Một cho rằng xã có hợp đồng tiêu thụ nông sản cho đại đa số hộ dân trong xã thì vẫn được tính là hoàn thành tiêu chí này. Hai lại khẳng định, có hợp đồng tiêu thụ nông sản nhưng không có HTXthì vẫn không đủ điều kiện hoàn thành tiêu chí 13.
Địa phương có HTX là một trong 19 tiêu chí NTM, quyết định đến việc một xã có được công nhận là xã NTM hay không. Hiện, hầu hết các xã miền núi đã có mô hình liên kết sản xuất, nhưng không có HTX hoạt động theo Luật HTX 2012 nên thường bị rớt tiêu chí 13 và không đủ điều kiện được công nhận xã NTM.
“Trắng” HTX ở vùng miền núi
Kết quả này có nguyên nhân từ giai đoạn 2010 - 2015. Khi đó, người dân ký hợp đồng bán nông sản cho nhà máy dưới sự giám sát của chính quyền địa phương, tạo ra mô hình sản xuất ổn định giữa chính quyền, nông dân với DN.
Còn các HTX chỉ làm những dịch vụ phục vụ đơn lẻ, không có nhiều ảnh hưởng trong sản xuất cũng như đời sống người dân, nên đã bị “gạt” ra khỏi mối quan hệ sản xuất đó. Từ đây dẫn tới tình trạng “trắng” HTX ở vùng miền núi. Điều này đáng báo động tới mức trong 3 huyện miền núi của tỉnh thì 2 huyện Sơn Hòa và Sông Hinh từ 14 HTX giảm xuống mỗi huyện chỉ còn 1 HTX.
Tới khi gặp phải những thay đổi trong chỉ tiêu xét hoàn thành tiêu chí 13, hai huyện này từ chỗ có 5 xã đạt chuẩn NTM, nay chỉ có 2 xã đạt, các xã khác nợ tiêu chí này như Ea Ly, Sơn Giang, Đức Bình Tây của huyện Sông Hinh…
Hiện, các xã muốn đạt xã NTM thì phải thành lập được HTX. Vì các xã vùng miền núi đang đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM, nên buộc phải thành lập các HTX. Đây là điều đáng mừng cho khu vực KTTT, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nỗi lo. Nếu cho ra đời các HTX mà không chú trọng chất lượng hoạt động thì càng làm cho người dân “e dè” hơn với HTX, KTTT, chắc chắn sẽ không mang lại hiệu quả.
Hậu quả tất yếu của việc cho ra đời các HTX mà không đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động là giải thể hàng loạt, thậm chí muốn giải thể mà không được.
Xã Ea Ly được công nhận xã NTM năm 2016, đến nay bị rớt do không có HTX
Cần giải pháp cụ thể hơn
Để tình trạng rớt tiêu chí 13 ở vùng miền núi được giải quyết triệt để, theo ông Lê Thanh Lam - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, trước mắt, các huyện miền núi cần nhanh chóng thành lập mới các HTX. Các xã đã thành lập HTX thì phải giao quyền và gắn HTX với hoạt động sản xuất của người dân. Các địa phương mạnh dạn giao các dịch vụ phục vụ như khuyến nông, thủy lợi nội đồng, quản lý chợ, cung cấp nước sinh hoạt… cho HTX quản lý.
Trong quá trình hoạt động, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện để HTX được thụ hưởng các chính sách ưu đãi về vốn đầu tư, đất đai, nhân lực, tín dụng… để các HTX có nguồn nâng cao hoạt động của mình.
Cùng với đó, xây dựng ở mỗi địa phương một mô hình HTX kiểu mới, để người dân thấy được hiệu quả của HTX trong hỗ trợ người dân làm kinh tế, từ đây xóa bỏ nhận thức về HTX kiểu cũ.
Hỗ trợ cho quá trình hoàn thành tiêu chí 13 ở các xã hiện nay có chính sách của Nhà nước, gồm hỗ trợ 100% kinh phí thành lập mới HTX, vốn đầu tư hạ tầng cơ sở cho HTX được trích từ nguồn vốn NTM hàng năm. Đây chính là điều kiện căn bản để các địa phương miền núi bắt tay vào thành lập và nâng cao hoạt động cho các HTX.
Theo dự kiến, trong tháng 4 này, Sở NN&PTNT tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, trong đó có Liên minh HTX tỉnh khảo sát việc thực hiện tiêu chí 13 tại hai huyện miền núi xảy ra tình trạng rớt tiêu chí 13 là Sông Hinh, Sơn Hòa. Từ đây sẽ biết được nguyên nhân căn bản của từng xã để có giải pháp cụ thể hơn.
Minh Duyên