Theo thống kê của UBND phường Phú Đô, hiện làng nghề có 200 hộ sản xuất và trên 250 hộ kinh doanh, mỗi ngày đưa ra thị trường khoảng 80 tấn bún, cung cấp trên 51% sản lượng bún cho địa bàn Thủ đô. Mỗi cơ sở sản xuất có từ 5 - 7 lao động thường xuyên với mức thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Thay đổi tư duy để đứng vững
Ông Nguyễn Văn Họa - Chủ nhiệm làng nghề bún Phú Đô, cho biết: "Trước năm 2000 trên địa bàn có tới hơn 400 hộ làm nghề sản xuất bún, nhưng do sự phát triển của cơ chế thị trường, nhiều hộ đã chuyển sang hình thức sản xuất khác. Tuy số hộ làm nghề có giảm xuống nhưng sản lượng và chất lượng lại không hề đi xuống. Bởi để thích ứng với xu thế phát triển của tình hình mới, bên cạnh những kinh nghiệm và bí quyết làm bún gia truyền, hiện nay hầu như các hộ đã áp dụng máy móc, KH-KT vào sản xuất, nhờ vậy mà chất lượng và sản lượng không ngừng tăng lên".
"Tiếng lành đồn xa", nhiều khách hàng tận trong Huế, Tp.HCM cũng đã bắt đầu liên hệ và đặt hàng "bún Phú Đô" với số lượng lớn. Đứng trước sự phát triển này, hơn lúc nào hết người dân Phú Đô hiểu rằng cần phải giữ bằng được uy tín và thương hiệu của mình trên thị trường. Vì vậy, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình sản xuất được các hộ dân ở đây thực hiện rất nghiêm túc.
![]() |
Quy trình làm bún sạch của các hộ sản xuất ở làng bún Phú Đô
Theo hương ước của làng nghề, nếu hộ nào chạy theo lợi nhuận mà vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường sẽ bị phạt nặng và bị đẩy ra khỏi danh sách làm nghề của làng. "Chinh phục khách hàng bằng chính chất lượng sản phẩm" luôn là mục tiêu mà mỗi hộ sản xuất bún ở Phú Đô luôn "khắc cốt ghi tâm".
Với những nỗ lực để khẳng định chất lượng sản phẩm của mình, năm 2009, làng nghề bún Phú Đô đã được UBND Tp.Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống. Năm 2010, "bún Phú Đô" đã chính thức trở thành thương hiệu độc quyền, được Cục Sở hữu trí tuệ Tp.Hà Nội công nhận. Năm 2014, đạt danh hiệu "thương hiệu tiêu biểu vì người tiêu dùng" do Tạp chí Doanh nhân, Báo Người tiêu dùng bình chọn.
Sự hỗ trợ đắc lực của chính quyền
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Phùng Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đô, nhấn mạnh: "Chính quyền phường luôn quan tâm sát sao đến tình hình phát triển của làng nghề bún Phú Đô. Đặc biệt, UBND phường đã tham mưu, đề xuất với UBND quận Nam Từ Liêm để phát triển "Đề án để xây dựng làng nghề bún Phú Đô trở thành làng nghề vững mạnh", với một loạt các chương trình xây dựng, quảng cáo thương hiệu; tập huấn cho các hộ sản xuất về những kỹ năng áp dụng máy móc, KH-KT vào quá trình sản xuất gắn với ý thức bảm đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường".
Hiện tại, UBND quận cũng đang xem xét, giải quyết nguyện vọng của các hộ sản
xuất bún ở Phú Đô mong muốn có một khu đất xa khu dân cư để tập trung sản xuất, tránh ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, chính quyền cũng đã phối hợp với làng nghề trong việc tìm, mở rộng đầu ra cho sản phẩm.
Hiện nay, "bún Phú Đô" đã có mặt tại một số nước châu Âu, vì đây là nguồn nguyên liệu không thể thiếu của món Phở Hà Nội đang được bạn bè quốc tế hết sức ưa chuộng. Làng nghề đang thí điểm làm "bún khô" để có thể kéo dài thời gian sử dụng lâu hơn, cũng như bảo đảm chất lượng để thuận lợi cho việc xuất khẩu ra nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND Phường Phú Đô, cho biết: "Dự kiến ngày 26/12 tới đây, UBND phường sẽ phối hợp với làng nghề bún Phú Đô tổ chức "Lễ hội làng nghề Phú Đô" với sự tham dự đông đảo của các khách mời, bạn hàng và doanh nghiệp. Đây là dịp thuận lợi để khẳng định, quảng bá thương hiệu "bún Phú Đô" với bạn bè xa gần, trong nước và quốc tế.
Nguyễn Hiếu