Tp.HCM có nhu cầu tiêu thụ lượng rau sạch khoảng 200.000 tấn/ngày, tuy nhiên khả năng tự đáp ứng chỉ khoảng 30%, còn lại phải nhập hàng từ các tỉnh lân cận.
Năng suất cao, lợi nhuận tốt
Từ tháng 12/2022 - 3/2023, Trung tâm Khuyến nông Tp.HCM đã triển khai 2 mô hình trồng rau ăn lá theo quy trình GAP với giống rau mồng tơi và cải xanh mỡ. Mô hình trồng rau mồng tơi tại xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi.
Nông dân trồng rau ở Củ Chi có thu nhập cao nhờ liên kết sản xuất, đầu ra luôn ổn định. |
Theo báo cáo mới đây từ cán bộ kỹ thuật khuyến nông, mô hình trồng rau mồng tơi tại xã Phước Vĩnh An hiện đạt năng suất 19 tấn/ha, cao hơn so với đề cương xây dựng (12 tấn/ha). Lợi nhuận trung bình 1 ha thu được gần 46 triệu đồng/vụ. Với khả năng sản xuất 10 vụ/năm, lợi nhuận có thể lên tới hơn 460 triệu đồng/ha/năm.
Ngoài mô hình nêu trên, ở xã Phước Vĩnh An còn có mô hình trồng rau sạch của HTX Rau an toàn Hải Nông. HTX này thành lập cách đây 5 năm với 9 thành viên, diện tích sản xuất khoảng 10 ha, đến nay đã tăng lên 13 thành viên và 10 hộ dân liên kết sản xuất.
HTX Rau an toàn Hải Nông chuyên sản xuất và kinh doanh sản phẩm rau củ quả an toàn như: Cải xanh, cải ngọt, cải thìa, rau muống, xà lách, rau dền, dưa leo, khổ qua, mướp, bầu, xà lách thủy canh… Nhờ liên kết tốt nên đầu ra của HTX khá ổn định, cung cấp chủ yếu cho các trường học, bệnh viện, bếp ăn công nghiệp, nhà hàng trên địa bàn thành phố.
Giám đốc Hoàng Thanh Hải cho biết, trước khi thành lập HTX Rau an toàn Hải Nông, ông đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trồng rau, củ, quả, nhất là áp dụng nhà lưới vào sản xuất rau ăn lá và đem lại hiệu quả kinh tế ổn định.
Trong quá trình tìm tòi, học hỏi những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, ông Hải nhận thấy sản xuất nông nghiệp trên quê hương Củ Chi còn manh mún. Sản xuất nông nghiệp chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống bà con nông dân còn nhiều bấp bênh, khó khăn. Đến năm 2018, ông Hải được Hội nông dân huyện vận động thành lập HTX để phát triển, mở rộng mô hình sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, HTX Hải Nông có khoảng 80% thành viên HTX đạt chứng nhận VietGAP trong sản xuất rau an toàn. Doanh thu hiện tại của HTX đạt 600 triệu đồng/tháng, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động
Những hộ dân khi tham gia HTX sẽ được hỗ trợ vật tư nông nghiệp đầu vào như phân bón, giống và kỹ thuật chăm sóc. Đối với những thành viên thuộc hộ nghèo, không có đủ chi phí cho đầu tư xây dựng nhà lưới sẽ được HTX hỗ trợ chi phí, việc thu hồi vốn hỗ trợ hộ dân sẽ trừ dần vào rau, củ, quả khi thu hoạch.
Hiện, thu nhập của thành viên HTX bình quân từ 6 - 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, HTX còn tổ chức các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan trang trại trồng rau sạch (mô hình du lịch canh nông) của các thành viên HTX.
Trong tương lai, HTX sẽ mở rộng diện tích rau, củ, quả, thu hút thêm thành viên tham gia vào sản xuất trực tiếp và mở rộng diện tích canh tác theo hướng hữu cơ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Đầu ra "khỏi phải lo"
Cùng với xã Phước Vĩnh An, tính đến năm 2023, tổng diện tích trồng rau an toàn của huyện Củ Chi đã đạt khoảng 1.400ha, trong đó diện tích ứng dụng công nghệ cao là hơn 260 ha, hiệu quả kinh tế cao, mang lại cuộc sống ấm no cho các nông hộ trồng rau.
Tham gia HTX và ứng dụng công nghệ cao vào trồng rau giúp mang lại năng suất cao, lợi nhuận tốt cho nông dân Củ Chi. |
Trong ứng dụng trồng rau công nghệ cao tại Củ Chi phải kể đến HTX Rau sạch Củ Chi ở xã Phú Hòa Đông với 12 thành viên, chuyên về trồng rau thuỷ canh, cung cấp các loại rau ăn lá, cải xanh, cải ngọt, cải nhún với tổng diện tích 6.000m2.
Hiện, HTX Rau sạch Củ Chi đã có thêm 2 thành viên áp dụng mô hình trồng rau thủy canh công nghệ cao. Mỗi ngày, HTX cung cấp hơn 1 tấn rau ăn lá các loại cho các chợ truyền thống, siêu thị, trong đó khoảng 300 - 400kg rau thủy canh gồm các loại cải, xà lách, tần ô… cho siêu thị.
Nhờ áp dụng kỹ thuật; phân bón, vật tư được mua với giá hợp lý; đầu ra ổn định đã giúp nhiều thành viên HTX có thu nhập khá, trung bình từ 10 - 15 triệu đồng/người.
Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau thuỷ canh của HTX Rau sạch Củ Chi được xem là một trong những điển hình phát triển kinh tế HTX của xã Phú Hòa Đông, góp phần nâng cao kinh tế nông nghiệp của địa phương theo đúng định hướng nông nghiệp an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong bối cảnh đất nông nghiệp tại Củ Chi ngày càng hạn hẹp.
Bên cạnh các HTX trồng rau sạch đang khẳng định hiệu quả thì mô hình trồng rau an toàn của các tổ hợp tác ở Củ Chi cũng đáng ghi nhận. Như mô hình trồng dưa leo an toàn của Tổ sản xuất rau VietGAP Đoàn Kết ở ấp Trung Lập Thạnh, xã Trung lập Thượng.
Ông Tô Văn Thành, thành viên Tổ sản xuất, hào hứng tâm sự: “Từ khi trồng dưa leo theo quy trình an toàn như thế này đã giúp bà con thu hoạch đạt hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa, đầu ra thì khỏi phải lo”.
Hiện, Tổ sản xuất rau VietGAP Đoàn Kết có 30 hộ thành viên đều chuyển đổi tập trung trồng dưa leo, bầu, bí mướp, khổ qua… cung cấp các sản phẩm hàng ngày cho thị trường Tp.HCM. Các hộ dân tự nguyện liên kết, tập trung chuyển đổi đất lúa sang trồng rau để có số lượng lớn cung cấp đủ theo nhu cầu của các đơn vị thu mua đưa vào hệ thống siêu thị.
Thanh Loan