Mỹ Bằng là một trong những địa phương có diện tích chè lớn nhất trong tỉnh Tuyên Quang.Với trên 570 ha chè đang cho thu hoạch và tiếp tục mở rộng diện tích một số giống chè chất lượng cao, cây chè thực sự trở thành cây trồng mũi nhọn, mang lại giá trị kinh tế cho bà con nông dân trong xã.
Bộ mặt NTM thay đổi từ cây chè
Hiện nay, bên cạnh việc mở rộng diện tích, tăng năng suất cây chè, xã Mỹ Bằng đã chú trọng phát triển cây chè theo hướng chất lượng cao. Cụ thể là việc sản xuất chè theo hướng an toàn gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, đặc biệt là vận động, khuyến khích cho người dân tự làm thương hiệu.
![]() |
Thu hoạch chè tại HTX Mỹ Bằng (Ảnh: Tư liệu) |
Khi HTX Mỹ Bằng được thành lập đã chú trọng quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu từng đối tượng tiêu dùng. Đồng thời, HTX đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất mới, áp dụng công nghệ hiện đại để chế biến, bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Để có sản phẩm chè chất lượng cao, HTX lựa chọn các hộ có kiến thức và trình độ cao, diện tích chè đủ lớn để liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp.Việc quản lý được thực hiện chặt chẽ từ khâu gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ đến khâu thu hái sản phẩm (bảo đảm chất lượng 1 tôm 2 lá), chế biến và tiêu thụ.
HTX đã tiên phong đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất chè. Hiện tại, hầu hết các khâu sản xuất của HTX được thực hiện bằng máy móc hiện đại. Đặc biệt, trong khâu bảo quản, HTX được trang bị máy đóng gói hút chân không, giúp sản phẩm chè giữ được hương vị tự nhiên trong thời gian dài.
Sản phẩm chè Bát Tiên của HTX không chỉ được người tiêu dùng đánh giá cao và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận nhãn hiệu “Chè Bát Tiên Mỹ Bằng” mà còn vươn tới thị trường Nhật Bản với những hợp đồng đặt hàng lên đến hàng tỷ đồng.
Ông Hoàng Công Hoàn - Giám đốc HTX cho biết trước khi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, HTX thu mua chè chế biến thủ công của người dân chỉ bán được với giá trung bình hơn 90.000 đồng/kg chè khô. Nhưng khi sản phẩm được công nhận nhãn hiệu, giá trị sản phẩm đã tăng cao. Theo khảo sát thị trường, hiện chè Bát Tiên loại đặc biệt được bán với giá 1,3 triệu đồng/kg, loại 1 được bán với giá 500.000 đồng/kg và loại 2 là 300.000 đồng/kg.
Nâng cao mức sống và thu nhập
Gia đình Anh Hoàng Văn Khôi thôn Ngòi xã Mỹ Bằng là một trong những hộ gia đình phát triển cây chè có hiệu quả của xã. Với 0,6 ha đất đồi, anh chuyển đổi từ trồng các loại cây có giá trị kinh tế thấp sang trồng chè.
![]() |
Sản phẩm của HTX được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu Chè Bát Tiên Mỹ Bằng (Ảnh: TL) |
Gia đình anh đã đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, thu hái đúng lứa, nên diện tích chè phát triển tốt cho năng suất và sản lượng cao. Với 0,6 ha chè hiện có mỗi lứa gia đình anh cho thu hoạch bình quân 2-3 tấn chè búp tươi. Mỗi năm cũng cho thu hoạch khoảng 10 tấn, doanh thu từ cây chè đạt từ 80-100 triệu đồng/năm. Nhờ trồng chè mà gia đình anh xây dựng nhà cửa khang trang, sắm sửa tiện nghi trong nhà và có điều kiện cho con cái ăn học đầy đủ.
Ông Đỗ Văn Dậu, Chủ tịch UBND xã cho biết, xã luôn khuyến khích người dân khai thác tối đa tiềm năng lợi thế từ ngành nghề truyền thống, cải tạo vườn chè già cỗi, trồng thay thế bằng các giống chè lai, chè đặc sản có năng suất, chất lượng cao; liên kết sản xuất, chế biến chè xuất khẩu để xây dựng nhãn hiệu sản phẩm.
Nhờ có hướng đi đúng, gắn xây dựng nhãn hiệu hàng hóa với nâng chất nông thôn mới, nhóm tiêu chí về mức sống, thu nhập của xã Mỹ Bằng đã được nâng lên mốc cao hơn. Xã có trên 90% nhà ở kiên cố, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; thu nhập trung bình của người dân đạt khoảng 3 triệu đồng/người/tháng…
Hoàng Lê