Những thành công trong xây dựng nông thôn mới tại huyện Trà Cú trong hơn 10 năm qua có yếu tố quan trọng đến từ sự linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cùng sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác, tạo đà cho nông dân bứt lên, làm giàu bền vững.
Tổ chức lại sản xuất
Một trong những giải pháp để Trà Cú đẩy nhanh về đích nông thôn mới trong năm 2023 là thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trọng tâm là tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại mùa vụ, bố trí lại cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, huyện đã chuyển đổi thành công 1.107ha đất sản xuất kém hiệu quả sang các hình thức sản xuất hiệu quả, đặc biệt chuyển đổi sang nuôi thủy sản mang lại giá trị sản xuất cao. Triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp.
HTX Long Hiệp đang là một điển hình đóng góp xây dựng nông thôn mới ở Trà Cú. |
Để có được những thành công trên, vai trò của các HTX là đặc biệt quan trọng. Thực tế cho thấy, Trà Cú đang có hàng chục HTX, tổ hợp tác đang hoạt động hiệu quả, trở thành điểm tựa cho xây dựng nông thôn mới, làm giàu cho thành viên, người lao động.
Đơn cử như HTX nông nghiệp Long Hiệp được thành lập năm 2018, với 72 thành viên, HTX thực hiện liên kết xây dựng chuỗi giá trị thương hiệu gạo Hạt Ngọc Rồng là thương hiệu gạo đầu tiên của tỉnh.
Kể từ khi ra đời, HTX là cầu nối liên kết nông dân sản xuất theo hướng an toàn, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, liên kết đầu ra cho thành viên. HTX từng bước phát huy ứng dụng đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm thường xuyên cho lao động địa phương.
Sau 5 năm hoạt động, HTX nông nghiệp Long Hiệp hiện có 1 sản phẩm OCOP đạt 4 sao là Gạo Long Hiệp (Hạt Ngọc Rồng) và 5 sản phẩm đạt 3 sao gồm Gạo Long Hiệp (Gió đồng nội), Gạo Trà Cú (Gạo gia đình), Gạo Long Hiệp (Hạt Ngọc Rồng Tím), Gạo Long Hiệp (Hạt Ngọc Rồng Vàng) và Gạo Long Hiệp (Hạt Ngọc Rồng Đỏ).
Áp sát “vạch đích” nông thôn mới
Anh Trầm Minh Thuần, Giám đốc HTX nông nghiệp Long Hiệp, cho biết để có được kết quả hiện tại, HTX đã liên tục “làm mới mình” trong sản xuất, tiếp cận thị trường, bằng những sản phẩm chất lượng.
Cùng với đó, HTX đã nỗ lực nâng hạng sản phẩm của mình qua từng năm bằng cách quan tâm chất lượng, làm ra sản phẩm sạch, giống lúa mới, năng suất cao. Mục tiêu của HTX là tạo ra gạo sạch, an toàn cho tỉnh Trà Vinh, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng sản phẩm gạo thuần chất tự nhiên.
“Để tạo ra những sản phẩm tốt, chúng tôi sản xuất theo 3 tiêu chí không phân bón, không thuốc hóa học và không tồn dư kim loại nặng. HTX cũng đang không ngừng cải thiện, tìm kiếm các giải pháp mới phát triển hiệu quả để trở thành một trong những HTX dẫn đầu về sản xuất gạo hữu cơ”, anh Thuần nói.
Hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức lại sản xuất, cùng những đóng góp tích cực của khu vực kinh tế hợp tác, HTX đang giúp nông thôn mới huyện Trà Cú chuyển mình mạnh mẽ.
Huyện Trà Cú đặt mục tiêu về đích nông thôn mới trong năm 2023. |
Đến nay, huyện Trà Cú đạt 5/9 tiêu chí (gồm Quy hoạch, Giao thông, Thủy lợi và phòng chống thiên tai, Điện, Y tế - văn hóa - giáo dục), đồng thời cơ bản hoàn thành 4/9 tiêu chí còn lại. Đây là những điểm tựa để huyện thể hiện quyết tâm về đích nông thôn mới trong năm 2023.
Về xây dựng đô thị văn minh, thị trấn Định An và thị trấn Trà Cú đều đạt 9/9 tiêu chí. Huyện đang thực hiện quy trình thủ tục, hồ sơ để công nhận 2 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Các xã đều đang tích cực rà soát, nâng chất các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Đối với các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, đến nay, xã Đại An và Ngọc Biên đạt 17/19 tiêu chí, xã Tập Sơn đạt 15/19 tiêu chí, xã Long Hiệp đạt 10/19 tiêu chí.
Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức xét chọn, đạt thêm 2 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm của toàn huyện lên 17 sản phẩm OCOP/10 xã, thị trấn; còn 7 xã chưa có sản phẩm OCOP.
Tiển khai đồng bộ các giải pháp
Đồng thời, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, làm tốt trách nhiệm của địa phương trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần tích cực nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là dự án giao thông đường dẫn vào cầu Đại Ngãi, Luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào Sông Hậu (giai đoạn 2) trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh phát triển, khai thác tối đa tiềm năng phát triển kinh tế biển, củng cố phát triển Cảng cá Định An; phát huy lợi thế tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản, quan tâm phát triển chế biến một số sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh.
Song song đó, huyện tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, phát triển sản phẩm OCOP, tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch. Tiếp tục chăm lo phát triển toàn diện văn hóa - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, thực hiện tốt các chủ trương về phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phấn đấu giảm hộ nghèo đến mức tối đa.
Đặc biệt, huyện sẽ tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc phương châm hành động của Tỉnh ủy “Đoàn kết, Kỷ cương, Hành động, Sáng tạo, Đột phá, Phát triển”.
Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; chủ động phát hiện, ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo” và những mô hình hiệu quả khác để phát huy tính tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ.
Sáu Ngạn