Lúa gạo chính là sản phẩm quốc gia của Việt Nam. Sau nhiều năm nỗ lực, Việt Nam đã trở thành một cường quốc lúa gạo khi đứng thứ 6 thế giới về sản xuất và thứ 3 về xuất khẩu. Việt Nam cũng ngày càng có nhiều loại gạo ngon, tạo tiếng vang trên thị trường quốc tế thông qua các cuộc thi.
Hình thành liên kết
Tiêu biểu như gạo ST25 của Kỹ sư nông nghiệp Hồ Quang Cua sau khi đoạt giải nhất gạo ngon nhất thế giới năm 2019 và các năm tiếp theo lọt vào top 2, 3 và 4 cuộc thi gạo danh giá thế giới đã giúp gạo Việt Nam chạm đến những thị trường khó tính.
Theo dự báo của các ngành chức năng, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 6,5-7 triệu tấn, trong đó có khoảng 3 triệu tấn gạo chất lượng cao. Xuất khẩu gạo vẫn có nhiều thuận lợi vì trong ngắn hạn, giá gạo vẫn ở mức cao, giúp các đơn vị xuất khẩu được hưởng lợi.
Có thể thấy, tương lai của mặt hàng lúa gạo khá thuận lợi. Chính vì vậy, để tiếp tục phát triển mặt hàng này, các chuyên gia cho rằng, cần chú trọng xây dựng thương hiệu gạo quốc gia bằng việc nâng cao chất lượng gạo, truy xuất nguồn gốc và hướng đến đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các thị trường xuất khẩu.
Một số địa phương trong những năm gần đây đã đẩy mạnh sản xuất các giống lúa chất lượng theo hướng hữu cơ, từ đó giúp chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao, được thế giới đón nhận, mua với giá cao.
Tiêu biểu như tại An Giang đã xây dựng được chuỗi giá trị lúa gạo với sự tham gia liên kết của các HTX và doanh nghiệp. Một trong những mô hình tiêu biểu là HTX nông nghiệp Vọng Đông đã liên kết với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang tiêu thụ 40ha lúa OM18 (vụ đông xuân), 65ha lúa OM5451 và OM18 (vụ hè thu); 120ha lúa OM5451, OM18 và IR50404 (vụ thu đông).
Đặc biệt, trong các khâu sản xuất lúa của HTX đã được cơ giới hóa đồng bộ. HTX cũng đầu tư máy cày chuyên sạ cụm giúp giảm mật độ gieo sạ, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Ngoài ra, HTX còn mở rộng các dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào (hữu cơ, sinh học), phun thuốc, cấy lúa bằng công nghệ cao, liên kết tiêu thụ sản phẩm… để phục vụ các địa phương, nhân dân vùng liền kề.
Tránh được mùa mất giá
Không chỉ tại An Giang, Sóc Trăng cũng đang tích cực nâng cao chất lượng lúa gạo bằng đẩy mạnh đầu tư sản xuất theo hướng hữu cơ. Tại HTX Nông nghiệp Vinh Lợi (huyện Thạnh Trị), 100% các thành viên đã sản xuất thương mại lúa gạo hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA/EU trên 30 ha với giống thống nhất là ST25. Đồng thời, thành viên HTX thực hiện giải pháp quản lý sâu hại bằng việc sử dụng phân khoáng tự nhiên thay cho phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. HTX cũng ứng dụng cơ giới hóa ở hầu hết các khâu, trong đó có phun thuốc bằng công nghệ bay theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế.
Có thể thấy, ngành lúa gạo của nhiều địa phương đã có chuyển đổi mạnh mẽ theo quy trình sản xuất lúa tiên tiến. Đặc biệt, những mô hình sản xuất lúa chất lượng cao hiện nay đều ứng dụng "1 phải, 5 giảm", tức là sử dụng giống lúa phải có xác nhận. Việc này sẽ kéo giảm phân bón, nước tưới, số lần sử dụng thuốc trừ sâu và giảm cả thất thoát sau thu hoạch.
Hơn nữa, để sản xuất lúa gạo bền vững, các HTX còn hướng tới việc tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế và tăng chất lượng sản phẩm bằng việc đầu tư các loại máy móc, công nghệ nhằm thuận lợi trong sản xuất theo cánh đồng lớn, từ đó giúp lúa gạo có chất lượng đồng bộ.
Ứng dụng công nghệ đồng bộ và liên kết sản xuất theo chuỗi, mô hình trồng lúa chất lượng cao trên cánh đồng lớn của HTX Vọng Đông đã được đoàn chuyên gia châu Phi sang học hỏi kinh nghiệm. |
Không dừng ở đó, nhiều HTX sản xuất lúa theo cánh đồng lớn đã liên kết được với các doanh nghiệp, tập đoàn để phát triển theo chuỗi. Trong đó, Tập đoàn Lộc Trời triển khai canh tác và bao tiêu lúa phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu thông qua nhiều HTX ở miền Trung và miền Nam, từ đó góp phần giải quyết đầu ra cho cây lúa, giảm thiểu việc “được mùa mất giá” cho bà con nông dân.
Ông Phan Thành Bắc, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Sơn Hòa (An Giang) cho biết, việc liên kết với Tập đoàn Lộc Trời giúp nông dân tuân thủ hướng dẫn, quy trình kỹ thuật đưa ra. Trước thu hoạch 10 - 15 ngày, Tập đoàn Lộc Trời sẽ “chốt giá” với nông dân, nên không có tình trạng ép giá.
Theo các ngành chức năng, khi xây dựng được các chuỗi lúa gạo chất lượng cao đã giúp nâng cao giá trị sản phẩm cho người dân, HTX. Nông dân, thành viên HTX tham gia phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo chất lượng cao với doanh nghiệp được tập huấn gói kỹ thuật đồng bộ trong sản xuất lúa, giảm chi phí, nâng cao năng lực quản lý cho HTX. Hiệu quả kinh tế của mô hình này giúp sản lượng tăng khoảng 15-20% so với sản xuất lúa đại trà.
Giám đốc điều hành HTX nông nghiệp Vọng Đông, ông Nguyễn Phú đánh giá, việc liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa gạo chất lượng cao sẽ góp phần xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, liên kết bao tiêu sản phẩm đã tạo thuận lợi cho HTX, địa phương tổ chức mùa vụ một cách chủ động, từ đó nâng cao giá trị gia tăng trên toàn chuỗi liên kết.
Lời giải cho bài toán mới
Kỳ vọng vào việc ngành lúa gạo sẽ tạo được thương hiệu, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, từ đó mang lại lợi ích cho nông dân và HTX, Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện những bước cuối cùng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Mục tiêu chính của Đề án là giúp nông dân, HTX sản xuất lúa theo hướng bền vững, hình thành các vùng trọng điểm sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, có liên kết chuỗi giá trị. Qua đó, nâng cao giá trị hạt gạo, tăng thu nhập nhiều hơn cho người trồng lúa. Đồng thời, xây dựng thương hiệu gạo, tăng tính cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Để phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, chắc chắn người dân, HTX sản xuất lúa gạo và doanh nghiệp liên kết sẽ phải tiếp tục đi theo con đường sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế hiện nay có thể thấy, tỷ trọng phân bón hóa học của Việt Nam là rất lớn, tỷ lệ phân hữu cơ và vi sinh vật so với phân hóa học hiện chưa đến 10%.
Trong khi theo kết luận của các nhà nghiên cứu, khi bón phân hóa học, chỉ 40% lượng phân được cây trồng hấp thu, phần còn lại sẽ thất thoát ra môi trường gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Trước thực trạng này, PGS TS Dương Văn Hợp, chuyên gia công nghệ vi sinh cho rằng, để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lúa gạo quốc gia phải quan tâm đến phân hữu cơ và vi sinh vật nhằm hướng đến phát triển bền vững. Phát triển lúa gạo bền vững nghĩa là phải duy trì được năng suất ổn định sau thời gian canh tác, không làm đất bị giảm chất dinh dưỡng như hiện nay. Nếu không, vấn đề bỏ hoang đồng ruộng ở các vùng chuyên canh lúa gạo sẽ tiếp tục xảy ra.
Muốn vậy, cần phải giải quyết 2 khâu, đó là tính toán tần suất mùa vụ, mật độ canh tác lúa gạo hợp lý và từng bước hạn chế phân hóa học để đất không bị mất chất dinh dưỡng.
Tuy nhiên, muốn làm được điều này, cần thấy rằng hiện nay, việc sử dụng thuốc vi sinh vật trong sản xuất rất hiếm. Nguyên nhân là vì các chế phẩm vi sinh phần lớn là chế phẩm nên hoạt lực đề điều trị bệnh trên cây trồng, trong đó có cây lúa không ổn định, hiệu quả chưa cao. Điều này dẫn đến việc khó thu hút người dân chuyển sang dùng phân hữu cơ, thuốc vi sinh.
Chính vì vậy, để nâng chất lượng ngành lúa gạo, PGS TS Dương Văn Hợp cho rằng, cần có sự đầu tư nghiên cứu để chuyển các chế phầm vi sinh thành các thuốc vi sinh thì mới có khả năng kiểm soát bệnh cao và trên quy mô lớn.
Tùng Lâm