Tiêu chí số 13 (hình thức tổ chức sản xuất) trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 là một trong những tiêu chí quan trọng, có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các địa phương, làm nền tảng để hoàn thành các tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo. Xác định rõ tầm quan trọng đó, những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã nỗ lực thực hiện và nâng cao chất lượng tiêu chí này.
Tổ chức sản xuất theo chuỗi
Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016 - 2020, để đạt được tiêu chí 13, các xã cần đạt 2 chỉ tiêu: có HTX hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX và có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững. Trong Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025, chỉ tiêu của tiêu chí số 13 được nâng cao hơn khi đặt yêu cầu các HTX phải hoạt động hiệu quả và bổ sung thêm 1 chỉ tiêu nữa, đó là thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương.
![]() |
HTX đóng vai trò quan trọng, góp phần giúp các xã hoàn thành tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM. |
HTX Nông nghiệp và dịch vụ Yên Nguyên (Chiêm Hóa) ra đời cùng thời điểm xã về đích NTM năm 2016. Sau 6 năm đi vào hoạt động, HTX đã khẳng định vai trò đầu tàu, dẫn dắt, tổ chức liên kết sản xuất nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp.
Ông Hà Doãn Hộ, Giám đốc HTX phấn khởi cho biết, HTX đang liên kết với 4 HTX khác phát triển hơn 100 ha ngô sinh khối, lạc, ớt xuất khẩu.
Sản xuất theo chuỗi từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm, HTX đã liên kết với công ty giống vật tư nông, lâm nghiệp Tuyên Quang cung ứng trọn gói giống, phân bón đến tay người nông dân với giá ưu đãi nhất.
Theo ông Hộ, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi khép kín tiết kiệm tối đa chi phí đầu vào, gia tăng giá trị sản phẩm. Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX đạt lợi nhuận đặt ra. 6 tháng đầu năm 2023, trừ mọi chi phí sản xuất, lợi nhuận thu được của HTX đạt gần 1,5 tỷ đồng.
HTX sản xuất, chăn nuôi giống gia cầm Minh Tâm, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) cũng khẳng định được vị trí, vai trò trong phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn và các xã lân cận.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc HTX cho biết, HTX đang liên kết với 6 HTX và 28 xã trên địa bàn với 3.000 hội viên nông dân triển khai 3 dự án lớn gồm sản xuất, chăn nuôi, cung ứng giống gia cầm chất lượng cao, trồng dưa chuột cung ứng vào hệ thống siêu thị và trồng, xuất khẩu ớt tươi.
Chỉ tính riêng dự án dưa chuột, năm 2022, HTX đã sản xuất, tiêu thụ 15.000 tấn dưa vào bếp ăn tập thể, siêu thị. Doanh thu dự kiến năm 2023 là 100 tỷ đồng.
Đẩy mạnh triển khai Chương trình OCOP
Cùng với việc hỗ trợ thành lập các HTX, tỉnh Tuyên Quang cũng đã hỗ trợ kinh phí xây dựng, mua sắm nhiều hạng mục cho HTX nông nghiệp như: Hỗ trợ xây dựng nhà xưởng, lắp đặt lò sấy, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng trình độ cho cán bộ quản lý HTX... Các HTX hoạt động theo mô hình kiểu mới đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Từ đó góp phần rất lớn trong giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập bình quân đầu người.
Ngoài ra, Tuyên Quang đã triển khai mạnh mẽ Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP). Đến nay, Chương trình OCOP đã tạo nên làn sóng mạnh mẽ phát triển các mô hình kinh tế tập thể HTX, tổ hợp tác ở các địa phương trong tỉnh.
Trên cơ sở đó, các địa phương trong tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, mở rộng ngành nghề mới, khôi phục nghề truyền thống.
Năm 2022, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đã công nhận 66 sản phẩm OCOP. Trong đó, 6 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 57 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 3 sản phẩm được công nhận nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao. Riêng sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái (Na Hang) loại 1 tôm, 1 lá đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Hội đồng OCOP cấp quốc gia nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao. Huyện Yên Sơn có số lượng sản phẩm được công nhận nhiều nhất với 17 sản phẩm, tiếp đến là huyện Hàm Yên với 13 sản phẩm.
![]() |
Đổi mới tổ chức sản xuất chính là yếu tố quyết định nhằm tạo ra tiềm lực kinh tế vững chắc cho HTX. |
Năm 2023, tỉnh tiếp tục hỗ trợ nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn hoá, nâng hạng các sản phẩm OCOP. Trong đó, phấn đấu đánh giá, phân hạng trên 40 sản phẩm OCOP mới đạt từ 3 sao trở lên; nâng hạng trên 10 sản phẩm OCOP từ 3 sao lên hạng 4 sao; hỗ trợ tiêu chuẩn hoá 3 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao…
Đồng thời, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội thực hiện phát triển kinh tế hợp tác trong xây dựng NTM.
Qua đó, tập trung mọi nguồn lực đầu tư và đặc biệt là ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp nâng cao đời sống bà con Nhân dân thông qua xây dựng NTM ở địa phương.
Góp phần thay đổi diện mạo nông thôn
Với nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM, đến nay, toàn tỉnh có 105/122 xã đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất.
Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, để kinh tế tập thể, các HTX tích cực góp phần vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM, tỉnh đã tổ chức triển khai tuyên truyền về kế hoạch xây dựng NTM hàng năm của tỉnh, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các HTX.
Đáng chú ý, tỉnh coi trọng việc củng cố đối với các HTX khó khăn, rà soát, đánh giá chính xác số lượng, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX đảm bảo theo tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất, góp phần nâng cao tiêu chí đối với các xã nằm trong lộ trình đạt chuẩn NTM.
“Đặc biệt, tỉnh có sự hỗ trợ những nội dung về xây dựng sản phẩm OCOP, đạt chứng nhận VietGAP, ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực, quảng bá hình ảnh điểm du lịch của xã thông qua ứng dụng internet, mạng xã hội”, ông Nguyễn Thế Giang cho hay.
Có thể nói, đổi mới tổ chức sản xuất chính là yếu tố quyết định nhằm tạo ra tiềm lực kinh tế vững chắc cho HTX, tổ hợp tác cũng như các hộ gia đình, gắn với đó là việc duy trì và nâng cao hơn nữa nhóm tiêu chí về phát triển sản xuất.
Các HTX đã đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm đạt chuẩn OCOP, tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ tích cực cho các thành viên, nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Từ đó góp phần giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và cùng với tỉnh Tuyên Quang thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.
Đoàn Huyền
![]() |
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 -2025 |