Cũng như các HTX khác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, những năm qua HTX Nga Yên gặp không ít khó khăn do biến đổi thời tiết, biến động giá cả...
Tuy nhiên, nhận được sự giúp đỡ của chính quyền, cũng như quyết tâm của bản thân, HTX đã vượt khó vươn lên bằng nội lực của chính mình.
Đổi mới sau Luật HTX
Được thành lập từ lâu, tuy nhiên thời gian đầu hoạt động, HTX Nga Yên mang những định kiến về HTX kiểu cũ, nên không thể hiện được vai trò của mình. Đến tháng 12/2015, HTX tổ chức đại hội kiện toàn và chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012.
Từ đấy, HTX đã phát triển thêm một số khâu dịch vụ mới, như thu mua nông sản, gieo sạ bằng giàn kéo, gặt đập liên hợp, mạ khay máy cấy... Những dịch vụ mới thực sự mang lại nhiều lợi ích cho người dân và cho HTX.
Ông Mai Đăng Bắc - Giám đốc HTX, cho biết trước yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, HTX thực sự phát huy vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng kịp thời tiến bộ công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Khi mới đưa vào sản xuất, HTX đã thành công với quy mô 45 ha. Đến nay, HTX đang phục vụ các thành viên và người dân với trên diện tích 70 ha. Kết quả cho thấy việc sản xuất bằng mạ khay, máy cấy so với gieo cấy thủ công đã tiết kiệm 40 - 50% chi phí đầu tư sản xuất. Nông dân bớt được ngày công lao động, nhưng giá trị và hiệu quả trên cùng đơn vị diện tích được nâng cao.
Không dừng lại ở đó, HTX đã mạnh dạn liên kết với một DN trên địa bàn đầu tư 2 máy gặt đập liên hợp theo hình thức DN đầu tư vốn, HTX quản lý điều hành, đưa lại hiệu quả không nhỏ trong sản xuất. Dịch vụ này đã giúp các thành viên và nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch. Các công đoạn gặt đập, đóng bao, vận chuyển đã được HTX giải quyết cơ bản, nhanh gọn.
![]() |
HTX thực sự phát huy vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân |
Sản xuất bền vững
Năm 2016, HTX được UBND tỉnh lựa chọn xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ và được hỗ trợ 500 triệu đồng. Nhờ đó, HTX có thêm vốn mua 2 máy gặt đập liên hợp với tổng trị giá 958 triệu đồng để nâng cao sản xuất.
Kết quả, trong năm 2017, HTX đạt doanh thu trên 3 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 250 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người của thành viên HTX đạt 4,5 - 5 triệu đồng/tháng.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, trong 911 HTX của tỉnh hiện nay, Nga Sơn là một trong ít HTX đã đầu tư đáng kể đổi mới trang thiết bị để nâng cao năng lực hoạt động.
Chưa kể, HTX cũng bố trí 2 cán bộ kỹ thuật cùng với 1 cán bộ khuyến nông thường xuyên bám ruộng, bám đồng để nắm bắt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, cũng như diễn biến tình hình sâu bệnh để khuyến cáo nông dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
Để các thành viên và người dân nâng cao ý thức sản xuất, HTX phối hợp với các công ty, DN, trạm bảo vệ thực vật của huyện, trạm khuyến nông, trung tâm học tập cộng đồng của xã… thực hiện chuyển giao KH-KT.
Được biết, từ nhiều năm nay, HTX đã trực tiếp chỉ đạo và điều hành vùng sản xuất rau an toàn quy mô lớn theo đề án của tỉnh và huyện. HTX trực tiếp thâm nhập thị trường, liên kết với các DN có uy tín, có địa chỉ tin cậy để thu mua, chế biến nông sản cho nông dân.
HTX đứng ra ký kết với các DN, rồi thu mua các loại nông sản cho nông dân. Mỗi năm, HTX bao tiêu hàng chục tấn nông sản hàng hóa trong huyện, đáp ứng kịp thời thị trường trong và ngoài địa bàn huyện Nga Sơn.
Có thể thấy, dịch vụ này đã làm thay đổi căn bản hoạt động sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Để chủ động hơn khâu bảo quản ban đầu, HTX đã đầu tư xây dựng được một kho lạnh có sức chứa 40 tấn sản phẩm sau thu hoạch. Từ đó, HTX chủ động hoàn toàn nguồn giống khoai chất lượng cung ứng cho người dân trong xã và nhiều xã khác trong, ngoài địa bàn huyện Nga Sơn.
"Trước yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, HTX thực sự phát huy vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng kịp thời tiến bộ công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất", Giám đốc Mai Đăng Bắc khẳng định.
Hồng Nhung