vì thế, địa phương luôn chú trọng tổ chức thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, trong đó có việc phát triển kinh tế hợp tác nhằm bảo vệ, cải thiện cuộc sống cho những người yếu thế.
Thời gian tới, huyện Đak Đoa phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 2% trở lên và hạn chế tái nghèo, đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 7%. Cùng với đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện để hộ nghèo và cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững và rất cần vai trò của các HTX với mục tiêu tạo ra những sản phẩm chất lượng, đầu ra ổn định đem lại thu nhập cao cho người dân.
Thanh Loan