Tiền thân là Hội đồng các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, thành lập theo Quyết định số 1826/QĐ-UB của UBND thành phố Đà Nẵng ngày 25/6/1992, hoạt động với chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ cho HTX, DN ngoài quốc doanh phát triển, sau khi chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, với Quyết định số 22/QĐ-UB ngày 03/01/1997 của UBND lâm thời Tp.Đà Nẵng, Liên minh HTX thành phố Đà Nẵng chính thức đi vào hoạt động với vai trò, vị trí là một tổ chức kinh tế - xã hội; đại diện cho các HTX, liên hiệp HTX hoạt động sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực của đời sống.
Không ngừng nỗ lực hoạt động
Vượt qua những khó khăn về mặt nhân sự (do lúc bấy giờ phải chia sẻ lực lượng với tỉnh Quảng Nam) và thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác, tập thể lãnh đạo, cán bộ - nhân viên (CB-NV) Liên minh HTX thành phố lấy phát triển kinh tế tập thể làm trọng tâm với phương châm “tất cả cho cơ sở”.
Các hoạt động hỗ trợ kinh tế hợp tác, HTX được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức. Công tác phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố được tăng cường đã tạo chuyển biến tích cực cho kinh tế tập thể.
Nhiều nghị quyết, cơ chế chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển KTTT được ban hành. Đặc biệt, sự ra đời của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đã tác động tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều HTX.
Được xem là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế hợp tác, HTX và vận động phát triển các loại hình kinh tế hợp tác được Liên minh HTX hết sức quan tâm.
Tính trong 10 năm qua, Liên minh HTX Đà Nẵng đã tổ chức 130 lớp tuyên truyền cho hơn 7 nghìn lượt người tham dự. Thông qua công tác này, có 77 HTX được thành lập mới với nhiều đối tượng, thành phần xã hội tham gia.
Liên minh HTX thành phố tổ chức hội nghị giao ban 6 tháng với các HTX |
Về công tác tư vấn, hỗ trợ, đã có hàng nghìn lượt tư vấn về thành lập mới và liên quan đến sự tồn tại, phát triển của THT, HTX. Công tác đào tạo, dạy nghề luôn được đổi mới nội dung và hình thức; đã tổ chức 43 lớp đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho gần 4 nghìn cán bộ, thành viên, người lao động các HTX.
Công tác thực hiện cơ chế, chính sách được triển khai hiệu quả với 20 HTX được vay vốn hỗ trợ lãi suất với tổng số tiền vay trên 31 tỷ đồng, 17 lượt HTX vay với số tiền gần 4,5 tỷ đồng phục vụ cho sản xuất và kinh doanh; tổ chức và hỗ trợ hơn 20 đợt đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm cho các HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp tại các tỉnh, thành bạn; hỗ trợ cho hơn 100 lượt HTX tham gia hội chợ trong và ngoài nước giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu... với tổng kinh phí gần 650 triệu đồng.
Hàng trăm lượt THT, HTX đã được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu bao bì, thương hiệu sản phẩm, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư chuyển đổi kỹ thuật, công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học và sản xuất.
Các HTX đã tiết kiệm được chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, phát triển ngành nghề, tăng cường năng lực hoạt động, tiêu biểu như: HTX Mây tre An Khê, HTX Sản xuất VLXD Thanh Châu, HTX dịch vụ SXKD tổng hợp Hoà Tiến 1, Hoà Tiến 2, HTX Sản xuất giống và nuôi trồng nấm An Hải Đông…
Bên cạnh đó, chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thành viên, công tác thi đua khen thưởng, xây dựng mối quan hệ phối hợp với các cấp ngành, củng cố tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động… cũng đạt nhiều kết quả tốt.
Lễ ký kết hợp tác thỏa thuận với VNPT nhằm hỗ trợ các hoạt động công nghệ thông tin cho các HTX |
Những chuyển biến tích cực từ cơ sở
Công tác tổ chức lại HTX theo Luật HTX năm 2012 được triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Đến ngày 1/7/2016, Đà Nẵng cơ bản hoàn thành công tác tổ chức lại HTX theo Luật. Khi tái lập tỉnh Quảng Nam và Tp.Đà Nẵng, hầu hết các THT, HTX trên địa bàn thành phố đều cố gắng duy trì hoạt động, có tích lũy từ nội bộ và từng bước phát triển nhưng các loại hình kinh tế tập thể vẫn chưa thoát khỏi tình trạng trì trệ.
THT thành lập tự phát, quy mô nhỏ, hoạt động theo nhu cầu và tự giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ. Các HTX phát triển chưa tương xứng với vị trí và tiềm năng sẵn có, quy mô nhỏ, cơ sở vật chất kỹ thuật lạc hậu, thiếu vốn, năng lực nội tại yếu, hiệu quả sản xuất kinh doanh dịch vụ thấp. Đội ngũ cán bộ chủ chốt của HTX chưa tương xứng với yêu cầu.
Sau khi thực hiện chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 1996, Đà Nẵng chỉ còn 70 HTX tiếp tục hoạt động, trong đó lĩnh vực công nghiệp - xây dựng có 27 HTX, lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản có 30 HTX và thương mại - dịch vụ có 13 HTX, hoạt động tương đối chật vật trong cơ chế cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Từ những nỗ lực trong hoạt động của Liên minh HTX, kinh tế hợp tác, HTX của thành phố đã có những chuyển biến rõ nét về hình thức hợp tác, số lượng và chất lượng hoạt động. Số lượng THT, HTX thành lập mới tiếp tục tăng mạnh, đa dạng về đối tượng tham gia, lĩnh vực hoạt động, quy mô và phạm vi đầu tư sản xuất kinh doanh.
Nội dung, phương thức hoạt động nhiều HTX từng bước được đổi mới và nâng cao. Sự liên kết giữa HTX với HTX, HTX với doanh nghiệp và hộ thành viên trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm ngày càng mở rộng và hiệu quả.
Nhiều HTX đã hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ phát triển, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tính đến thời điểm hiện nay, Đà Nẵng có 104 HTX, liên hiệp HTX đang hoạt động với tổng số vốn điều lệ 184,3 tỷ, trong đó có 46 HTX nông nghiệp và 58 HTX phi nông nghiệp. Các HTX đang thu hút 8.979 thành viên, giải quyết việc làm cho 12.328 lao động.
Với những thành tựu đạt được trong suốt những năm qua, kinh tế hợp tác, HTX tại Đà Nẵng đã dần vượt ra khỏi vai trò “bà đỡ” truyền thống để vươn lên vị thế mới, toàn diện hơn. Trong sự trưởng thành nhiều mặt của các tổ chức kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn Đà Nẵng ngày hôm nay, có sự đóng góp quan trọng của Liên minh HTX thành phố.
Nguyễn Hồng Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Tp.Đà Nẵng