Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có trên 300.000 ha rừng. Trong đó, rừng tự nhiên có khoảng 212.000 ha, rừng trồng gần 100.000 ha, song rừng gỗ lớn mới chỉ khoảng 9.000 ha. Độ che phủ rừng toàn tỉnh đến nay khoảng 57,4%. Điều này cho thấy tiềm năng và lợi thế sản xuất, kinh doanh rừng trồng, đặc biệt là rừng gỗ lớn.
Giảm nghèo từ chứng chỉ FSC
Đến nay, Thừa Thiên - Huế đã thành lập 25 HTX lâm nghiệp bền vững với khoảng gần 3.000 ha rừng tham gia chứng chỉ rừng bền vững FSC.
Rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp giảm nghèo bền vững, mà còn góp phần bảo vệ môi trường. |
Ông Hồ Đa Thê, Giám đốc HTX lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc) khẳng định, tiềm năng, lợi thế để sản xuất, kinh doanh rừng trồng, đặc biệt là rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng bền vững FSC trên địa bàn Thừa Thiên - Huế rất lớn. Đây không chỉ là cơ hội nâng cao hiệu quả kinh tế cho thành viên mà còn góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.
HTX lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc là đơn vị đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức sản xuất trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC. HTX đã đầu tư nhà xưởng, thiết bị máy móc chế biến gỗ, diện tích xây dựng 700m2 với giá trị 1,2 tỷ đồng. Ngoài vốn góp của thành viên, HTX còn huy động vay của một số thành viên khoảng 2 tỷ đồng đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến nay, doanh thu của HTX tăng đều qua các năm, nhờ đó lợi nhuận của thành viên cũng tăng theo, nhiều hộ thành viên đã có cuộc sống ổn định nhờ trồng rừng.
Người dân cho biết, trồng rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn FSC không chỉ hiệu quả kinh tế cao mà còn mang lại những lợi ích về môi trường. Do rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC, người dân không được phá rừng, không đốt rừng khi trồng mới… Theo ông Nguyễn Văn Độ, thành viên HTX Hòa Lộc, hiện gia đình có 5ha rừng, toàn bộ đều dành để trồng rừng gỗ lớn do HTX cung cấp.
“Trong quá trình tham gia dự án, tôi được tập huấn, hướng dẫn về việc trồng rừng theo chứng nhận FSC. Nhờ đó, tôi thấy được những lợi ích lâu dài mà mô hình này mang lại, thúc đẩy tôi tham gia HTX để trồng rừng hiệu quả hơn”, ông Độ chia sẻ.
Còn ông Hồ Văn Lãng, thành viên HTX Hòa Lộc kể, lúc còn trồng rừng gỗ dăm, khi đến thời kỳ thu hoạch, ông thường bị thương lái ép giá nên giá trị và hiệu quả kinh tế rừng trồng không cao. Sau khi trở thành thành viên của HTX Hòa Lộc, ông Lãng quyết định chuyển 40 ha rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, đã được cấp chứng chỉ FSC.
“Sau khi chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC với cây giống chất lượng cao và thân thiện môi trường, đến nay 40 ha rừng FSC của gia đình cho thu nhập từ 250 – 300 triệu đồng/ha. Điều quan trọng là không còn tình trạng lái buôn ép giá nhờ có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, cuộc sống của gia đình tôi ổn định hơn trước và có cơ hội vươn lên làm giàu từ trồng rừng”, ông Lãng nói.
Vừa giảm nghèo, vừa bảo vệ môi trường
Không chỉ có nhà quản lý mà chính người trồng rừng cũng đã nhận thức được lợi ích của rừng gỗ lớn đối với công tác xóa đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường. Sau nhiều năm tìm hiểu, ông Trần Đình Thao ở xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền) tham gia HTX lâm nghiệp bền vững Phong Mỹ, huyện Phong Điền và chuyển sang trồng rừng FSC với diện tích 3 ha.
Phát triển HTX lâm nghiệp bền vững mang lại lợi ích cho thành viên và bảo vệ môi trường. |
Ông Thao nhận thấy rằng, người trồng rừng FSC thường xuyên được tham gia tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật. Trong quá trình chăm sóc rừng không dùng thuốc trừ cỏ, không vứt bừa bãi rác thải làm ảnh hưởng đến môi trường rừng, trước khi trồng không đốt thực bì. Rừng phải có yếu tố bảo vệ được dòng chảy tự nhiên, không được sử dụng hóa chất, khai thác đúng quy trình, bảo vệ các loài động vật hoang dã.
Theo ông Thao, HTX ra đời đã tạo ra phương thức sản xuất mới, nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp, tăng cường hiệu quả sử dụng đất và chất lượng rừng trồng, phát triển lâm nghiệp bền vững trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đầu tư thâm canh trong sản xuất lâm nghiệp.
Đồng thời, tăng cường sức mạnh, nguồn lực của các thành viên HTX, tạo công ăn, việc làm cho người dân địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.
“Trải qua nhiều năm tháng gian nan để chuyển đổi, những cánh rừng gỗ lớn FSC của gia đình dần xanh tốt. Rừng có chu kỳ khai thác dài tầm 7-8 năm, cho thu nhập từ 250 – 280 triệu đồng/ha, còn 5 năm thì thu về khoảng 150 triệu đồng/ha, lãi cao hơn nhiều so với rừng gỗ nhỏ. Với đầu ra đảm bảo, giá cả ổn định, lại được hướng dẫn kỹ quy trình, nên gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân an tâm đầu tư, chăm sóc rừng. Những năm qua, cuộc sống gia đình tôi thay đổi, dư dả hơn nhiều”, ông Thao bộc bạch.
Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh có 35 HTX lâm nghiệp bền vững, đạt 15.000 ha được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, tập trung chủ yếu là rừng FSC.
Quản lý rừng bền vững góp phần bảo tồn tính đa dạng sinh học, duy trì các chức năng hệ sinh thái và tính toàn vẹn, ổn định hệ sinh thái tự nhiên, giảm thiểu tác hại biến đổi khí hậu. Đồng thời, tăng thu nhập cho hộ thành viên và người dân, góp phần vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của tỉnh.
“Một trong những xu hướng phát triển kinh tế rừng là hình thành các HTX lâm nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị, mà các thành viên là các lâm hộ có quy mô sản xuất với mức hạn điền nhỏ. Việc đẩy mạnh thành lập HTX lâm nghiệp bền vững là hướng đi tất yếu, phù hợp với xu thế hội nhập, nhằm đáp ứng nhu cầu trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh”, ông Đức đánh giá.
Đoàn Huyền