Ngân Sơn đang có nhiều cá nhân xuất sắc trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo (Ảnh Tư liệu) |
Từ cá nhân xuất sắc
Là điển hình vượt khó làm kinh tế giỏi của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bằng Vân, mấy năm gần đây, đời sống gia đình của chị Nông Thị Tâm ở thôn Quan Làng ngày một ổn định, khấm khá.
Để có được cuộc sống hiện tại, chị Tâm đã xây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp trên quy mô vài ha trồng các loại cây dẻ, mận, đào và xây dựng vườn ươm các loại cây ăn quả.
Mô hình bắt đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao từ năm 2017 đến nay. Hằng năm gia đình cung cấp hàng vạn cây giống như đào, dẻ, mận cho các hộ ở các xã, huyện lân cận mang lại thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Tương tự, chị Lưu Thị Thời ở thôn Cốc Pái, thị trấn Nà Phặc thì lại phát triển kinh tế từ trồng nấm và cây ăn quả.
Từ năm 2009 chị tập trung đầu tư vào mô hình trồng nấm, cho thu nhập trên 80 triệu đồng/năm. Năm 2014 chị tiếp tục trồng 1.000 cây quýt, hiện cây đã bắt đầu cho thu hoạch.
Chị Lục Thị Mẩy ở Khu Chợ 1, xã Vân Tùng thì tập trung mở dịch vụ nhà hàng ăn uống, nhận làm cỗ, chăn nuôi lợn, gà... mỗi năm cho thu nhập trên 170 triệu đồng, tạo việc làm cho 8 - 10 phụ nữ.
Hàng loạt các hộ sản xuất điểm hình thành với hiệu quả kinh tế cao đang chứng minh các chính sách thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hướng tới xoá đói, giảm nghèo, làm giàu bền vững của huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn đang đi đúng hướng.
Đến HTX điển hình
Không chỉ có các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện cũng đang cho thấy những bước tiến vững chắc, trở thành điểm tựa xoá đói, giảm nghèp cho thành viên, nông dân liên kết.
HTX Khẩu Nua Lếch Thượng Quan đang là một trong những đơn vị điển hình nhất của huyện Ngân Sơn, mang đế lợi ích kinh tế cao, ổn định cuộc sống cho thành viên.
Các HTX cũng đang đóng góp quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người dân (Ảnh TL) |
Sản phẩm Gạo nếp Khẩu Nua Lếch của HTX Khẩu Nua Lếch Thượng Quan (Ngân Sơn, Bắc Kạn) đã được huyện Ngân Sơn lựa chọn là một trong những sản phẩm nổi bật để tham gia đánh giá xếp hạng tại chương trình “Mỗi, xã phường một sản phẩm” cấp tỉnh.
Sản phẩm của HTX được Hội đồng bình chọn đánh giá cao, đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP Bắc Kạn đã chứng minh vị thế và thương hiệu của mình trên thị trường.
Để có thành công, HTX chủ động đẩy mạnh tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới, áp dụng các phương thức sản xuất an toàn, đồng thời, tích cực hỗ trợ các dịch vụ đầu vào (giống, vật tư, phân bón…), tổ chức bao tiêu, hỗ trợ đầu ra cho thành viên, nông dân.
Nhờ sản xuất an toàn cùng sự táo bạo trong phát triển thị trường, HTX đang đưa thương hiệu gạo Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn lên tầm cao mới. Năm 2018, toàn xã Thượng Quan thu về trên 120 tấn lúa, với giá bán bình quân 18.000 - 25.000 đồng/kg thóc, 35.000 - 40.000 đồng/kg gạo.
Tương tự, HTX nước sạch và vệ sinh môi trường Ngân Sơn đang thành công với dịch vụ môi trường, nước sạch và mô hình trồng nho hữu cơ, mở ra hướng đi mới đầy tiềm năng cho các hộ liên kết.
HTX Ngân Sơn chính thức đi vào hoạt động từ 1/2017 và có 9 thành viên, hoạt động theo Luật HTX 2012. Hiện HTX hoạt động chính trong lĩnh vực cung cấp nước sinh hoạt và xử lý rác thải.
Hoạt động của HTX Ngân Sơn giúp vấn đề nước sạch trên địa bàn những năm qua liên tục được cải thiện. Người dân đã có ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hàng tháng đóng tiền theo lượng nước dùng cho tổ quản lý để duy tu, bảo dưỡng.
Ngoài ra, HTX đang có những thành công tích cực với mô hình trồng nho hữu cơ. Năm 2018, HTX đưa 1.000 cây nho Hạ Đen trồng thử nghiệm tại thôn Nà Kéo, xã Thượng Quan (Ngân Sơn). Đến nay, cây nho sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ đậu quả khá cao, chất lượng quả tốt.
Với những thành công đang có, đại diện UBND huyện Ngân Sơn cho biết trong thời gian tới, các cấp, ngành của huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả các mô hình sản xuất, kinh doanh, góp phần hoàn thành tốt các chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ xoá đói, giảm nghèo bền vững đã đề ra trong năm 2020.
Nhật Minh