Đến thăm mô hình trồng nghệ hữu cơ của gia đình ông Nguyễn Văn Luyến, Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) trồng nghệ hữu cơ Đôn Phong (xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông) vào đúng mùa thu hoạch. Hiện, giá nghệ tươi đang được doanh nghiệp thu mua ở mức cao nên 15 hộ gia đình trong THT đều hồ hởi lên núi đào thứ cây có củ màu vàng này.
Nghệ đổi thay những ngôi nhà
Dẫn chúng tôi vào thăm vùng trồng nghệ nguyên liệu thôn Bản Đán, xã Đôn Phong, ông Hà Văn Cường, Giám đốc CTCP nông sản Bắc Kạn, chia sẻ đây là con đường duy nhất của huyện Bạch Thông chưa được bê tông hoá. Đây cũng là một trong những xã nghèo nhất của huyện. Sở dĩ là do điều kiện giao thông đi lại khó khăn, từ xã ra huyện 30km phải trải qua một cung đường quanh co, uốn khúc và qua vài đoạn suối. Đặc biệt, bà con ở những bản làng xa của xã đi lại càng khó khăn hơn.
Theo ông Cường, trước đây nông sản ở vùng này phải mang ra tận chợ huyện bán lẻ, cộng thêm chi phí vận chuyển cao nên hiệu quả kinh tế không cao. Bà con luôn rơi vào tình trạng “được mùa, mất giá”, không có đầu ra cho sản phẩm nên bán được bao nhiêu thì bán, còn nhiều khi phải đổ đi vì nghệ là cây gia vị, không phải là mặt hàng thiết yếu.
Ấn tượng ban đầu khi đến thôn Bản Đán là dọc các sườn đồi bạt ngàn nghệ đang vào vụ thu hoạch. Bà con khẩn trương đào những khóm nghệ dễ chừng nặng từ 2-3 kg. Hương vị nghệ tươi thơm rất đặc trưng khiến đoàn công tác của chúng tôi cảm thấy khoan khoái dễ chịu.
![]() |
Ngôi nhà của ông Luyến vừa mới được cất, thành quả từ tham gia THT trồng nghệ hữu cơ |
Chỉ tay vào ngôi nhà lợp lá lụp xụp, ông Cường cho biết, đây là nhà cũ của Tổ trưởng Tổ hợp tác THT trồng nghệ hữu cơ Đôn Phong Nguyễn Văn Luyến, còn bên cạnh là ngôi nhà ông Luyến vừa mới cất.
“Chỉ 3 năm thôi, từ khi trồng nghệ hữu cơ và thành lập THT sản xuất theo chuỗi liên kết, cuộc sống của ông Luyến đã có thay đổi”, ông Cường nói.
Tiếp chuyện đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Luyến chia sẻ, cũng là cơ duyên, ông gặp được vị Giám đốc CTCP nông sản Bắc Kạn. Vị giám đốc trẻ tuổi này là người trực tiếp đứng ra ký hợp đồng, bao tiêu sản phẩm và người hướng dẫn bà con trồng nghệ hữu cơ, giúp đời sống bà con được nâng lên rõ rệt.
Ông cho biết, trước năm 2017, người nông dân ở đây chỉ biết trồng nghệ và mang ra chợ bán lẻ nên số lượng rất ít, nhiều cũng chỉ được vài tạ. Hơn nữa, trồng nghệ không được ai hướng dẫn nên năng suất cũng thấp, nhiều hộ dân đã bỏ trồng nghệ để trồng ngô, trồng sắn.
“Đầu năm 2017, nhận thấy đây là vùng đất có thể trở thành vùng trồng nghệ nguyên liệu, nên ông Cường đã xúc tiến hợp tác với bà con ở Đôn Phong, hướng dẫn bà con trồng nghệ hữu cơ và trực tiếp thu mua tại vườn cho bà con. Và thời điểm này, ở thôn Bản Đán, xã Đôn Phong cũng thành lập THT trồng nghệ hữu cơ”, ông Luyến vui vẻ chia sẻ.
![]() |
Các thành viên trong THT thu hoạch nghệ |
Hết cảnh được mùa mất giá
Theo chân ông Luyến lên quả đồi gần nhà, trực tiếp tận mắt thấy những củ nghệ vàng óng được đào lên từ đất. Ông Luyến cho biết, cây nghệ rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương nên củ to, nhiều nhánh, hơn nữa sản phẩm còn được doanh nghiệp bao tiêu nên bà con khá yên tâm khi trồng.
Cầm trên tay những củ nghệ mập mạp, ông Luyến chia sẻ, tháng 12 là chính vụ, thời điểm này thu hoạch cho nghệ chất lượng tốt nhất, nên mọi thành viên trong THT tranh thủ từng giờ trong ngày lên núi đào nghệ.
Miệng nói, tay ông Luyến bẻ những củ nghệ vừa đào lên cho chúng tôi xem, ông cho biết, cây nghệ rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở Bắc Kạn, nên củ rất to, nhiều nhánh, một hốc nghệ nặng từ 2-3kg, nghệ có màu rất đậm, hàm lượng Curcumin cao trên 6%, cho hiệu quả kinh tế khá cao.
![]() |
Tổ trưởng THT trồng nghệ hữu cơ Nguyễn Văn Luyến chia sẻ niềm vui được mùa với phóng viên |
Chia sẻ với phóng viên, ông Luyến cho hay, THT có 15 thành viên, trồng nghệ trên 18ha đất, mỗi vụ thu hoạch 150 tấn. Mỗi thành viên trong THT có 1ha nghệ, riêng gia đình ông có 3ha. Mặc dù mới được thành lập nhưng đến nay hiệu quả trồng nghệ đã rõ ràng. Hầu hết các gia đình trong THT đều có cuộc sống khấm khá, nhà cửa được tu sửa khang trang và mua được nhiều vật dụng sinh hoạt tiện nghi.
“Với diện tích trên 3ha, mỗi năm gia đình tôi thu hoạch khoảng 60 tấn nghệ tươi. Với giá nghệ hiện tại CTCP nông sản Bắc Kạn thu mua cho các hộ nông dân là 5.000 đồng/kg, trừ các chi phí, mỗi năm tôi thu về gần 200 triệu đồng”, ông Luyến phấn khởi.
![]() |
Bà con phấn khởi khi công ty về tận nơi thu mua nghệ |
Cũng như ông Luyến, bà Lý Thị Phấn, một thành viên trong THT bộc bạch, trước khi tham gia trồng nghệ hữu cơ, gia đình bà chỉ trồng ngô và rau màu. Từ khi tham gia trồng nghệ hữu cơ đã cho thu nhập cao hơn hẳn. Nhẩm tính sau khi trừ đi các chi phí khác thì mỗi hộ dân trồng nghệ như bà Phấn thu về trên dưới 50 triệu đồng/vụ.
Điều quan trọng là các thành viên trong THT hiện nay không phải lo lắng đầu ra cho củ nghệ, không phải lo vận chuyển ra trung tâm huyện để bán vì đã có Công ty nông sản Bắc Kạn vào tận nơi thu mua, bao tiêu sản phẩm.
Chia sẻ thêm về vùng trồng nghệ hữu cơ, ông Luyên cho biết THT vinh dự khi đây là một trong hai vùng xác nhận là sản phẩm hữu cơ. THT cũng xác định đi theo hướng sản xuất hữu cơ lâu dài, vì đây chính là “cứu cánh” để THT tăng năng suất cũng như giá trị của cây nghệ, không những giúp chính các thành viên của THT đảm bảo đời sống ấm no, mà còn góp phần cùng địa phương xoá đói giảm nghèo.
Hải Sơn