Sau hơn 10 năm phát triển, đến nay, rau hữu cơ trở thành mô hình sản xuất tiêu biểu của toàn huyện trong việc tạo ra những sản phẩm rau sạch năng suất, chất lượng cao, đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho người sản xuất, và đặc biệt, mang đến những ưu điểm, lợi ích vượt trội về môi trường sinh thái.
“4 nhà” liên kết
Được thành lập năm 2011, HTX rau hữu cơ Lương Sơn đang gây ấn tượng mạnh nhờ triển khai hiệu quả liên kết “4 nhà” gồm Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp, để phát triển sản xuất, mang lại những lợi ích kép về kinh tế, môi trường cho thành viên, hộ liên kết.
HTX Lương Sơn hiện có 14 thành viên, sản xuất trên diện tích hơn 6.000 m2, chuyên canh các loại rau hữu cơ theo chuẩn VietGAP, đã được chứng nhận sản phẩm hữu cơ (PGS). Sản lượng bình quân của HTX đạt 1,8 - 2 tấn rau/tháng, đem lại lợi nhuận 30 - 35 triệu đồng/tháng.
Anh Nguyễn Đức Xưởng - Giám đốc HTX Lương Sơn, cho biết: “PGS là hệ thống quản lý chất lượng có sự tham gia của “4 nhà” vào toàn bộ quá trình bảo đảm chất lượng cho sản phẩm. Để tham gia, các thành viên đều phải trải qua quá trình đào tạo, tập huấn canh tác hữu cơ, bảo vệ môi trường, theo hệ tiêu chí chuẩn”.
Canh tác theo chuẩn PSG không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Mô hình này đòi hỏi môi trường đất, nước, giống tiêu chuẩn cao và “nói không” với hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ và phân hóa học.
Tương tự HTX Lương Sơn, HTX Trại Hòa (xã Hợp Hòa) cũng đang gặt hái những thành công ấn tượng với mô hình trồng ra hữu cơ. Hiện, HTX đang có 61 thành viên, triển khai sản xuất trên diện tích 8 ha. Người lao động HTX đang có thu nhập 4,5 - 6 triệu đồng/ người/tháng.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, thành viên HTX bảo đảm tuyệt đối các quy chuẩn về môi trường, vệ sinh thực phẩm, với nguyên tắc “6 không”, gồm: Không trồng trên đất và nước nhiễm bẩn, không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, không thuốc kích thích tăng trưởng, không giống biến đổi gen.
Không chỉ phát triển mạnh tại các HTX, tổ hợp tác, mô hình trồng rau hữu cơ, bảo vệ môi trường, đang lan tỏa mạnh mẽ trên khắp địa bàn huyện, điển hình ở các xã Nhuận Trạch, Cư Yên, thị trấn Lương Sơn. Đến nay, Lương Sơn đã thành lập được 26 nhóm sản xuất rau hữu cơ và 4 HTX rau an toàn, với trên 210 thành viên.
![]() |
Rau hữu cơ đang mở ra hướng đi mới cho Lương Sơn |
Nâng tầm sản xuất
Sở hữu hơn 800 m2 trồng rau, bà Hoàng Thị Huy (xã Thành Lập) chia sẻ canh tác hữu cơ vừa giúp người sản xuất tiết kiệm chi phí, vừa nâng cao chất lượng, giúp giá bán cao hơn 30 - 35%, đồng thời, giảm thiểu tối đa lượng hóa chất, góp phần bảo vệ môi trường.
“Hiện, bình quân mỗi năm gia đình tôi thu về trên dưới 100 triệu đồng, đời sống được cải thiện rõ rệt so với khi còn trồng rau tự do. Để trừ sâu, chúng tôi dùng rượu ngâm với tỏi, ớt, gừng. Mỗi thửa rau ở đây đều trồng hoa cúc vạn thọ nhằm xua đuổi các loại sâu bệnh có hại”, bà Huy phấn khởi nói.
Đánh giá về hiệu quả mô hình trồng rau hữu cơ, đại diện UBND huyện Lương Sơn cho biết, để bảo đảm đúng quy trình, người trồng rau phải tham gia lớp tập huấn 3 tháng về kỹ thuật, kiến thức về vệ sinh thực phẩm, môi trường. Đến nay, đã có 1.750 nông dân được đào tạo và được cấp chứng chỉ.
Lương Sơn phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện sẽ mở rộng diện tích rau, quả hữu cơ lên hơn 60 ha. Hiện tại, huyện đang tạo mọi điều kiện để người dân mở rộng diện tích, hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, nhóm hộ… liên kết hình thành chuỗi sản xuất.
Nhật Minh