Một trong những cách làm mới, được cho là linh hoạt và phù hợp với mọi người là HTX vận động bà con tự góp ruộng, bao nhiêu cũng được. “Họ được làm trên mảnh ruộng họ góp với mình, họ có trách nhiệm, sở trường gì thì họ trồng loại nông sản ấy. Những hộ dân sở trường trồng rau thì trồng rau, thích trồng cà thì trồng cà chứ phía hợp tác xã không ép là phải trồng giống nào”, giám đốc hợp tác xã Nguyễn Văn Hiệp chia sẻ.
Từ hoài nghi đến làm theo
Cách làm này của HTX ban đầu cũng khiến cho bà con nông dân nơi đây hoài nghi về tính hiệu quả. Đặc biệt, việc phải tuân thủ những kỹ thuật nghiêm ngặt mà HTX đưa ra như ghi chép nhật ký chăm sóc rau màu khiến người dân lâu nay trồng rau theo thói quen, kinh nghiệm cảm thấy khá phiền phức. Hay như việc khi triển khai mô hình này phải có nguồn đất phải sạch, không nhiễm các hóa chất độc hại đối với con người và môi trường.
Cùng với diện tích cà chua, đến nay, HTX Liên Ấp cũng phát triển vùng chuyên canh rau xanh, bầu, bí xanh, dưa chuột Thái Lan, Nhật Bản, mướp hương, cây ăn quả… (Ảnh Int). |
Đặc biệt, quy trình trồng rau sạch mà HTX Liên Ấp đang áp dụng khá khắt khe, chỉ được dùng phân xanh, phân chuồng đã được ủ hoai mục, nguồn nước sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. So với cách trồng rau truyền thống, trồng rau sạch theo hướng tập trung tuy có nhiều quy định ràng buộc nhưng an toàn với cả người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
“Cũng may, thời gian sau đó, mọi người thấy hiệu quả nên cũng bắt nhịp rất nhanh và học hỏi để làm theo”, giám đốc Nguyễn Văn Hiệp nhớ lại.
Dần dần, thấy cách làm hay, hiệu quả, bà con nông dân đã tự nguyện làm theo. Thấm thoắt, sau 5 năm hoạt động, HTX Liên Ấp đã có hơn 150 thành viên hộ gia đình tham gia.
Một trong những sản phẩm rau củ quả chủ lực của HTX là chuyên canh giống cà chua chịu nhiệt 222 nhập từ Nhật Bản. Ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc HTX Liên Ấp cho biết: “Sau khi trồng thử nghiệm đầu năm 2021, thấy giống cà chua 222 phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, quả to, đều, đỏ hồng, chất lượng ngọt, nhiều bột hơn so với các giống thông thường nên HTX đã khuyến khích các hộ mở rộng diện tích trồng cà chua và nhận bao tiêu đầu ra sản phẩm khi đến kỳ thu hoạch”.
Sỡ dĩ giống cà chua chịu nhiệt 222 mang lại thành công cho HTX là có khả năng chống ngập nước trong mùa mưa, vỏ cứng nên dễ vận chuyển và có thể để từ 15-20 ngày trong điều kiện bình thường mà không bị hỏng.
Đặc biệt, do phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây nên năng suất đạt từ 3,5 đến hơn 4 tấn/sào/vụ, tăng khoảng 20% so với các giống cà chua thông thường, giá bán tại ruộng từ 23 -25 nghìn đồng/kg. Toàn bộ diện tích cà chua đều được áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, thân thiện với môi trường, được thị trường chấp nhận.
Mở rộng diện tích, tạo thêm việc làm cho lao động
Cùng với diện tích cà chua, đến nay, HTX Liên Ấp cũng phát triển vùng chuyên canh rau xanh, bầu, bí xanh, dưa chuột Thái Lan, Nhật Bản, mướp hương, cây ăn quả… Các diện tích rau, củ, quả được HTX quy hoạch thành vùng, xây dựng hệ thống tưới tiêu, nhất là áp dụng quy trình kỹ thuật VietGAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhờ tham gia vào HTX, nhiều hộ dân nơi đây đã ngày một khấm khá, kinh tế gia đình ngày một ổn định, phát triển bền vững. Một trong số đó là gia đình ông Đỗ Đình Nhi, hiện nay gia đình ông Nhi có hơn 1ha trồng rau củ.
Thành viên HTX Liên Ấp đang chăm sóc dưa chuột. Ảnh Int |
Ông Nhi kể, làm nông có lúc 4h sáng đã ra đồng, có lúc mùa thu hoạch 10h đêm mới bắt đầu ở ruộng về nhưng vẫn vui vì trồng nhiều cũng không lo ế, không lo vốn vì toàn bộ giống cây cũng như quy trình kỹ thuật đã được hợp tác xã hướng dẫn.
“Hai vợ chồng chăm chỉ làm, có những ngày thu hoạch vài triệu đồng, cứ rau này thu hoạch hết mùa lại quay ra trồng thứ khác. Đúng là so với cây lúa thì thu nhập từ rau gấp nhiều lần, nhất là mình lại chủ động được thời gian”, ông Nhi nói.
Hiện nay, HTX đã được cấp chứng nhận cơ sở sản xuất nông sản an toàn và được nhiều siêu thị, nhà hàng, doanh nghiệp, trường học trong và ngoài tỉnh bao tiêu đầu ra sản phẩm. Bình quân mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 750 tấn rau, củ, quả các loại, tổng doanh thu đạt từ 12 - 13 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 300 lao động trong thôn.
Hiện nay, mô hình trồng rau hiệu quả hơn so với việc người dân trồng lúa, thu nhập gấp 5-7 lần. Điều quan trọng là hợp tác xã bao tiêu đầu ra nên người dân có thể yên tâm, không lo nông sản bị dồn ứ.
Sau nhiều năm sản xuất, hiện nay thương hiệu của chúng tôi cũng có chỗ đứng. Điển hình là rau củ quả của Hợp tác xã thôn Liên Ấp đã nhập vào cửa hàng đại diện cho nông dân tỉnh Bắc Ninh, sau đó phát triển ở hệ thống siêu thị,”, ông Hiệp nói.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX Liên Ấp thường xuyên phối hợp với ngành Nông nghiệp, Hội Nông dân các cấp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo đầu bờ, tổ chức thăm quan học tập các mô hình trồng trọt tiêu biểu trong và ngoài tỉnh cho thành viên HTX. Đồng thời, giải ngân từ Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh 01 tỷ đồng cho 15 hộ gia đình vay để đầu tư mở rộng sản xuất những giống cây trồng mới.
Với những kết quả đã đạt được, HTX Liên Ấp và Giám đốc Nguyễn Văn Hiệp vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh cùng Giấy khen của các cấp, các ngành.
Phương Thảo