Để thực hiện thành công xây dựng NTM, Hà Giang xác định tiếp tục tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các làng nghề, xây dựng các mô hình HTX nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tăng cường các hỗ trợ về khoa học kỹ thuật cho người dân, định hướng giá trị, mở rộng quảng bá sản phẩm của địa phương gắn kết với phát triển du lịch, hỗ trợ kênh liên kết, phân phối, tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề, HTX…
Nhiều làng nghề được khôi phục
Câu chuyện khôi phục làng nghề, phát triển HTX, một mặt giúp bà con trong tỉnh giảm nghèo, mặt khác cũng là tìm đầu ra cho các sản phẩm không còn là mới mẻ ở Hà Giang.
Tại huyện Đồng Văn, chính quyền nơi đây rất chú trọng phát triển các làng nghề. Tiêu biểu phải kể đến Làng nghề thêu, dệt thổ cẩm dân tộc Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, đã giúp cho trang phục, hoa văn truyền thống của người Lô Lô được phát triển và lưu truyền. Các sản phẩm quần, áo, khăn, váy, túi xách trang trí hoa văn… được trưng bày và bán cho du khách đến thăm quan Cột cờ Quốc gia Lũng Cú. Nghề phụ lúc nông nhàn này đã đem lại thu nhập khoảng gần 30 triệu đồng/người/năm cho 40 hộ dân ở đây.
Cùng với đó, huyện Đồng Văn còn có Làng nghề may mặc trang phục dân tộc ở thị trấn Phố Bảng với sự tham gia của 77 hộ, thu nhập bình quân đạt từ 3 triệu đến 3,5 triệu đồng/người/tháng. Làng Nghề may mặc trang phục dân tộc Mông, thôn Lũng Hòa A, xã Sà Phìn có 25 hộ tham gia…Ngoài ra, còn có Làng nghề chế tác Khèn Mông, thôn Tả Cồ Ván, xã Hố Quáng Phìn; Làng nghề đúc lưỡi cày thôn Súng Lủng, xã Tả Lủng…
Đối với mô hình HTX, HTX Rượu ngô Thanh Vân, huyện Quản Bạ là một điển hình. Thành lập từ năm 2003, đến nay HTX đã đưa được sản phẩm của mình mở rộng đến các tỉnh thành của miền Bắc như Hải Phòng, Hà Nội, Nam Đinh, Phú Thọ, Thái Nguyên. Bình quân mỗi năm hợp tác xã bán ra thị trường khoảng 80.000 lít rượu. HTX đã liên kết với hàng chục hộ dân trên địa bàn xã để cung cấp sản phẩm cho HTX, việc liên kết đã tạo việc làm cho nhiều người dân ở Thanh Vân.
Lãnh đạo huyện Đồng Văn cho biết, tính đến tháng 4.2019, huyện này có 8 làng nghề đảm bảo đủ các tiêu chí được tỉnh công nhận. Trong đó, có những làng nghề đã duy trì hoạt động đến nay được cả trăm năm, các làng nghề hoạt động gắn liền với sản phẩm, nét văn hóa đặc trưng của địa phương; mỗi làng nghề có quy mô thu hút từ 20 - 80 lao động địa phương tham gia.
Việc phát triển các làng nghề và nghề truyền thống ngày một thu hút được nhiều lao động tại các vùng nông thôn tham gia và giúp cho các làng nghề tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng bền, đẹp và mang tính độc đáo riêng có của mỗi làng nghề. Đây cũng là hướng đi mà huyện Đồng Văn xác định chính là nhân tố giúp người dân giảm nghèo bền vững.
Các làng nghề thu hút khách du lịch quốc tế (Ảnh: Internet) |
Tạo đà xây dựng NTM
Tính đến nay, toàn tỉnh Hà Giang đã khôi phục và phát triển được 39 làng nghề và làng nghề truyền thống; 25 làng văn hoá du lịch cộng đồng, trong đó 15 làng đã đi vào hoạt động. Nhiều làng nghề như dệt thổ cẩm Cán Tỷ, Lùng Tám; làng nghề trạm bạc của người Dao, người Nùng… Các làng nghề du lịch đã thu hút lượng lớn khách đến lư trú như làng văn hóa du lịch thôn Tha, Tiến Thắng, Hạ Thành, Tùy (thành phố Hà Giang); thôn Kiềm (huyện Bắc Quang); thôn Bản Lạn (huyện Bắc Mê); thôn Thanh Sơn (huyện Vị Xuyên)…
Từ những kết quả đã đạt được, Hà Giang xác định tiếp tục tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các làng nghề, xây dựng các mô hình hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tăng cường các hỗ trợ về khoa học kỹ thuật cho người dân, định hướng giá trị, mở rộng quảng bá sản phẩm của địa phương gắn kết với phát triển du lịch, hỗ trợ kênh liên kết, phân phối, tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề, hợp tác xã…
Bên cạnh đó, ngành du lịch Hà Giang cũng tổ chức nhiều khóa tập huấn du lịch cộng đồng cho hàng nghìn học viên tại các thôn, bản nhằm cung cấp kiến thức về bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa thành sản phẩm du lịch; kỹ năng trong kinh doanh, phục vụ khách du lịch, trình tự đón khách, quy trình phục vụ ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm; kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, hướng dẫn khách tham quan…
Để đẩy mạnh hoạt động du lịch cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của từng dân tộc, tỉnh Hà Giang cần có biện pháp khôi phục, xây dựng các làng nghề thủ công truyền thống và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu của du khách. Đồng thời, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao nhận thức về du lịch cho đồng bào tại các làng văn hóa du lịch. Ngoài ra, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch, tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút các nguồn đầu tư phát triển du lịch tại Hà Giang…
Với tiềm năng vốn có và những hướng đi đúng đắn, trong tương lai, Hà Giang sẽ từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch vùng núi phía Bắc, thu hút ngày càng nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế đến tham quan, khám phá. Hà Giang cũng kỳ vọng, đây chính là những làng nghề “mấu chốt” trong xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững ở vùng đất địa đầu Tổ quốc này.
Minh Phạm