Các HTX tại Yên Phong đang phát triển mạnh nhờ sản xuất an toàn (Ảnh Tư liệu) |
Sản xuất an toàn
Hoạt động chính trong lĩnh vực lai tạo giống gà và chăn nuôi gia cầm thương phẩm, HTX Cường Thịnh (xã Đông Thọ, huyện Yên Phong) đang liên tục gặt hái những thành công nhờ phương thức chăn nuôi khoa học, an toàn.
Hiện tại, HTX đang ứng dụng máy ấp trứng công nghệ cao với công suất 20.000 quả trứng/máy, lai tạo thành công nhiều giống gà mới có chất lượng cao như gà Ai Cập, lai Hồ, lai Mía, lai chọi…
Với quy mô chuồng trại hơn 1,5 ha cùng công nghệ hiện đại, HTX Cường Thịnh đưa ra thị trường 1,1 – 1,2 triệu con gà giống các loại, doanh thu ổn định 6 – 7 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho trên 40 lao động, với mức lương 4 – 6 triệu đồng/ người/tháng.
Ông Ngô Văn Chiến – Giám đốc HTX Cường Thịnh, chia sẻ: “Bên cạnh hiệu quả cao về kinh tế, mô hình trang trại còn mang lại lợi ích vượt trội về an toàn lao động (ATLĐ) và vệ sinh thực phẩm”.
Theo đó, để nâng cao hiệu quả sản xuất, thành viên HTX được tập huấn kỹ lưỡng về kỹ thuật chăn nuôi an toàn và nắm chắc quy định về ATLĐ.
Đơn cử, trong quá trình chăm sóc vật nuôi, thành viên HTX được trang bị quần áo bảo hộ, găng tay, ủng và khẩu trang chuyên dụng. Hệ thống điện tại chuồng nuôi thường xuyên được kiểm tra, bảo trì định kỳ, giảm thiểu khả năng xảy ra chập cháy, mất ATLĐ.
Tương tự, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, với các sản phẩm tiêu biểu như bí xanh, cà chua, dưa chuột, rau cải…, HTX nông nghiệp Thôn Đoài (xã Tam Giang, huyện Yên Phong) đang là điểm tựa vững chắc cho các hộ thành viên bứt phá.
Hiện tại, bình quân mỗi ngày, HTX cung cấp ra thị trường từ 5 – 6 tấn rau củ an toàn. Thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, không chỉ trên địa bàn tỉnh (các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, trường học…), sản phẩm của HTX còn được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng…
Nhờ đẩy mạnh áp dụng khoa học – kỹ thuật, ATLĐ vào sản xuất, năng suất và chất lượng sản phẩm của HTX rất cao.
Đơn cử như bí xanh, bình quân mỗi sào bí của HTX cho thu hoạch 1,6 – 1,8 tấn, mỗi quả nặng từ 1,8 – 2,2kg. Với giá bán bình quân 6.000 – 10.000 đồng/kg, mỗi sào bí cho thu nhập hàng chục triệu đồng/năm.
Các HTX sẽ được tạo điều kiện để phát triển theo chuỗi, nâng cao ATLĐ (Ảnh TL) |
Tạo mọi điều kiện giúp HTX phát triển
Cường Thịnh và Thôn Đoài chỉ là hai trong số nhiều HTX nông nghiệp thực hành sản xuất bài bản và tham gia chuỗi giá trị tại Yên Phong.
Được biết, đến nay, Yên Phong có 72 HTX, trong đó có 55 HTX dịch vụ nông nghiệp và khoảng 10 HTX chuyên ngành nông nghiệp.
Bằng sự nhạy bén, nhiều HTX tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, liên kết sản xuất để có đơn hàng lớn với doanh nghiệp, khu công nghiệp như HTX chăn nuôi Yên Bình, HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Lân (Yên Phụ), HTX cổ phần nông nghiệp Tấn Phát (Đông Tiến)…
Điểm chung của các HTX trên địa bàn huyện là quy mô sản xuất cũng chuyển đổi từ manh mún sang hàng hóa gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản, đồng thời đảm bảo tốt các yếu tố ATLĐ cho thành viên, người lao động.
Đang có nhiều thành công song việc tiếp cận và duy trì các chuỗi giá trị sản phẩm, đảm bảo phát triển bền vững đối với đa phần HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện không phải là điều đơn giản.
Điển hình như nhiều cán bộ quản lý HTX còn hạn chế về năng lực quản lý, tìm kiếm liên kết, chưa tổ chức sản xuất đáp ứng tốt yêu cầu các đơn hàng, lượng nông sản được bao tiêu còn ít… Ngoài ra, bản thân một số thành viên HTX cũng chưa có ý thức trách nhiệm khi tham gia sản xuất liên kết.
Trước thực tế trên, đại diện Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh cho biết thực hiện Chương trình phát triển 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, thời gian tới, với vai trò của mình, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX và nông dân đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.
Cụ thể, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để các HTX tiếp cận các nguồn vốn vay; xây dựng mô hình nông nghiệp chuỗi giá trị đối với một số hàng hóa nông sản chủ lực từ đó làm mô hình điểm để nhân rộng đến các địa phương…
Nhật Minh