Huyện Cầu Kè đón bằng công nhận đạt chuẩn huyện NTM. |
Thu nhập bình quân tăng 3 lần
Huyện Cầu Kè bắt tay xây dựng NTM kể từ năm 2010 với xuất phát điểm khá thấp, điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất, giao thông nông thôn chưa thuận tiện, đường đi chủ yếu là đường đất, người dân đi lại, giao thương đều khó khăn.
Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện chỉ ở mức 15,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 25,75%; có xã xuất phát từ 1 - 3 tiêu chí như Châu Điền, Ninh Thới…
Sau gần 10 năm đẩy mạnh xây dựng NTM, bằng tinh thần tự lực, tự cường, sự đoàn kết của nhân dân và chính quyền địa phương, diện mạo nông thôn của huyện Cầu Kè đã có bước chuyển biến toàn diện. Hệ thống đường giao thông thủy, bộ đều được hoàn thiện.
Cụ thể, đường bộ có 11/11 tuyến đường liên xã được cứng hóa. Các tuyến đường liên ấp, xóm xây dựng khang trang, mùa mưa không còn cảnh lấm bẩn, sình lầy..., tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương, phát triển sản xuất.
Thành tựu nổi bật nhất của huyện là đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân tăng gấp 3 lần so với năm 2010, đạt hơn 52 triệu đồng/người/năm.
Để có được những thành công trên, huyện Cầu Kè đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại. Với diện tích đất nông nghiệp trên 20.000ha, huyện tập trung xây dựng các mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.
Điển hình như mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất lúa là sản phẩm chủ lực gắn với chuỗi giá trị tại 3 xã Châu Điền, Phong Phú và Hòa Ân với diện tích trên 500ha.
Bên cạnh đó, huyện xây dựng các mô hình chuyển đổi cây trồng trên 1.400ha… Tổng giá trị sản xuất đất trồng trọt và thủy sản đạt trên 190 triệu đồng/ha. Riêng các mô hình sản xuất bưởi da xanh, xoài theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với kết chuỗi giá trị có thu nhập bình quân gần 300 triệu đồng/ha.
Hiệu quả của các HTX là yếu tố quan trọng thúc đẩy NTM ở Cầu Kè. |
Sức bật từ sản xuất nông nghiệp
Các chính sách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại của huyện Cầu Kè đã góp phần hình thành các mô hình điểm mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó không ít HTX nổi lên đóng vai trò như đầu tàu dẫn dắt người dân phát triển sản xuất.
Điển hình, HTX nông nghiệp Việt Thành (xã Việt Thành) với nhiều mô hình sản xuất đầy sáng tạo, hiệu quả trở thành một trong những “cánh chim đầu đàn” trong khu vực kinh tế hợp tác. Năm 2017, HTX thử nghiệm mô hình cánh đồng mẫu trồng gấc theo quy trình VietGAP trên diện tích hơn 1,2 ha.
Cây gấc chỉ sau 3 tháng trồng là cho thu hoạch với năng suất 20 - 25 tấn quả 1 ha/năm. Với giá bán dao động từ 6.000 - 25.000 đồng/kg gấc thương phẩm, các hộ triển khai mô hình thu về lợi nhuận 70 - 90 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với trồng lúa.
Ông Huỳnh Thanh Việt - Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Việt Thành, cho biết từ thành công của mô hình thí điểm, đầu năm 2020, Dự án thích ứng biến đổi vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Trà Vinh (Dự án AMD Trà Vinh) đã hỗ trợ cho 100 hộ thành viên HTX trồng gấc, trên tổng diện tích 20 ha.
Thực tế, trong những năm qua, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, hiện thực hóa mục tiêu đạt chuẩn NTM trong năm 2019, huyện Cầu Kè đã chỉ đạo các địa phương nâng cao vai trò của khu vực kinh tế hợp tác, HTX trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Việc tham gia vào các HTX, tổ hợp tác giúp nông dân tiếp cận dễ dàng hơn với phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, qua đó mở ra cơ hội kết nối với doanh nghiệp đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm, nâng cao thu nhập… đóng góp trực tiếp vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Hưng Nguyên