Nói tới huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã xa xôi, nhưng xã bản Mông – Trù Sán, xã Sơn Vĩ lại xa nhất huyện, nhất xã. Giao thông đi lại khó khăn, bà con nơi đây thiếu thốn mọi về từ hạ tầng giao thông, đến nguồn nước, nguồn điện và quỹ đất sản xuất. Trù Sán nằm cách biệt, heo hút, hầu như quanh năm bị bao phủ bởi lớp sương mù dày đặc.
Đói nghèo bủa vây
Phải mất gần 3 giờ đồng hồ, từ trung tâm huyện Mèo Vạc, đoàn công tác mới đặt chân được đến điểm đầu của con đường dẫn vào thôn Trù Sán. Dẫn chúng tôi vào bản người Mông trong thời tiết hơn 10 độ C, ông Hoàng Văn Chất, Chủ tịch UBND xã Sơn Vĩ cho biết, hồi cuối năm 2018, con đường duy nhất để bà con đến với thế giới bên ngoài chính là đi bộ xuyên qua những vách đá hẹp dựng đứng, phải lách người thật khéo mới qua được, mọi thứ hàng hóa đều được bà con cõng trên đôi vai.
Quả thật, đúng như lời chia sẻ của ông Hoàng Văn Chất, để vào đến thôn đoàn công tác đã vượt qua cả một hành trình chinh phục đèo và núi. Con đường như dựng đứng lên trời, có lúc lại chúi như lao xuống lòng vực sâu. Có những đoạn đường chỉ rộng chừng vài gang tay, bên trên là vách đá dựng đứng, bên dưới là vực thẳm sâu hun hút. Từ trên nhìn xuống, dòng Nho Quế xanh ngắt chỉ bé như nét bút mực uốn lượn.
![]() |
Lãnh đạo huyện cùng cán bộ và bà con trong thôn làm đường vào Trù Sán |
Tới bản, dường như ai cũng “khựng” lại và cùng chung suy nghĩ không hiểu người dân nơi đây sản xuất, canh tác, buôn bán như thế nào để có ăn, có mặc. Bởi, trước mắt chúng tôi toàn là những phiến đá tai mèo cỡ lớn gần như không thể canh tác được.
Trước những băn khoăn ấy, ông Lầu Mí Và, trưởng thôn Trù Sán tâm sự, ở đây chỉ trồng được một vụ ngô, trồng xen được ít đỗ tương nữa nên năm nào cũng thiếu đói, ít nhất phải 2 tháng.
Chả thế mà, thôn Trù Sán có 29 hộ dân, 149 nhân khẩu đều là người Mông sinh sống. Trong đó, có đến 23 hộ nghèo, cận nghèo, không có hộ khá, giàu.
Không chỉ thiếu “cái ăn, cái mặc” mà theo ông Và, bà con nơi đây còn khát khao có nguồn nước để dùng cho sinh hoạt hàng ngày và phục vụ sản xuất. Cả thôn sinh hoạt bằng một nguồn nước duy nhất ở gần dưới chân núi được bà con dẫn từ khe về, cách thôn gần 2 tiếng đi bộ. Hàng đêm, cả bản phải tập trung từ 19h hôm trước đến 2h sáng hôm sau chờ hứng nước và gùi nước về.
Trong bản cũng có hệ thống bể chứa nước, lu nước, máng nước… nhưng tất cả đều cạn vào mùa khô, có chăng chỉ là những gạn nước dưới đáy bể vì được hứng bởi nước mưa từ trên mái gianh và mái broximăng xuống.
Càng đi sâu vào trong bản, chúng tôi cảm nhận rõ ràng sự khó khăn, thiếu thốn đủ bề của người dân nơi đây. Trong căn nhà tềnh toàng của chị Sùng Thị Cá, mấy đứa trẻ chừng bốn, năm tuổi đang nô đùa với những bộ quần áo mỏng manh, cũ kỹ, khi được hỏi về mong muốn lớn nhất của chị bây giờ là gì, chị liền đưa tay chỉ về phía đầu thôn: “Giờ mình và người trong thôn chỉ ước có nguồn nước ổn định, có một con đường bê tông nhỏ vào thôn. Có những thứ ấy cái đói nghèo sẽ không còn đeo bám nữa”.
![]() |
Ông Trần Quang Minh, Bí thư huyện uỷ tặng bảng chữ cái điện tử cho bà con thôn Trù Sán |
Con đường mơ ước hình thành
Mong muốn lớn nhất của người dân nơi đây cũng như mong ước của chị Sùng Thị Cá là có một con đường bê tông, có một nguồn nước ổn định. Niềm mong ước chính đáng đó hiện đang hiện hữu, khi con đường dẫn vào thôn Trù Sán đang được xây dựng từ điểm trường mầm non thôn Tù Lủng.
Con đường mơ ước được mở ra sẽ xóa tan mọi rào cản, từ việc giao thương, vận chuyển nước sinh hoạt và cả vấn đề sản xuất của bà con sẽ trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Như cánh cửa mở ra đưa hy vọng thoát nghèo, hy vọng một cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn đến với bản Mông - Trù Sán.
Ông Trần Quang Minh, Bí thư huyện ủy Mèo Vạc, người đã cùng bà con xắn tay cuốc đất, san bờ mở rộng đường chia sẻ, sau nhiều ngày thực địa, bản thân ông cùng một số lãnh đạo huyện đã thấm hiểu sự vất vả, khó khăn và ước mơ khát khao có một con đường của người dân Trù Sán. Bởi vậy, huyện đã nhanh chóng triển khai chương trình vận động xây đường vào bản.
Để làm được điều này không chỉ có hỗ trợ của chính quyền địa phương mà cần sự chung tay góp sức của toàn bộ người dân cũng như sự ủng hộ của con em xa quê, cộng đồng doanh nghiệp. Đến nay, con đường đã được bê tông hóa hoàn toàn và xe máy có thế đi vào tận trong làng.
Trong chuyến công tác lần này, chúng tôi còn cảm nhận được sự đoàn kết bền chặt, vì dân của lãnh đạo huyện Mèo Vạc.
![]() |
Con đường đến Trù Sán nhìn từ trên cao |
Người dân trong bản phấn khởi cho biết, bà con đã có đường mới để xuống chơi phố huyện, mua sắm vào dịp tết này; còn có bảng chữ cái để học, con em sau này không lo mù chữ nữa. Năm nay, bà con được hỗ trợ bò để sản xuất, gạo để ăn, tết này no ấm hơn với bà con.
Rời Trù Sán, trở ra trung tâm huyện, chúng tôi cứ nhớ mãi những cơn gió tràn qua từng khe núi, bầu trời xám xịt, sương mù bao phủ, u lạnh. Cảnh bà con thôn bản luôn phải sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nghèo bởi thiếu nước sinh hoạt do địa bàn vùng cao đến nước sông, nước suối cũng không có; nghèo bởi mùa đông thời tiết rét buốt khắc nghiệt, mùa hè thì nắng dội sát đầu không cây gì sống nổi... Thế nhưng, những khó khăn đó đã và đang được xóa tan bởi con đường mới về đến thôn, bản. Một mùa xuân mới với bao niềm vui về sự đủ đầy đang đến với đồng bào Mông ở Trù Sán.
Minh Phạm