Cây tỏi không phải là cây trồng truyền thống nhưng với mong muốn nâng cao thu nhập, người dân xã Thụy Trường được địa phương hỗ trợ phát triển cây tỏi thay cho một số loại rau màu truyền thống.
Liên kết sản xuất
Là vùng đất ven biển, có diện tích đất bãi phù sa bồi đắp, vào ban đêm lại có sương và hơi ẩm từ biển thổi vào tạo độ ẩm cho tỏi phát triển nên khi đưa vào trồng, tỏi cho củ chắc, tép nhiều và đều, có vị cay đặc trưng, thơm nhưng không gắt như tỏi trồng ở những nơi khác.
Tuy nhiên, người dân chủ yếu bán tỏi cho thương lái hay mang ra chợ bán lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao vì trên thực tế khi bán giá tại chợ có cao hơn nhưng nông dân bán lẻ không được nhiều, dẫn đến thời vụ kéo dài và không kịp giải phóng đất để sản xuất vụ khác.
![]() |
Người dân liên kết để cùng hỗ trợ nhau trong sản xuất (Ảnh TL) |
Trước thực trạng trên, người dân nơi đây đã liên kết với nhau thành lập HTX Trường An nhằm quy hoạch vùng chuyên canh tỏi mang lại giá trị kinh tế cao.
HTX đứng ra thuê 5ha đất ruộng liền kề để thuận lợi cho đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất. Hệ thống mương máng, giao thông nội đồng được chú trọng đầu tư nhằm tạo điều kiện cho việc trồng trọt, di chuyển máy móc làm đất.
Sau khi làm đất, HTX tiến hành gieo tỏi, khoảng cách giữa các cây là 10 - 15cm, hàng cách hàng khoảng 20cm. Sau khi gieo giống, thành viên sẽ lấp đất và dùng cỏ phơi khô hoặc rơm rạ để phủ lên mặt đất, tạo độ ẩm, độ xốp cho cây tỏi phát triển lại giảm cỏ mọc.
Theo các thành viên, trồng tỏi phải làm sao hạn chế được cỏ, nếu không cỏ sẽ mọc lấn át, lấy hết dinh dưỡng của cây tỏi, vì thế mà khi cây tỏi lụi và đến mùa thu hoạch thì củ tỏi cũng rất bé, chất lượng đạt thấp.
Các hộ tham gia mô hình được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc tỏi theo hướng không sử dụng phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ sản xuất đúng kỹ thuật nên năng suất bình quân đạt 10-12 tấn củ khô/ha. Khi thu hoạch, HTX chọn những ngày nắng ráo để tỏi không bị ướt làm giảm chất lượng.
Để bảo đảm đầu ra, HTX trực tiếp kết nối với các công ty, đầu mối lớn ở trong và ngoài tỉnh để bao tiêu nông sản cho các hộ khác khi có nhu cầu.
Nâng cao giá trị
Không chỉ xuất bán tỏi tươi, HTX còn đầu tư chế biến tỏi đen nhằm gia tăng hiệu quả và thu nhập cho thành viên.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Giám đốc HTX Trường An, cho biết: Nếu bán tỏi từ 10.000 đồng/kg đối với tỏi tươi hoặc từ 30.000 đồng/kg trở lên với tỏi khô thì người trồng mới có lãi. Tuy nhiên, không phải lúc nào tỏi cũng được giá cao.
Bên cạnh đó, tỏi của HTX cũng phải cạnh tranh gay gắt với tỏi Trung Quốc. Để chủ động và tránh rủi ro, việc đầu tư cho chế biến sẽ giải quyết được vấn đề đầu ra, việc bảo quản cũng thuận lợi hơn.
![]() |
Chế biến tỏi đen giúp nâng cao giá trị sản phẩm. |
Dưới sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, HTX xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc sản xuất thành công tỏi đen theo công nghệ Nhật Bản.
Máy làm tỏi của HTX có công suất 1 tạ tỏi khô/mẻ/50 ngày. Sản phẩm được đóng túi, có nhãn mác rõ ràng. Trung bình mỗi năm, HTX xuất ra thị trường 2-3 tạ tỏi đen, qua đó nâng cao giá trị cây tỏi.
Khi chế biến thành tỏi đen, hiệu quả kinh tế cao gấp 4-5 lần so với bán tỏi tươi/khô vào thời điểm được giá mà không phải chịu sức ép từ thị trường.
Mỗi tạ tỏi khô làm được khoảng 40kg tỏi đen, giá HTX đang bán là 400.000 đồng/kg, trừ chi phí điện, nhân công... vẫn cho thu lãi khoảng 10 triệu đồng/mẻ.
Do xây dựng được chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nên sản phẩm tỏi đen của HTX có giá thành thấp hơn so với sản phẩm của các đơn vị khác, nên được thị trường đón nhận. Hiện, sản phẩm đã được vào cửa hàng nông sản sạch và các cửa hàng tiện lợi.
Nếu như trước đây, HTX chỉ trồng tỏi theo vụ thì nay đã tiến hành trồng tỏi quanh năm để bảo đảm nguồn nguyên liệu cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thời gian tới, HTX dự định thuê thêm đất để mở rộng sản xuất, đầu tư thêm máy làm tỏi và cung cấp đa dạng các sản phẩm: hành, tỏi khô, rượu tỏi đen..., đồng thời mở rộng liên kết với các doanh nghiệp để đứng ra thu mua hành khô, tỏi khô cho nông dân trong vùng.
Việc sản xuất theo chuỗi giá trị giúp giảm bớt các khâu trung gian, hạ giá thành và gia tăng giá trị sản phẩm, đồng thời nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường, nhờ đó các thành viên là người được hưởng lợi trực tiếp. Đây chính là tín hiệu tích cực trong nỗ lực xây dựng thương hiệu nông sản địa phương của HTX.
Như Yến