Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có tờ trình gửi Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh mức thu giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới đang lưu hành, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị đăng kiểm và duy trì hoạt động ổn định cho hệ thống đăng kiểm xe cơ giới.
Làm chậm nhịp phát triển của HTX
Theo phương án giá bình quân mà Cục này đưa ra, mức cao nhất là ôtô tải trên 20 tấn có giá đề xuất là 790.000 đồng, tăng 220.000 đồng so với giá hiện hành. Còn giá đăng kiểm ôtô chở người dưới 10 chỗ được đề xuất tăng từ 250.000 đồng/lượt lên 340.000 đồng/lượt. Các loại ô tô khác cũng được đề xuất tăng giá đăng kiểm theo quy luật trọng tải xe càng lớn thì biên độ tăng càng cao. Ngoài ra Cục Đăng kiểm Việt Nam còn có những quy định về phí lập hồ sơ với phương tiện miễn đăng kiểm lần đầu...
Chiếu theo biểu giá cũ và mức đề xuất mới của Cục Đăng kiểm Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc HTX Vận tải ô tô số 1 (Ninh Thuận), cho biết nếu áp dụng theo quy định mới, mức tăng phí kiểm định mà chủ các phương tiện sẽ phải chịu sẽ tăng lên từ 30.000 đồng/xe đến 220.000 đồng/xe tùy theo loại xe. Riêng đối với xe tải từ 2 đến trên 20 tấn, mức phí tăng trong khoảng từ 100.000 đồng/xe đến 220.000 đồng/xe. Trong đó HTX đang có gần 60 chiếc xe tải. Như vậy mỗi lần đăng kiểm, HTX sẽ phải chi thêm một nguồn kinh phí không nhỏ, đó là chưa kể đến các xe chở khách theo tuyến và xe chở khách du lịch.
Việc tăng phí đăng kiểm trong thời điểm này được cho là chưa phù hợp. |
Chia sẻ về vấn đề này, ông Chu Thế Thành, Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải Thành Phát (Đồng Nai), cho rằng, việc tăng phí đăng kiểm sẽ đồng nghĩa với tăng chi phí của HTX. Trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa hiện nay giảm mạnh, khâu đăng kiểm tuy không còn nóng như thời gian trước nhưng vẫn nhiều khó khăn. Đây là những vướng mắc đang làm chậm nhịp phát triển cũng như nản lòng các thành viên của HTX, đơn vị kinh doanh vận tải.
“Chúng tôi đã chủ động đi đăng ký lịch đăng kiểm lại phương tiện trước khi hết hạn. Song nhiều điểm đăng kiểm chỉ nhận hồ sơ cố định ở mức khiêm tốn hoặc lùi thời điểm đăng kiểm nhiều lần gây khó khăn cho HTX. Do đó, khi thêm chi phí từ đăng kiểm khiến HTX thêm áp lực lớn, có khi phải xem xét tạm ngưng hoạt động một số đầu xe”, ông Thành chia sẻ.
Lý do tăng phí chưa phù hợp
Có thể thấy, mỗi một chiếc xe hiện phải chịu rất nhiều thuế phí đi kèm mới có thể lưu thông trên đường. Chẳng hạn như phí đường bộ, thuế môi trường trong xăng, phí đăng kiểm, BOT... Trong khi dịch vụ đăng kiểm vẫn nhiều ngổn ngang, hạ tầng giao thông chưa phát triển ảnh hưởng đến chất lượng và tuổi thọ của các loại xe.
Theo các HTX, việc Cục Đăng kiểm Việt Nam lý giải việc tăng phí đăng kiểm nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị đăng kiểm và duy trì hoạt động ổn định cho hệ thống đăng kiểm xe cơ giới là đang mang gánh nặng của “ông này, đổ cho ông kia”. Vì vậy, cần có cái nhìn khách quan về những bất cập của hệ thống đăng kiểm để có những điều chỉnh về nhân lực, công nghệ, phương thức quản lý đăng kiểm một cách phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng ô tô ngày càng cao của người dân, xã hội và hội nhập thay vì chỉ tập trung vào tăng phí đăng kiểm, gây thêm khó khăn cho các đơn vị trực tiếp làm vận tải.
Bởi nếu mỗi một chiếc xe hiện đã phải chịu rất nhiều chi phí, việc tăng thêm phí đăng kiểm trong khi hoạt động vận tải khách và đặc biệt là vận tải hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn, đồng nghĩa với việc khó có nguồn thu buộc HTX phải tính toán tăng các loại phí vận chuyển. Và điều này suy cho cùng là người dân, đơn vị sử dụng dịch vụ vận tải sẽ phải gánh thêm phần tăng phí đó.
“Việc một chiếc xe phải chịu nhiều loại thuế, phí cũng là một trong những minh chứng vì sao giá dịch vụ vận chuyển của Việt Nam lại không cạnh tranh với các nước khác trong khu vực”, ông Chu Thế Thành chia sẻ.
Trước đó Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 02 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16 về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo thông tư này, từ ngày 22/3, ô tô mới được miễn kiểm định lần đầu, nhiều loại xe được kéo dài chu kỳ kiểm định.
Tuy nhiên, thực tế việc miễn kiểm định lần đầu chỉ rơi vào xe ô tô dưới 9 chỗ nhưng không kinh doanh vận tải. Như vậy, chính sách này chỉ đến được với xe ô tô cá nhân, gia đình, chứ các đơn vị kinh doanh vận tải như HTX, doanh nghiệp ít được hưởng thụ.
Các chuyên gia cho rằng, muốn tăng phí đăng kiểm, đầu tiên các đơn vị đăng kiểm phải làm tốt vai trò của mình. Việc các trung tâm đăng kiểm, đặc biệt là trung tâm đăng kiểm ngoài nhà nước khó duy trì hoạt động thì cần phải đổi mới lại cơ chế tài chính, cơ chế quản lý cho trung tâm đăng kiểm. Khi các trung tâm này hoạt động tốt, bảo đảm các dịch vụ thì việc tăng phí đăng kiểm cũng chưa muộn.
Đặc biệt trong điều kiện khó khăn hiện nay của ngành vận tải, việc tăng phí đăng kiểm được cho là chưa phù hợp, khó nhận được sự ủng hộ và bằng lòng của người dân, HTX, doanh nghiệp.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, ngành đăng kiểm liên quan đến điều kiện kinh doanh bởi những đặc thù riêng nên không thể lấy việc giãn chu kỳ đăng kiểm gây thất thu hàng tỷ đồng cho các đơn vị đăng kiểm ra để tăng giá bù vào là không logic.
Huyền Trang