Năm 2023, với hơn 30 tấn sầu riêng Dona, gia đình ông Châu Văn Hận (xã Ia Bang, huyện Chư Prông) thắng lớn khi thu về hơn 2 tỷ đồng. Đến năm nay, năng suất vườn sầu riêng thậm chí còn cao hơn, với giá trên dưới 80 nghìn đồng/kg, ông Hận dự kiến thu về trên 2,5 tỷ đồng.
Được mùa, được giá
Đứng trên khu vườn chuyên canh cây sầu riêng rộng hơn 1,5 ha, ông Châu Văn Hận chia sẻ trước đây khu này chủ yếu trồng cà phê, hồ tiêu, còn sầu riêng chỉ chiếm số lượng rất ít. Những năm gần đây, khi nhận thấy sầu riêng cho giá trị cao, ông quyết định chuyển đổi toàn bộ sang loại cây “bạc tỷ” này.
Để chuyển sang trồng sầu riêng, ông Hận đã cất công tìm hiểu kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu khó tính, từ Á sang Âu.
Nông dân Gia Lai dự kiến tiếp tục có một vụ sầu riêng thắng lớn. |
Không chỉ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, việc áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn kỹ thuật cao giúp vườn sầu riêng của ông Hận cho năng suất vượt trội. Diện tích sản xuất hơn 1,5 ha không phải là diện tích quá lớn ở Chư Prông, song hơn 250 cây sầu riêng của gia đình ông luôn cho sản lượng bình quân 1-2,5 tạ/cây.
“Năm nay, năng suất vườn sầu riêng nhà tôi dự kiến cao hơn năm trước, đạt trên dưới 35 tấn, HTX và doanh nghiệp luôn đợi sẵn ở cửa vườn để ký hợp đồng. Với giá bán hiện tại là trên dưới 80 nghìn đồng/kg, sau trừ chi phí, lợi nhuận có thể đạt 2,4-2,5 tỷ đồng”, ông Hận hồ hởi nói.
Một thông tin được nhiều hộ sản xuất ở Gia Lai truyền tai nhau là năm nay sầu riêng Thái Lan mất mùa do thời tiết bất lợi, điều này càng khiến các nhà vườn tự tin sẽ có thêm một vụ mùa thắng lớn, lợi nhuận tiền tỷ.
Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Chư Prông, năm 2024, toàn huyện có khoảng 1.200 ha sầu riêng, trong đó diện tích kinh doanh khoảng 710 ha, năng suất đạt 14,8 tấn/ha, sản lượng gần 11 ngàn tấn/năm. Trên địa bàn huyện cũng đã được cấp 8 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích khoảng 160 ha, tập trung tại thị trấn Chư Prông và các xã: Ia Bang, Ia Phìn, Ia Kly.
Đẩy mạnh xuất khẩu, thu ngoại tệ
Cũng giống như ở Chư Prông, nông dân trồng sầu riêng ở huyện Chư Pưh cũng dự kiến có vụ mùa trúng đậm, trong bối cảnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có nhiều thuận lợi, giá ổn định.
Cách đây 5 năm, ông Nguyễn Hữu Hùng (thôn 2, xã Ia Ka) trồng xen hơn 100 cây sầu riêng trong vườn cà phê. Thấy cây sầu riêng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên ông tiếp tục xen canh thêm 100-200 cây/năm.
Khi cây sầu riêng khép tán, ông chặt bỏ cà phê. Hiện, ông có hơn 900 cây sầu riêng trồng thuần trên diện tích 5 ha, trong đó 250 cây đã cho thu hoạch.
Năm ngoái, 250 cây sầu riêng của gia đình ông Hùng cho thu hoạch khoảng hơn 25 tấn quả. Trước khi thu hoạch, thương lái đến tận vườn chốt giá 78,2 ngàn đồng/kg. Kết mùa, gia đình ông thu về hơn 2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 1,7 tỷ đồng.
“Năm nay, năng suất tương đương, nhưng giá hiện chỉ vào khoảng 60-70 nghìn đồngkg, nên lợi nhuận dự kiến không bằng năm ngoái. Chúng tôi kỳ vọng thời gian tới, Trung Quốc tăng nhập hàng, giá sẽ cao hơn. Tuy nhiên, ngay cả với giá hiện tại, nhà tôi vẫn tự tin có lời trên 1 tỷ đồng/ha”, ông Hùng chia sẻ.
Gia Lai dự kiến tiếp tục nâng cao chất lượng vùng trồng, thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn (xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) cho biết HTX đang là đầu tàu liên kết gần 70 hộ sản xuất, tổng diện tích canh tác hơn 250 ha sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có khoảng 180 ha được cấp mã số vùng trồng.
Vụ mùa 2024, do những ảnh hưởng của hạn hán kéo dài, năng suất sầu riêng không cao như năm trước, nhiều hộ phải chi thêm tiền để chống hạn, tuy nhiên, nhờ sầu riêng được giá, cao hơn trung bình 10-15 nghìn đồng/kg, nên thu nhập của các hộ vẫn được đảm bảo, lợi nhuận đạt trên 1 tỷ đồng/ha.
Đáng chú ý, cùng với HTX Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS (xã Ia Rong), HTX Đại Ngàn được huyện Chư Pưh chọn làm điểm trong mô hình vừa làm dịch vụ gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ. Đây là những mô hình điểm mà huyện Chư Pưh chọn để triển khai việc đầu tư liên kết sản xuất nông sản theo chuỗi, nâng cao giá trị hàng hóa cho cây trồng chủ lực tại địa phương.
Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Chư Pưh cho hay, việc tìm một hướng đi chung cho các HTX đang được địa phương đặt ra để tạo tiền đề cơ bản vận động xây dựng chuỗi liên kết giữa nông dân với HTX, giữa HTX với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và liên kết tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm. Đến nay, huyện Chư Pưh đã xây dựng và phát triển được 22 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Phát triển bền vững
Những diễn biến thực tế cho thấy sau năm 2023 thắng lớn, nông dân trồng sầu riêng ở Gia Lai dự kiến tiếp tục có thêm một vụ trúng đậm. Liên tục được mùa, trúng giá đang giúp nhiều nhà vườn ở Gia Lai phất lên nhanh chóng, trở thành những tỷ phú nắm trong tay hàng chục tỷ đồng.
Cho giá trị kinh tế cao, song các chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo các nhà vườn cần tính toán kỹ lưỡng, thận trọng khi mở rộng diện tích, tránh tình trạng phát triển ồ ạt gây hậu quả về lâu về dài.
Về phía địa phương, ngành nông nghiệp cần khuyến khích người dân tham gia liên kết chuỗi, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, HTX liên kết với nông dân trong việc trồng, chế biến và tiêu thụ trái sầu riêng, tìm hướng xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường tiềm năng.
Thực tế, để phát triển bền vững, hướng đến phát triển và hình thành các vùng chuyên canh sầu riêng đạt chuẩn xuất khẩu, tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững. Trong đó chú trọng xây dựng quy trình canh tác tiên tiến theo hướng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Toàn tỉnh Gia Lai có hiện gần 6.000ha sầu riêng, trong đó diện tích đang cho thu hoạch chiếm khoảng 50%, tập trung ở các huyện như Chư Prông, Ia Grai, Đăk Đoa, Chư Sê và Chư Pưh. Tỉnh đã xây dựng được 16 mã số vùng trồng sầu riêng và đang xây dựng sầu riêng thành nông sản chiến lược.
Hải Miên