Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được các địa phương của huyện Ninh Phước quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả, đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 3,9%.
Thực hiện các giải pháp đồng bộ
Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, huyện Ninh Phước đã và đang sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn do Trung ương và tỉnh hỗ trợ để đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn.
Huyện Ninh Phước chủ động đa dạng sinh kế, xóa đói giảm nghèo cho ngườì dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Chăm (Ảnh TL) |
Huyện tranh thủ nguồn vốn của các Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để ưu tiên đầu tư các công trình kênh mương nội đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình sản xuất cho người dân các xã vùng bãi ngang, vùng đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh các chương trình và chính sách giảm nghèo của Chính phủ và của tỉnh, huyện còn tập trung thực hiện các chủ trương về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Đồng thời, đẩy mạnh truyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế.
Huyện cũng chú trọng phát triển, nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, mô hình sản xuất rau an toàn, mô hình chăn nuôi dê, bò, cừu vỗ béo và sinh sản… góp phần giúp người nghèo nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Cùng với đó, huyện luôn quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hộ nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc Chăm, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp để phát triển sản xuất.
Nhờ các giải pháp đồng bộ, nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Ninh Phước có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Chị Não Thị Châu Từ Xim, thôn Tuấn Tú, xã An Hải cho biết: "Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, nhà chỉ có 2,5 sào đất trồng hoa màu, nên thu nhập bấp bênh. Năm 2018, tôi được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 70 triệu đồng, đầu tư vào trồng măng tây xanh. Đến nay, gia đình đã có thu nhập ổn định, thoát được nghèo".
Sức lan tỏa của những "điểm sáng"
Cùng với các giải pháp về chính sách, Ninh Phước cũng đã thực hiện hiệu quả mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Có thể kể đến mô hình sản xuất lúa giống 280ha liên kết sản xuất giữa HTX với các hộ dân; sản xuất bắp nhân giống 680ha tại 2 xã Phước Vinh, Phước Sơn…
HTX Tuấn Tú đang trở thành "điểm tựa" giảm nghèo, làm giàu cho nhiều hộ đồng bào Chăm tại địa phương (Ảnh TL) |
Các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện. Đơn cử như mô hình HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tuấn Tú (xã An Hải) liên kết với Công ty TNHH Linh Đan trồng 40ha măng tây xanh theo tiêu chuẩn VietGAP.
Thành công của HTX Tuấn Tú đang mở ra hướng đi ổn định cho nông dân vùng đồng bào Chăm trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu từ trồng cây măng tây xanh. Theo tính toán, cây măng tây xanh cho lợi nhuận trung bình trên 500 triệu đồng/ha/năm.
Hoặc như mô hình liên kết sản xuất bắp giống của nông dân xã Phước Vinh vụ đông-xuân vừa qua đạt năng suất, thu nhập cao, tạo tâm lý phấn khởi trong bà con, góp phần nâng cao tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tính đến nay, nông dân huyện Ninh Phước canh tác 700ha táo và 430ha cây nho. Đây là hai loài cây kinh tế chủ lực cho thu nhập cao, ít sử dụng nước tưới, được địa phương khuyến khích nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích canh tác phù hợp với điều kiện thời tiết khô hạn.
Với những thành công đang có, Ninh Phước đang đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn dưới 3% trong năm 2020, thu nhập bình quân đạt trên 50 triệu đồng/người.
Nhật Minh