Với nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Đắk Lắk, nhiều HTX, tổ hợp tác trên địa bàn đã có sức bật mới, phát triển theo hướng hiện đại và bền vững, góp phần đáng kể vào công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường...
Tiếp sức kịp thời
HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thái Hải (huyện Lắk) hoạt động trong lĩnh vực khai thác thủy nông, mua bán vật tư nông nghiệp, liên kết sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm với các doanh nghiệp. Vụ Đông Xuân 2018 - 2019, HTX xây dựng cánh đồng mẫu lớn rộng 200ha tại xã Buôn Tría và xã Buôn Triết, ước sản lượng thu hoạch lên đến 2.000 tấn lúa. Tuy nhiên, đến vụ thu hoạch, HTX không chủ động được máy gặt, phải phụ thuộc vào máy thuê bên ngoài khiến thời gian thu hoạch kéo dài, tỷ lệ thất thoát cao, năng suất thực tế giảm hơn so với dự kiến.
Giữa năm 2019, HTX đã vay 700 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX để mua 1 máy gặt đập liên hợp, kịp thời đưa vào sử dụng trong vụ Hè Thu. Ông Nguyễn Ngọc Côn, Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thái Hải chia sẻ, nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ lớn, với lãi suất thấp đã giúp HTX mạnh dạn hơn trong việc đầu tư sản xuất. Khi có máy gặt đập liên hợp, HTX không chỉ chủ động hơn trong việc lập kế hoạch sản xuất, ký hợp đồng cung ứng với các đối tác mà còn tạo thêm việc làm và nguồn thu nhập cho lao động thành viên của HTX.
HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thái Hải phối hợp xây dựng mô hình trình diễn về lúa nước tại cánh đồng xã Buôn Triết, huyện Lắk (Ảnh: TL) |
Còn đối với HTX Xây dựng kinh doanh tổng hợp Phú Lộc (huyện Krông Năng), năm 2019 là lần thứ hai HTX được duyệt vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX sau khi đã hoàn thành việc trả lãi và gốc khoản vay trước. Ông Trần Văn Xuân, Giám đốc HTX Phú Lộc cho biết, khoản vốn 400 triệu đồng HTX vay năm 2017 được sử dụng để mua 1 xe ben chở vật liệu xây dựng. Nhờ tích cực mở rộng phạm vi hoạt động trong lĩnh vực cung cấp vật liệu, xây dựng công trình bê tông hóa nông thôn ở trong và ngoài tỉnh nên doanh thu và lợi nhuận của HTX liên tục tăng. Riêng năm 2019, doanh thu HTX tăng gần 2 tỷ đồng so với năm trước, đạt trên 5 tỷ đồng. Tháng 11/2019, HTX tiếp tục được Quỹ cho vay 700 triệu đồng để mua thêm xe tải chở gạch và máy trộn bê tông với tổng trị giá trên 1 tỷ đồng, giúp HTX tiếp tục phát triển hoạt động sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.
HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (huyện Krông Bông) thành lập năm 2013, sản xuất 450ha lúa, cà phê, mía tại các xã Cư Kty, Hòa Tân, Khuê Ngọc Điền, Hòa Sơn và Hòa Lễ (huyện Krông Bông). Phần lớn diện tích HTX quản lý đều sản xuất tập trung theo quy mô lớn, nhu cầu đầu tư máy móc, thiết bị và vật tư nông nghiệp lớn, trong khi việc vay vốn ngân hàng và huy động từ các thành viên gặp khó khăn. Năm 2015, HTX đã vay 250 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh để xây dựng trụ sở, văn phòng làm việc và hệ thống kho bãi, sân phơi. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX thuận lợi và hiệu quả hơn. Sau khi trả xong nguồn vốn vay này, năm 2017, HTX làm hồ sơ vay tiếp 700 triệu đồng để mua xe tải vận chuyển vật tư, nông sản. Lãnh đạo HTX cho biết, là đơn vị hoạt động đa ngành, cung ứng dịch vụ giống cây trồng, phân bón, vật tư nông nghiệp theo hình thức trả chậm, nên HTX luôn cần số vốn lớn, việc tiếp cận nguồn vốn trên là rất cần thiết, phần nào giải quyết khó khăn về vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tương tự, HTX Nông nghiệp 714 (huyện Ea Kar) hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ nông nghiệp và sản xuất gần 400ha lúa tại các xã Ea Ô, Ea Pal cho biết, để có vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, trong các năm 2010, 2014 và 2016, HTX đã vay từ Quỹ tổng số tiền 1,3 tỷ đồng với thời gian ngắn hạn. Nhờ đó, đơn vị đã đầu tư mua máy làm đất, gặt đập liên hợp, xây dựng kho bãi và đa dạng hóa lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Kỳ vọng tăng nguồn lực hỗ trợ
Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2007, với nguồn vốn được ngân sách tỉnh cấp dần qua từng năm, nguồn bổ sung từ lãi khoản vay và đóng góp của HTX tham gia thành viên vay vốn của Quỹ. Giai đoạn 2017 - 2019, Quỹ được cấp thêm 2 tỷ đồng/năm, nâng tổng nguồn vốn lên gần 16,4 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách tỉnh gần 13,5 tỷ đồng. Mỗi HTX được vay tối đa 700 triệu đồng, thời hạn khoản vay tối đa là 36 tháng, có phân kỳ trả nợ. Lãi suất vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX được áp dụng theo lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội (hiện là 0,55%/tháng), thấp hơn nhiều so với lãi suất của các ngân hàng thương mại ở cùng thời điểm.
HTX Nông nghiệp 714, huyện Ea Kar đầu tư máy móc nông nghiệp từ nguồn vay của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX (Ảnh: TL) |
Từ khi thành lập Quỹ đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã giải quyết cho 96 lượt HTX vay vốn với tổng doanh số cho vay 20,45 tỷ đồng. Riêng trong năm 2019 đã có 9 HTX được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của quỹ với tổng số tiền giải ngân là 5,8 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các HTX đã đầu tư máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động thành viên.
Đại diện Liên minh HTX tỉnh đánh giá, phần lớn các HTX vay vốn từ Quỹ đều sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, trả nợ đúng hạn, tỷ lệ nợ xấu rất thấp. Nhờ nguồn vốn Quỹ, nhiều HTX đã đầu tư được máy móc, thiết bị hiện đại, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho thành viên, lao động địa phương. Bên cạnh đó, thông qua việc vay vốn từ Quỹ, kỹ năng quản lý, xây dựng dự án của cán bộ HTX cũng được nâng lên, giúp HTX tự tin trong việc xây dựng các dự án và tiếp cận được nguồn vốn lớn hơn từ các tổ chức tín dụng khác. Tuy nhiên, nguồn vốn của Quỹ còn hạn chế, nhất là nguồn ngân sách cấp hằng năm chỉ khoảng 1 tỷ đồng, nên chưa đáp ứng được nhu cầu vay rất lớn của các HTX. Do đó, để Quỹ hoạt động hiệu quả, Ban điều hành Quỹ phải “chọn mặt gửi vàng”, nghĩa là ưu tiên cho các HTX hoạt động hiệu quả, có tài sản bảo đảm và hồ sơ vay phải có phương án hoạt động, sử dụng vốn khả thi, hiệu quả, khả năng trả nợ tốt. Thời gian tới, đơn vị quản lý Quỹ sẽ tăng cường tập huấn về nghiệp vụ tài chính cho cán bộ quản lý kinh tế và kế toán trong các HTX; đồng thời ưu tiên kinh phí cho các chương trình, dự án hiệu quả để xây dựng mô hình điểm tại các HTX...
Theo Liên minh HTX tỉnh, chính sách hỗ trợ về vốn thông qua Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đã góp phần khắc phục khó khăn lớn nhất của các HTX hiện nay là thiếu vốn sản xuất và khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định của Chính phủ về Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX (đã qua 2 lần lấy ý kiến), nếu nguồn quỹ của các tỉnh không đủ 20 tỷ đồng thì phải giải thể. Đây có thể sẽ là khó khăn cho các HTX nếu Nghị định được ban hành mà ngân sách cấp không đủ mức tối thiểu theo quy định.
Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản về giải pháp phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh. Theo đó, thống nhất quan điểm phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX theo phương châm tích cực và bền vững, chú trọng chất lượng và tăng quy mô thành viên HTX, tổ hợp tác, tăng số lượng HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác đi đôi với khuyến khích hợp nhất, sáp nhập các HTX quy mô nhỏ thành các HTX, liên hiệp HTX quy mô lớn hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, khuyến khích thành lập, khởi nghiệp theo mô hình HTX áp dụng công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Chính vì vậy, các HTX đều kỳ vọng sẽ có thêm nguồn lực hỗ trợ từ địa phương, trong đó có nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.
Đức Nguyễn