Theo đại diện UBND tỉnh Sơn La, thời gian qua, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Sơn La đã xây dựng được thương hiệu riêng, mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho thành viên. Hiệu quả hoạt động của HTX từng bước được cải thiện, loại hình ngày càng đa dạng, xuất hiện nhiều mô hình mới, hỗ trợ tốt cho kinh tế hộ thành viên phát triển. Điều quan trọng hơn cả, đó là các HTX đóng góp tích cực trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, dân sinh, giải quyết việc làm, hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả, gắn với điều kiện của địa phương, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Vai trò HTX trong phát triển kinh tế địa phương
Thực tế nhìn vào kết quả hoạt động của các HTX thời gian qua, vai trò của kinh tế tập thể, HTX trong phát triển chung của địa phương ngày một rõ nét, xứng đáng với vai trò tiên phong trong xóa đói, giảm nghèo.
Nhiều HTX ở Sơn La làm ăn có hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn thành viên, nông dân, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. |
Một số HTX còn tiếp nhận dạy nghề, tạo việc làm và cuộc sống ổn định cho lao động là những người tàn tật, người lang thang cơ nhỡ. Mặt khác, thông qua các hình thức kinh tế hợp tác, HTX, các thành viên, các hộ sản xuất nhỏ có điều kiện tham gia và được sự hỗ trợ của các chương trình, dự án phát triển kinh tế -xã hội và các hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn của HTX.
Nhiều mô hình HTX được hình thành, phát triển trong các làng nghề truyền thống ở các địa phương, hoạt động của các HTX này góp phần cải thiện đời sống thành viên nhất là khu vực nông thôn.
Là một trong những HTX tiên phong trong xóa đói, giảm nghèo của tỉnh, ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu chia sẻ: Mỗi người nông dân cần nâng cao tính cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, vươn lên xóa đói, nghèo. Hiện nay, HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát có 19 thành viên, trồng hơn 50 ha cây ăn quả các loại, trong đó chủ lực là cây mận hậu với diện tích 35 ha.
Toàn bộ diện tích cây ăn quả của HTX đều trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, vừa nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, vừa tạo niềm tin với khách hàng, ngoài ra, HTX đã chủ động tiêu thụ sản phẩm qua các khách hàng truyền thống, sàn giao dịch điện tử, các trang mạng xã hội facebook, zalo...
"Nhờ đó, tổng doanh thu năm 2022 của HTX đạt hơn 3 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí sản xuất lợi nhuận 1,5 tỷ đồng, bình quân mỗi thành viên thu được hơn 120 triệu đồng", ông Toàn nói.
HTX gắn với phong trào xóa đói giảm nghèo
Những năm gần đây, các mô hình HTX hoạt động hiệu quả đã giúp sản xuất nông nghiệp có điều kiện phát triển, mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, cuộc sống của các thành viên ngày càng ổn định, góp phần vào sự phát kinh tế - xã hội của địa phương.
Các HTX đã phát triển nhiều sản phẩm có thế mạnh làm giàu cho thành viên. |
Thực tế cho thấy, hiện nay, các HTX ở Sơn La ngày càng được mở rộng và đi vào hoạt động hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho người nông dân, thể hiện là bước đi đúng đắn trong kinh tế tập thể, kinh tế HTX.
Bằng các hoạt động tăng cường liên kết với các thành viên, các HTX đã phát triển nhiều sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, như: cam, xoài, trái cây xuất khẩu, mật ong bạc hà, cam sành, thực phẩm qua chế biến. Bên cạnh đó, nhiều HTX thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn sản xuất an toàn, ký kết tiêu thụ sản phẩm dài hạn với tổ chức, doanh nghiệp để phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn cho hay, HTX không những luôn đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, mà còn luôn tiên phong trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, mở rộng cơ hội việc làm, thúc đẩy gia tăng thu nhập cho người lao động.
Khi thành lập vào, năm 2010, HTX chỉ có 7 thành viên. Tới năm 2022, con số này đã lên tới 63 thành viên, số lượng lao động hoạt động trong HTX là 130 người. Thu nhập bình quân theo tháng của người lao động hoạt động trong HTX cũng liên tục được nâng cao, năm 2022 đạt hơn 6 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, HTX còn chú trọng công tác đào tạo thành viên, công tác viên tại cơ sở, tạo điều kiện hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trong vùng. Hàng năm, tổ kỹ thuật của HTX còn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật miễn phí cho bà con có hoàn cảnh khó khăn.
Các thành viên của HTX đã thực sự thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo mối liên kết, hợp tác giữa các hộ sản xuất nhỏ với nhau. Từ đó, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các thành viên và người lao động, góp phần ổn định kinh tế, giữ gìn an ninh quốc phòng của tỉnh nói chung, đưa HTX đứng vững trên thị trường và ngày càng phát triển bền vững.
Hiện toàn tỉnh Sơn La có hơn 800 HTX đang hoạt động, doanh thu bình quân đạt 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 9.000 lao động với thu nhập bình quân đạt 48 triệu đồng/lao động/năm, các HTX áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Tỉnh Sơn La phấn đấu, nâng tỷ lệ HTX đạt tiêu chuẩn khá, giỏi từ 35% trở lên, giảm số HTX yếu kém xuống dưới 10%, số HTX làm ăn ổn định và có lãi từ 85-90%; thu nhập của cán bộ quản lý, thành viên tăng 15%/năm, doanh thu bình quân của HTX 2,6 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của một thành viên HTX 60 triệu đồng/năm. Phấn đấu thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, lợi nhuận... hàng năm tăng từ 10-15% trở lên, góp phần thiết thực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Kim Yến