Trước đây, vùng Loan có 4 xã: Tà Hine, Đà Loan, Ninh Loan, Tà Năng, năm 1999 tách một số thôn của xã Tà Năng thành lập xã mới Đa Quyn, vùng Loan chính thức có 5 xã.
Thay đổi tư duy, mạnh dạn chuyển đổi
Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cho hay, là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đời sống còn nhiều khó khăn, huyện đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó tập trung hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo cùng với chú trọng đầu tư vùng đồng bào DTTS.
Trong 5 xã vùng Loan, 2 xã có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội nhất là Đà Loan và Ninh Loan với tỷ lệ người Kinh chiếm trên 80%, có điều kiện phát triển dịch vụ, thương mại, tiếp cận với sản xuất theo phương thức mới. 3 xã còn lại là Tà Hine, Tà Năng, Đa Quyn, với tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên dưới 80% , hạ tầng cơ sở kém phát triển, khó tiếp cận với thị trường nên điều kiện phát triển kinh tế xã hội rất khó khăn.
Hiện nay, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đang tập trung hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo cùng với chú trọng đầu tư cho vùng đồng bào DTTS. |
Tại 3 xã này, khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, khó khăn chung là tỷ lệ đồng bào DTTS cao, trình độ dân trí thấp, kinh tế kém phát triển, đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều hạn chế.
Do đó, trong các chương trình đầu tư vào các xã vùng Loan, huyện Đức Trọng tập trung nhiều vào công tác xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, khuyến khích bà con thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu bằng khoa học kỹ thuật hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.
Nhiều hộ dân, HTX đã mạnh dạn áp dụng hệ thống tưới tự động, phủ màng polymer vào sản xuất rau, hoa, góp phần giảm chi phí lao động và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất thông thường 20 - 30%.
“Những nguồn đầu tư hỗ trợ lớn đó thực sự là “đòn bẩy” mạnh mẽ để bà con DTTS ở các xã vùng Loan của huyện Đức Trọng phát triển sản xuất; góp phần rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các dân tộc”, ông Cường cho hay.
Điển hình như tại Tà Hine - xã vùng sâu có đông đồng bào DTTS, chủ yếu là cộng đồng người Cill và Chu Ru.
Bà Tou Neh Drong Minh Thắm, Bí thư Đảng ủy xã Tà Hine cho biết, hiện tại trên địa bàn xã đã hình thành các mô hình HTX, tổ hợp tác như mô hình nuôi gà ta thả vườn, nuôi bò thịt cao sản, bò lai Sind... Các mô hình hiện đang phát triển hiệu quả và tiếp tục được nhân rộng, góp phần tăng thu nhập và ổn định sinh kế cho người dân.
Hiện nay, xã đang tập trung phát triển kinh tế theo hướng bền vững, ổn định diện tích đất sản xuất, áp dụng khoa học và tăng năng suất trên một đơn vị diện tích, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm các loại rau màu.
“Phát triển nông nghiệp vẫn được xã Tà Hine xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Thực hiện mục tiêu chuyển dịch kinh tế, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và áp dụng khoa học kỹ thuật phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn lực đất đai, lao động của địa phương. Tà Hine hướng tới việc phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng các mô hình sản xuất rau, hoa thương phẩm có liên kết với các đơn vị tiêu thụ để đảm bảo sự ổn định thu nhập cho người dân”, Bí thư Đảng ủy xã Tà Hine chia sẻ.
Vai trò tiên phong của HTX
Có thể nói, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, các HTX ở vùng Loan của huyện Đức Trọng đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động; cung cấp hàng hóa và dịch vụ xã hội, thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành viên để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Với sự ra đời của các HTX đời sống của bà con đồng bào vùng Loan đã chuyển biến rõ rệt. |
Các HTX là một yếu tố và động lực cơ bản góp phần tạo nền tảng thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo sự liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên, góp phần làm thay đổi cơ bản đời sống của người dân.
Điển hình như HTX quản lý kinh doanh chợ Ðà Loan, không chỉ góp phần tăng thu nhập cho thành viên, mà còn đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của nhân dân trên địa bàn xã Đà Loan.
Theo Ban Giám đốc HTX chợ Đà Loan, từ khi chính thức chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012, các thành viên đã đoàn kết cùng nhau vượt qua những khó khăn, trở ngại ban đầu, đưa HTX đi vào hoạt động theo cơ chế mới dựa trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, công khai, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cùng có lợi và phát triển cộng đồng.
Cán bộ, thành viên Ban quản lý chợ vẫn được ưu tiên đảm bảo việc làm, đồng thời HTX cũng tạo thêm công ăn việc làm mới cho thành viên, người lao động trong HTX bằng việc tổ chức hoạt động dịch vụ trông xe, điện nước, bảo vệ… Tiền lương của cán bộ quản lý và người lao động trong HTX tăng hơn so với trước, mọi chế độ của cán bộ và người lao động đều được đảm bảo.
Ông Phan Đình Quý, Chủ tịch UBND xã Đà Loan đánh giá, thời gian qua, các HTX, tổ hợp tác đã có nhiều nỗ lực trong liên doanh, liên kết với các hộ nông dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài xã nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập cho thành viên, tổ viên, giải quyết tốt mối quan hệ giữa tổ hợp tác, HTX với hộ gia đình, hộ nông dân và là chỗ dựa cho các tổ viên tổ hợp tác, thành viên HTX.
“Thời gian tới, chính quyền xã Đà Loan sẽ tiếp tục theo sát hoạt động của các HTX, tổ hợp tác, rút ra bài học kinh nghiệm và đưa nhiệm vụ nhân rộng mô hình HTX không chỉ ở xã mà còn nhân rộng ra toàn huyện Đức Trọng”, ông Quý cho hay.
Kim Yến