Cây na đang trở thành một trong những cây kinh tế chủ lực tại Chi Lăng |
Cây na vươn tầm
Cây na được trồng ở Chi Lăng (Lạng Sơn) từ những năm 1980 và phát triển mạnh từ những năm 2000 trở lại đây. Nhờ được chú trọng đầu tư, cây na đang có những đóng góp quan trọng trong thay đổi cơ cấu nông nghiệp, phát triển sản xuất an toàn, bền vững tại địa phương.
Đại diện UBND huyện Chi Lăng cho biết toàn huyện hiện có trên 1.500 ha trồng na, sản lượng đạt trên 15.000 tấn/năm. Với giá trị kinh tế cao, cây na đảm bảo đời sống dân sinh cho hơn 3.500 hộ dân, tại 8/21 xã, thị trấn của huyện.
Để nâng cao hiệu quả cây na, những năm qua, các hoạt động liên kết sản xuất theo hướng an toàn, đảm bảo ATLĐ, nâng cao vai trò của các mô hình kinh tế hợp tác, với nòng cốt là các HTX, tổ hợp tác đang được huyện Chi Lăng đẩy mạnh và cho thấy hiệu quả tích cực.
HTX nông nghiệp xã Quang Lang hiện có 29 nhà vườn na thành viên và 102 hộ gia đình có liên kết sản xuất, với diện tích xấp xỉ 49 ha trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP, vừa duy trì hiệu quả kinh tế cao, vừa đảm bảo sản xuất an toàn, ATLĐ và bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Trí Vinh - Giám đốc HTX Quang Lang, cho biết: “Năm 2017, 60 hộ nhà vườn chuyên na của HTX có thu nhập bình quân 100 - 300 triệu đồng/hộ. Năm 2018, na được mùa, giá na cũng ổn định ở mức 30.000 - 40.000 đồng/kg, thu nhập của các hộ thành viên tăng 20 – 30%”.
Theo ông Vinh, thành công trên là kết quả của quá trình đẩy mạnh khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Ở mỗi vụ na, HTX đều tổ chức tập huấn, hướng dẫn thành viên kỹ thuật sản xuất an toàn, cung cấp dịch vụ đầu vào - đầu ra chất lượng, nâng cao ý thức về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm, nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, nâng cao sức mạnh cạnh tranh…
Quả na đang và sẽ được chú trọng hướng tới xuất khẩu để nâng cao giá trị |
Tạo sức lan tỏa
Toàn huyện Chi Lăng đang có 7/9 HTX và 25 tổ hợp tác phát triển các mô hình sản xuất na theo hướng an toàn. Các mô hình đều đang đẩy mạnh phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và cho thấy hiệu quả tích cực.
Không chỉ đặt mục tiêu chiếm lĩnh thị trường trong nước, na Chi Lăng đang hướng mạnh đến các thị trường xuất khẩu. UBND huyện Chi Lăng cho biết trong vụ na 2018, huyện đã ký kết 5 biên bản ghi nhớ về hợp tác kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp với đại diện các HTX, các mô hình sản xuất.
Bên cạnh thị trường Trung Quốc, Chi Lăng đang tập trung phát triển, mở rộng diện tích sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để hướng tới xuất khẩu sang một số thị trường khó tính như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Australia…
Để hoàn thành mục tiêu, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng Đinh Hữu Học cho biết: “Huyện đang đẩy mạnh hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, hộ trồng na đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất na năng suất, chất lượng cao, đảm bảo quy định về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế”.
Huyện cũng đang tăng cường phối hợp với các viện nghiên cứu, doanh nghiệp để đầu tư nghiên cứu công nghệ bảo quản sau thu hoạch cũng như tiến tới công nghệ chế biến, nhằm nâng cao giá trị kinh tế của quả na, mang lại lợi ích cao hơn cho người sản xuất.
Hưng Nguyên