Nhờ giá bán tăng mạnh, vườn thanh long nghịch vụ cho thu hoạch trong tháng 5 này của gia đình ông Trần Văn Thiện, thành viên Tổ hợp tác trồng thanh long xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc dự kiến “thắng lớn”, dù năng suất bị ảnh hưởng không nhỏ do hạn hán kéo dài.
“Ép” thanh long ra trái nghịch vụ
Ông Thiện cho hay, với hơn 1 ha trồng thanh long ruột đỏ, gia đình ông có thể lãi trên dưới 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Kể từ cuối tháng 3 đến nay, giá thanh long ruột trắng ở Xuyên Mộc được thương lái thu mua khoảng 15.000-18.000 đồng/kg, còn thanh long ruột đỏ từ 30.000-35.000 đồng/kg.
“Vụ thanh long nghịch vụ năm nay chịu ảnh hưởng rất lớn vì khô hạn, nhiều vườn giảm năng suất 40-60%, thậm chí cao hơn. Tuy nhiên, bù lại được giá cao nên các hộ trồng thanh long vẫn đảm bảo lợi nhuận khá”, ông Thiện hồ hởi nói.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển thanh long trái vụ giúp nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu nâng cao thu nhập (Ảnh: BBRVT). |
Có một thực tế là trong những năm gần đây, thách thức với người trồng thanh long ở Xuyên Mộc nói riêng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung ngày càng nhiều, trong đó biến đổi khí hậu và cạnh tranh thị trường gay gắt là những “bài toán” khó nhất.
Trước những khó khăn phải đối mặt, ông Thiện cùng hàng trăm hộ trồng thanh long ở Xuyên Mộc đã chủ động thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn sinh thái, ứng dụng khoa học kỹ thuật để thích ứng, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, đảm bảo thu nhập.
Đơn cử, để tránh tình cảnh “được mùa, mất giá”, nhiều hộ trồng thanh long ở Xuyên Mộc đã ứng dụng kỹ thuật xông đèn để “ép” cây ra trái nghịch vụ, từ đó thanh long bán được giá, cho thu nhập cao hơn.
Cùng với kỹ thuật xông đèn đòi hỏi trình độ cao, nhiều hộ trồng thanh long cũng mạnh dạn đầu tư tiền tỷ để trang bị hệ thống tưới tự động và tưới tiết kiệm, ứng phó biến đổi khí hậu khiến hạn hán thường xuyên xảy ra.
“Thanh long nghịch vụ thường rơi vào mùa khô, nước tưới thường rất thiếu, nhưng nếu ứng dụng hiệu quả công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến, thanh long vẫn cho năng suất bình quân 10-15 tấn/ha/vụ, với giá bán từ 18.000-30.000 đồng/kg, các hộ vẫn có lãi trên dưới 150 triệu đồng/năm”, ông Thiện phân tích.
Theo thống kê, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang có trên 700 ha trồng thanh long. Dù còn không ít thách thức, thanh long vẫn đang là một trong những cây trồng chủ lực được ngành nông nghiệp nhiều địa phương chú trọng, hướng tới mục tiêu nâng cao năng suất, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho người dân.
Thúc đẩy phát triển cây trồng chủ lực
Cùng với thanh long, nhãn cũng đang là cây trồng thế mạnh của tỉnh, với tổng diện tích trên 1754 ha, sản lượng hơn 21.000 tấn/năm. Đáng chú ý, với sự hiện diện của các HTX cùng những thay đổi trong cách nghĩ, cách làm giúp các hộ sản xuất nâng cao hiệu quả.
Đơn cử, trước đây, các hộ trồng nhãn ở xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) thường bị thương lái ép giá hoặc phải mua phân bón, vật tư chăm sóc cây trồng với giá cao, dẫn đến thu nhập kém ổn định. Tuy nhiên, từ khi HTX dịch vụ Nhân Tâm (xã Hòa Hiệp) được thành lập, những bất cập trên đã dần được tháo gỡ.
Cùng với thanh long, Bà Rịa - Vũng Tàu còn có hàng loạt cây ăn quả thế mạnh khác như nhãn, cây có múi, sầu riêng... (Ảnh: BBRVT). |
Ông Phạm Thế Hoành, Giám đốc HTX, cho biết đến nay, HTX có 13,9ha trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng đạt khoảng 45 tấn/năm. Sản phẩm nhãn của HTX đã có chỗ đứng ổn định trong các hệ thống siêu thị cả nước.
Nhờ hoạt động hiệu quả cao, HTX đã mang lại thu nhập bình quân khoảng 250 triệu/ha/năm, doanh thu bình quân khoảng 1,3 -1,6 tỷ đồng/năm. Theo ông Hoành, HTX hiện nay vẫn không ngừng hoàn thiện mẫu mã, bao bì và chất lượng sản phẩm để hướng tới những thị trường khó tính hơn.
Năm 2023, vùng trồng của HTX cũng đã đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của Nhật Bản và được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường này với trung bình 12 tấn nhãn tươi/tháng.
Việc được cấp mã số vùng trồng giúp HTX nâng cao khả năng cạnh tranh, hình thành các chuỗi giá trị bền vững hướng đến xuất khẩu.
Tính đến nay, toàn huyện Xuyên Mộc có trên 10 HTX nông nghiệp hoạt động trong các ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp… với hàng trăm thành viên và hàng nghìn người lao động tham gia.
Trên bình diện toàn tỉnh, Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều giống nhãn có tên tuổi như nhãn xuồng cơm vàng, nhãn bao công, nhãn bắp cải, nhãn tiêu… với giá bán luôn ở mức cao. Cụ thể, giá nhãn bắp cải là 150.000 đồng/kg, giá nhãn tiêu 120.000 đồng/kg, nhãn xuồng bao công 50.000 đồng/kg và xuồng cơm vàng khoảng 25.000 – 30.000 đồng/kg…
Tiếp tục phát huy các thế mạnh
Bên cạnh cây thanh long, nhãn, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu còn nhiều loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao như cây có múi, sầu riêng, hay hồ tiêu… Các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Long Điền và Đất Đỏ là những địa phương có nhiều vùng nông nghiệp nổi tiếng và được xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu.
Các vườn nguyên liệu và nông sản nổi tiếng trên địa bàn tỉnh không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn là nguồn cảm hứng cho sự đổi mới trong nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất theo chuỗi từ khâu nuôi trồng đến khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời xây dựng mã số vùng nuôi trồng sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc như các nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới.
Với những điểm tựa đang có, thời gian tới, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho nông dân, HTX, doanh nghiệp.
Trong đó, tỉnh tập trung áp dụng các quy định, chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết, khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp như: Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, Nghị định số 83/2018/NĐ-CP, Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND.
Đặc biệt, với lợi thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến đẩy mạnh triển khai nhiều mô hình du lịch kết hợp trải nghiệm sản xuất nông nghiệp, đón bắt xu hướng du lịch mới.
Phương thức này không những mang lại lợi ích kinh tế cho người dân, mà còn có vai trò to lớn trong việc giữ gìn cảnh quan môi trường vùng nông thôn, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo đà cho phát triển nông nghiệp sạch, bền vững.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng khu, đào tạo nguồn nhân lực phát triển trang trại công nghệ cao trong nông nghiệp, xúc tiến thương mại nông nghiệp, tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm. Cùng với đó, tỉnh sẽ tổ chức kêu gọi các HTX, doanh nghiệp liên kết sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm gia tăng thu nhập cho người dân.
Lệ Chi