Hiện nay, người dân tại xã Thụy An, huyện Ba Vì, Hà Nội đang triển khai mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn hữu cơ. Hầu hết các mô hình đều khẳng định được hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh cho nông sản địa phương.
Hướng đi tất yếu
Trên những vựa rau ở Thụy An, mọi công đoạn trong quá trình sản xuất rau hữu cơ được thực hiện đồng bộ bằng các phương tiện cơ giới hiện đại, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mà còn góp phần thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp hiện đại, theo hướng sản xuất hàng hóa, góp xóa đói giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Nhiều mô hình HTX sản xuất rau hữu cơ đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trương, nâng cao thu nhập cho người nông dân. |
Ông Ngô Thanh Nhùy, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thụy An chia sẻ, từ khi chuyển từ trồng rau truyền thống kém hiệu quả sang mô hình trồng rau màu theo hướng hữu cơ đã giúp bà con thu hoạch đạt hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần so với làm nông nghiệp vô cơ.
Với cách làm này, các quy trình sản xuất được giám sát chặt chẽ, tư duy sản xuất cũng thay đổi theo hướng phát triển trồng trọt bền vững, an toàn, mỗi sản phẩm đưa ra thị trường đều là sản phẩm sạch.
Hiện nay, bà con thành viên của HTX Nông nghiệp Thụy An chủ yếu trồng dưa leo, bầu, bí, mướp, rau cải bắp, su hào… cung cấp các sản phẩm nông nghiệp an toàn hàng ngày cho thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận.
Sản phẩm của HTX hoàn toàn sử dụng phân bón sinh học, ý thức về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong mỗi người dân được nâng cao. Tất cả những hoạt động chăm sóc rau đều được ghi lại từ thời gian bón phân, phun thuốc, nhãn hiệu thuốc sử dụng, gieo trồng giống gì, diện tích bao nhiêu…
Theo đó, HTX đã thực hiện mô hình kiểm tra cộng đồng áp dụng hệ thống đảm bảo có sự truy xuất nguồn gốc PGS trong sản xuất rau an toàn. Các hộ tham gia sẽ được cấp sổ nhật ký đồng ruộng cập nhật đầy đủ thông tin quy trình sản xuất, thời gian, cách sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu sinh học....
“Khi mới chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ là một việc vô cùng khó khăn với HTX. Ban đầu bà con còn bỡ ngỡ. Bởi vì bản thân người dân ở đây bao đời nay làm nông nghiệp truyền thống nên rất khó để thay đổi tư duy sản xuất. Nhưng "mưa dầm thấm lâu", dần dần họ cũng nhận thức được làm nông nghiệp hữu cơ có lợi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do vậy, nông dân muốn giàu, địa phương muốn phát triển bền vững thì không có con đường nào khác ngoài nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao. Chỉ có như vậy thì người nông dân mới có cơ hội thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống”, ông Nhùy nói.
Ông Đỗ Hồng Phong, Chủ tịch UBND xã Thụy An chia sẻ, HTX Thụy An là đơn vị tích cực trong việc chuyển đổi từ sản xuất rau truyền thống sang sản xuất rau hữu cơ. Trồng rau hữu cơ không chỉ cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng mà còn góp phần tăng thu nhập cho bà con, bởi giá rau sạch thường cao hơn so với cách trồng truyền thống trước đây. Đây còn là đơn vị tiên phong trong công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương, đóng góp tích cực cho phong trào xây dựng nông thôn mới.
Hướng đến phát triển bền vững
Tại Hà Nội, thời gian qua, nhiều mô hình nông nghiệp sản xuất rau hữu cơ đã phát huy hiệu quả về giá trị kinh tế, giúp người dân gia tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, nhiều mô hình HTX đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường. Tiêu biểu như: HTX rau sạch Chử Tâm (Gia Lâm), HTX sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng), HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn), HTX rau quả sạch Chúc Sơn, HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ)...
Các sản phẩm rau hữu cơ của HTX đã khẳng định được chất lượng, tạo niềm tin với người tiêu dùng. |
Hiện, nhiều mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ đã được triển khai tại các huyện: Sóc Sơn, Đông Anh, Phú Xuyên, Thạch Thất… gắn với việc xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Điển hình như tại huyện Đông Anh hiện có tới 50% HTX sản xuất rau truyền thống đã chuyển một phần diện tích từ sản xuất VietGAP sang hữu cơ, khẳng định được thương hiệu trên thị trường, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho nông dân.
Tại HTX nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh đã tiến hành cải tạo đất, đầu tư trên 1 tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà lưới áp dụng mô hình sản xuất rau hữu cơ sinh học.
Với mong muốn cung cấp ra thị trường sản phẩm nông sản an toàn đích thực vì sức khỏe của cộng đồng, mặc dù quy trình chăm sóc đòi hỏi sự tỉ mỉ, tốn nhiều công sức hơn nhưng giá bán sản phẩm rau hữu cơ của HTX cũng cao hơn so với sản phẩm rau canh tác theo phương pháp truyền thống từ 3-4 nghìn đồng/kg.
Bà Phạm Thị Lý, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương cho biết, với mục tiêu tăng thu nhập cho thành viên và người nông dân, HTX đã bắt tay vào mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết.
Theo đó, HTX đảm nhận vai trò hỗ trợ chuyển giao công nghệ, kiến thức về sản xuất hữu cơ cho thành viên cũng như giám sát chặt chẽ toàn bộ quy trình sản xuất.
Vì vậy, chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, đến nay các sản phẩm rau hữu cơ của HTX đã khẳng định được chất lượng, tạo niềm tin với người tiêu dùng.
“Giá bán rau hữu cơ cao hơn so với giá bán rau truyền thống, từ đó thu nhập của người nông dân cũng được nâng cao hơn trước, nhiều hộ thành viên đã vươn lên làm giàu từ rau”, bà Lý chia sẻ.
Nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ mang lại giá trị cao, phát triển bền vững, ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, Sở đã tham mưu và trình UBND thành phố phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, mỗi năm, Hà Nội sẽ mở rộng sản xuất ít nhất 300 - 500ha cây trồng theo hướng hữu cơ. Phát triển rau theo hướng hữu cơ là một quá trình lâu dài mới cho thu hoạch nhưng hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với sản phẩm nông nghiệp thông thường, đồng thời nâng cao được thu nhập cho người nông dân.
“Các HTX đã và đang tích cực tập trung phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, điều đó cho thấy chất lượng nông sản đã được nâng lên, đồng nghĩa với thu nhập của người dân cũng cao hơn trước, góp phần tích cực vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương”, ông Phương khẳng định.
Hoàng Hằng