Vụ lúa đầu năm 2024 vừa qua, người trồng lúa trên địa bàn xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang được mùa, trúng giá, ai cũng phấn khởi. Trên những cánh đồng lúa hữu cơ, một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã diễn ra, máy móc thay thế hầu hết sức người, giá trị kinh tế cũng từ đó tăng lên.
Cây lúa lên hương
Bà Nguyễn Thị Bồng, không dấu được niềm vui khi vừa trải qua một vụ mùa bội thu, chia sẻ: “Vụ đầu năm, thời tiết thuận lợi nên cây lúa phát triển tốt, năng suất tăng 20-30%. Năm ngoái, năng suất bình quân đạt trên dưới 5 tấn/ha, còn năm nay đạt 6-7 tấn/ha”.
Không chỉ năng suất tăng mạnh, giá bán lúa cũng được cải thiện đáng kể. Lúa khô được thu với giá trung bình 8-9 nghìn đồng/kg, lúa tươi thu mua tại đồng bình quân 6-7 nghìn đồng/kg. “Cứ 1 tạ thóc năm nay các hộ có lãi 600-800 nghìn đồng, tùy thời điểm”, bà Bồng hồ hởi nói.
Vụ lúa kết thúc vào cuối tháng 4 vừa qua mang lại cho nông dân Đà Nẵng nhiều niềm vui nhờ được mùa, giá cao. |
Được biết, trong vụ Đông Xuân 2024, huyện Hòa Vang đã xuống giống với tổng diện tích 2.280ha, chủ yếu các giống lúa thuần năng suất cao, chất lượng tốt như: ĐT100, VNR20, Đài Thơm 8, ST25,...Thời tiết thuận lợi, dịch hại được kiểm soát, nông dân tuân thủ lịch thời vụ, nên sản lượng lúa trên toàn địa bàn huyện tăng, giá bán cũng ổn định.
Thành công của người trồng lúa ở Hòa Vang không hề là “ăn may”, mà đến từ những thay đổi cơ bản trong cách nghĩ, cách làm. Những năm qua, đa số các hộ sản xuất tham gia mô hình trồng lúa hữu cơ, gieo sạ những giống chất lượng cao. Trong canh tác, bà con chỉ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, phân khoáng hữu cơ, phân bón phun qua lá, không sử dụng hóa chất...
Bên cạnh đó, các HTX ngày càng khẳng định vai trò tiên phong trong thực hiện cuộc “cách mạng” khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng. Đơn cử ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, mỗi khi vào vụ thu hoạch, hàng chục máy gặt đập liên hợp chạy phăng phăng cắt, đóng lúa vào bao.
Lúa sau khi thu hoạch được vận chuyển đến các nhà xưởng của các HTX, với các loại lò sấy thóc, máy xay xát, máy đóng gói, hút chân không,... từ đó cho ra sản phẩm gạo hữu cơ OCOP 3 sao.
Hình thành các chuỗi liên kết
Ông Ngô Văn Sinh, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1, cho hay: “Hiện, HTX đóng vai trò là “bà đỡ” giúp thành viên nắm bắt và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng. Sản xuất theo hướng khoa học giúp HTX mang lại lợi ích, giá trị kinh tế nhiều hơn, bền vững hơn cho thành viên và cộng đồng”.
HTX Hòa Tiến 1 thành lập từ năm 1977, sau giai đoạn đầu hoạt động chưa thực sự hiệu quả, những năm sau đó từ nguồn lực của các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, HTX lập kế hoạch, hướng dẫn cho thành viên ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc 481 ha lúa cho năng suất cao, hình thành 12 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP; liên kết các đơn vị sản xuất 75 ha lúa giống Hà Phát 3, thiết lập đầu mối tiêu thụ sản phẩm của nông dân.
Đến nay, HTX hoạt động với quy mô 1.385 hộ thành viên, tổng doanh thu năm 2023 đạt hơn 4 tỷ đồng. HTX tạo việc làm cho hàng trăm lao động, với mức thu nhập 4-8 triệu đồng/người/tháng.
Các HTX đang thể hiện vai trò tích cực trong phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng ở Đà Nẵng. |
Không chỉ có cây lúa, nhiều loại rau màu trước đây tưởng như chỉ giúp nông dân trên địa bàn TP.Đà Nẵng thoát nghèo, đủ ăn, nhưng nay trở thành cây làm giàu, nhờ những thay đổi trong tư duy sản xuất.
Điển hình, sau hơn 6 năm triển khai mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường, HTX Rau củ quả Hòa Vang (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) đã và đang liên tục duy trì đà tăng trưởng ổn định, đưa ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo đảm chất lượng.
Ông Nguyễn Thắng, Giám đốc HTX rau hoa củ quả Hòa Vang cho hay, HTX là một trong những mô hình nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên trên địa bàn huyện Hòa Vang. Đến nay, HTX đã mở rộng mô hình trồng rau an toàn bằng việc chi hơn 2 tỷ đồng đầu tư lắp đặt nhà kính, hệ thống tưới phun sương, mua sắm thiết bị trồng rau công nghệ cao.
Mỗi năm, trang trại rau cung ứng cho thị trường hơn 500 tấn rau các loại, sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 500 triệu đồng. HTX cũng đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động là người Cơ Tu sinh sống tại địa phương với mức thu nhập 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Thúc đẩy chuỗi giá trị
Chia sẻ về bí quyết làm ra những sản phẩm chất lượng, giá trị cao, thành viên HTX Rau củ quả Hòa Vang cho hay họ đã nghiên cứu, nhập giống rau củ quả từ Indonesia, Malaysia và một số nước có vùng khí hậu nóng. Nguồn nước tưới được lấy tại Hòa Ninh và đưa lên Đà Lạt kiểm nghiệm đạt chất lượng.
Từ khi bắt đầu xuống giống đến kỳ thu hoạch, HTX ghi chép sổ nhật ký rõ ràng, bảo đảm áp dụng đúng 10 bước theo quy trình sản xuất rau VietGAP. HTX cũng tăng cường sử dụng phân hữu cơ ủ hoai mục để bón cho các loại rau củ quả, áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại IPM.
Đặc biệt, mỗi đợt thu hoạch, sản phẩm của HTX đều được lấy mẫu kiểm định, phân tích, bảo đảm không còn tồn đọng những chất gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Chất lượng sản phẩm vượt trội chính là chìa khóa để HTX luôn gây ấn tượng với khách hàng, nâng sức cạnh tranh trên thị trường.
Có thể thấy, những năm qua, ngành nông nghiệp TP.Đà Nẵng đã và đang tăng cường hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp, nông dân trong sản xuất theo hướng hiện đại, giàu khoa học kỹ thuật, từ đó giúp các đơn vị nâng cao hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tốc độ xóa đói giảm nghèo tại hầu hết địa phương.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh dự kiến tiếp tục đẩy mạnh thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Trong đó, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Việc ứng dụng khoa học công nghệ (như công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật…) sẽ giúp người nông dân tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường và giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu...
Trúc Như