Từ khi về đích nông thôn mới, rồi tiếp tục xây dựng thành công nông thôn mới nâng cao, xã Bình Định đã thực sự trở thành miền quê đáng sống trên địa bàn huyện Kiến Xương, diện mạo nông nghiệp, nông thôn hoàn toàn “thay da đổi thịt”, điện - đường - trường - trạm được nâng cấp.
Những miền quê đáng sống
Ông Bùi Ngọc Trìu, Chủ tịch UBND xã Bình Định, cho biết với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, địa phương xác định tiếp tục tập trung hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu về sản xuất, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, cùng với đó là giáo dục, y tế, văn hóa...
Cụ thể, trong sản xuất, địa phương đã thành lập 2 HTX về sản xuất nông nghiệp, xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vùng sản xuất tập trung giai đoạn 2023 - 2025 nhằm gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm, đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu sản xuất, mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp.
Nông thôn mới huyện Kiến Xương đang ngày càng khởi sắc. |
Điển hình, HTX nông nghiệp xã Bình Định đang là một mô hình HTX đi đầu trong đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp thành viên và người lao động có thu nhập ổn định, góp phần an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Với chiến lược phát triển toàn diện, xã Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hình thành 7 vùng sản xuất tập trung trên diện tích 352,5ha với 302ha lúa liên kết. Dự kiến sản lượng tiêu thụ qua hợp đồng ký kết với doanh nghiệp hoặc đóng gói bán lẻ cho người tiêu dùng đạt 2.000 tấn/năm.
Đặc biệt, địa phương sẽ đẩy mạnh xây dựng nhãn mác, thương hiệu sản phẩm theo hướng hữu cơ với giống lúa TBR39, tiến tới áp dụng phần mềm quản lý đồng ruộng, nhật ký số đồng ruộng trên toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, đồng thời xóa bỏ bờ ngăn, từng bước bỏ bờ thửa để tăng quy mô đồng ruộng, nâng giá trị canh tác lên hơn 3,8 triệu đồng/ha/năm so với sản xuất thông thường.
Bên cạnh tập trung phát triển nông nghiệp, Bình Định tiếp tục kêu gọi các dự án đầu tư về địa bàn để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Với kết quả đang có, xã phấn đấu về đích nông thôn mới kiểu mẫu trước năm 2025, thu nhập bình quân của người dân đạt 80-100 triệu đồng/năm.
Động lực từ liên kết sản xuất
Cùng với Bình Định, xã Vũ An cũng đang là xã điểm với mục tiêu về đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2023. Để hoàn thành mục tiêu, xã chủ động xây dựng nền sản xuất phát triển toàn diện, với các chuỗi giá trị từ liên kết nông dân, HTX, doanh nghiệp.
HTX dịch vụ nông nghiệp xã Vũ An chính là một trong những điển hình trong tổ chức sản xuất, tạo hiệu quả cao cho nông dân địa phương. Với đóng góp của HTX, rất nhiều sản phẩm chủ lực của xã như khoai tây, dưa gang, lạc đỏ... đang cho giá trị ngày càng cao.
Đặc biệt, để hướng tới xây dựng sản phẩm đặc trưng, đạt tiêu chuẩn OCOP, HTX đã đồng hành cùng ngành nông nghiệp xã Vũ An xây dựng kế hoạch phát triển cụ thể cho từng sản phẩm, trong đó có sản phẩm lạc đỏ bởi đây là sản phẩm ít xã có được.
Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp tiếp tục là chìa khóa để Kiến Xương thúc đẩy nông thôn mới. |
Ông Nguyễn Quang Thế, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Vũ An, cho hay lạc là cây trồng có thời gian sinh trưởng sau 100 ngày cho thu hoạch, năng suất thấp cũng đạt 2 tạ/sào, cao là 2,8 tạ/sào với giá bình quân từ 14.000 - 15.000 đồng/kg. Riêng năm 2023, giá bán cao từ 17.000 - 21.000 đồng/kg, người dân thu về bình quân trên 4 triệu đồng/sào.
Cũng vì hiệu quả kinh tế của cây lạc nên xã đã quy hoạch mở rộng, từ 2 thôn đến nay phát triển ở 5/5 thôn trồng 53ha. Thời gian tới xã sẽ tiếp tục mở rộng ra những vùng có thể trồng được với khoảng 80ha, cho ra sản phẩm đóng túi bán trên thị trường.
Có thể thấy, hiệu quả hoạt động của các HTX chính là một trong những nhân tố quan trọng giúp xã Vũ An hiện thực hóa mục tiêu về đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2023.
Cùng với xã Vũ An, các HTX cũng đang có vai trò rất tích cực trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Bình Thanh. Điển hình có HTX Thương mại dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh. Sản phẩm gạo chợ Gốc của HTX đang là nông sản thế mạnh, ngày càng được nhiều người biết tới.
Từ khi xã xây dựng được thương hiệu gạo chợ Gốc và trở thành sản phẩm OCOP, sản lượng và giá trị đều cao hơn trước. Người dân đã yên tâm hơn về đầu ra sản phẩm, được HTX thu mua tươi ngay tại ruộng với giá cao hơn 10% giá thị trường. Nhờ đó, mỗi vụ HTX tiêu thụ từ 450 - 500 tấn thóc cho nông dân, đồng thời cho ra khoảng 70 tấn gạo đóng túi bán ra thị trường.
Khi xây dựng được sản phẩm đặc thù này, cả người dân và HTX đều được lợi, cũng vì thế mà xã đã duy trì được vùng lúa liên kết đạt 130ha/vụ, chiếm 43% diện tích gieo cấy. Đây cũng là một điểm tựa để xã nâng chất nông thôn mới.
Thi đua về đích trước hẹn
Có thể thấy, nhờ hiệu quả thi đua xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn huyện Kiến Xương ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp với nhiều hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục được đầu tư nâng cấp, xây dựng.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, mô hình liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập cao cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16,81 triệu đồng năm 2010 lên 58 triệu đồng hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,2% năm 2010 đến nay còn 2,06%.
Hiện nay, ngoài 6 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, năm 2023 Kiến Xương dự kiến có thêm 5 xã đạt các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu. Với kết quả này Kiến Xương sẽ vượt mục tiêu tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu (từ 25% trở lên) mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Để hoàn thành mục tiêu, huyện dự kiến thúc đẩy các chương trình như thắp sáng đường quê, mỗi xã một sản phẩm, hỗ trợ vùng sản xuất, xây dựng đê kiểu mẫu... đồng thời, tiếp tục phát động và duy trì các hoạt động phong trào như đường hoa, vệ sinh môi trường, giảm nghèo.
Huyện cũng sẽ chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí, trong đó ưu tiên thực hiện trước những tiêu chí đòi hỏi thời gian dài như mã vùng sản xuất, liên kết sản xuất, sản phẩm OCOP, đồng thời tập trung hoàn thiện những tiêu chí cần ít kinh phí. Huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện các tiêu chí.
Hoàng Cầm