Ở Vĩnh Long, nhiều HTX thủ công mỹ nghệ được thành lập với lực lượng lao động chính là phụ nữ. Hoạt động trong HTX, các thành viên được hỗ trợ, đào tạo về kỹ thuật để đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, mở cánh cửa thị trường, từ đó vươn lên làm giàu bền vững.
Tạo thêm nhiều việc làm
Những năm qua, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đặc biệt là lao động nữ được đẩy mạnh triển khai tại Vĩnh Long bằng nhiều hình thức, trong đó có phối hợp liên kết, mở lớp lưu động, gắn với tạo việc làm sau học nghề, hỗ trợ vốn, xây dựng các mô hình tạo việc làm tại chỗ.
Vĩnh Long đã có nhiều chính sách để người lao động vươn lên thoát nghèo bền vững bằng chính sức lao động của mình. |
Tỉnh Vĩnh Long đã vận động hỗ trợ thành lập và nhân rộng được trên 300 mô hình kinh tế do lao động nữ là chủ lực như HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, tổ/nhóm phụ nữ chăn nuôi, trồng trọt, giúp trên 18.600 lao động nữ cải thiện thu nhập.
HTX Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng, xã Bình Ninh, huyện Tam Bình hàng năm tạo việc làm cho trên 1.000 lao động nữ. Cây lục bình – nguyên liệu chính của HTX, trước đây chỉ dùng làm thức ăn nuôi lợn, nhưng nay đã trở thành cây giúp các hộ dân nghèo ở Tam Bình thoát nghèo.
Để tạo việc làm cho lao động, HTX Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề của huyện tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nữ với mức thu nhập ổn định.
Bà Phạm Thị Tơ, Giám đốc HTX, cho biết: “Nhờ uy tín gây dựng nhiều năm, HTX không sợ thiếu việc làm, chỉ cần các chị em chịu học hỏi, nâng cao tay nghề để thu nhập cao hơn. HTX hướng tới mở thêm nhiều lớp dạy nghề cho phụ nữ dân tộc, giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm chủ kinh tế”.
Hiện, sản phẩm của HTX Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng khá đa dạng, từ những loại đơn giản như thảm, chiếu lục bình cho đến những sản phẩm phức tạp hơn như kệ đựng báo, chai đựng rượu, khay giấy, chậu bông các loại và ghế salon…
Toàn bộ sản phẩm của HTX sản xuất ra được phía doanh nghiệp liên kết thu mua, xuất khẩu đi các nước Tây Âu như Đan Mạch, Đức, hoặc xuất sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc.
Đến nay, bình quân mỗi lao động tại HTX Quyết Thắng có thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng. Tiền lương ổn định giúp người lao động tự chủ kinh tế, phát huy được sự sáng tạo trong công việc. Hiệu quả của HTX Quyết Thắng đang góp phần rất đáng kể cho công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Đại diện Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Tam Bình đánh giá, rõ ràng, với việc phát triển HTX đã tạo hướng đi đúng, đồng thời tạo động lực lớn cho phong trào phát triển kinh tế tập thể với lực lượng nòng cốt là phụ nữ ở các địa phương, góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập lao động khu vực nông thôn.
“Tiếp sức” cho người nghèo thoát nghèo
Giống như Quyết Thắng, HTX tiểu thủ công mỹ nghệ Ngãi Tứ, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình cũng đang là địa chỉ tin cậy cho những lao động có khát khao thoát nghèo, làm giàu. HTX hiện sản xuất khoảng 200 sản phẩm thủ công mỹ nghệ các loại, tạo việc làm cho khoảng 300 lao động.
Các HTX đã đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương. |
Từ một người chỉ biết làm nghề nông và lo nội trợ, hiện chị Ngô Thị Hiền, ấp Bình Quý, xã Ngãi Tứ đã trở thành thợ lành nghề tại HTX tiểu thủ công mỹ nghệ Ngãi Tứ với mức lương đều đặn từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng.
Chị Hiền tâm sự, với phụ nữ nông thôn, thời gian nhàn rỗi nhiều trong khi khó có thể đi làm thêm công việc nơi khác do còn lo con cái, gia đình. Từ ngày có nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ tại địa phương, chị được trực tiếp dạy nghề theo kiểu “cầm tay chỉ việc”.
Lúc đầu còn chưa quen việc, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, các chị em đã thạo nghề và có thêm thu nhập đáng kể nhờ số lượng sản phẩm làm ra. Chị Hiền vui mừng nói, mấy chị em ở đây không ai phải bỏ ruộng vườn và chăn nuôi ở nhà. Thậm chí, có lương ổn định, các chị sẵn sàng bỏ tiền để thuê thêm người làm phụ việc sản xuất nông nghiệp, lợi cả đôi đường.
Anh Phạm Hoàng Anh, người lao động trong HTX thủ công mỹ nghệ Ngãi Tứ chia sẻ, anh làm nghề sửa xe gắn máy, vợ nội trợ. Vợ chồng anh chị đã học nghề và lấy hàng của HTX về làm gần 1 năm nay. Khoảng 2 tuần, anh chị làm được hơn 200 cái giỏ hình chữ nhật, tiền công 3.500 đồng/cái. “Làm thêm có tiền, trang trải chi phí hàng ngày đỡ lắm”, anh vui mừng nói.
Chị Huỳnh Thị Kim Hơn, ấp Bình Quý là thợ giỏi kinh nghiệm nhiều năm, hiện đã trở thành kỹ thuật viên của HTX. Một ngày chị có thể đan được 4 cái ghế đôn, kiếm được từ 100.000 - 150.000 đồng. Cuộc sống gia đình nhờ đó cũng khá hơn.
Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX tiểu thủ công mỹ nghệ Ngãi Tứ cho biết, những ngày đầu thành lập, HĐQT HTX thường xuyên tham gia các hội thảo, triển lãm nghề thủ công mỹ nghệ để học hỏi, du nhập thêm những nghề mới, tìm kiếm các doanh nghiệp để liên kết sản xuất hàng xuất khẩu.
Nhờ đó, sau 10 năm thành lập, HTX đã mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng nhà xưởng rộng trên 1.500 m2, góp phần du nhập được nghề mới, thu nhập cao, ổn định và tạo được niềm tin, sự gắn bó của lao động địa phương.
“Xác định tạo việc làm, nâng cao thu nhập là “đòn bẩy” để phụ nữ nông thôn vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, HTX đã giúp chị em phụ nữ địa phương có việc làm tại nhà, tận dụng thời gian nhàn rỗi để phát triển kinh tế gia đình, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương”, ông Nam chia sẻ.
Kim Yến