Những năm gần đây, bên cạnh mảng sản xuất chính là trồng rau, củ, quả an toàn theo hướng công nghệ cao, HTX rau an toàn Hải Nông, xã Phước Vĩnh An bắt đầu mở rộng mảng du lịch sinh thái, đón khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm.
Hiệu quả từ nông nghiệp sinh thái
HTX Rau an toàn Hải Nông chuyên sản xuất và kinh doanh sản phẩm rau củ quả an toàn như cải xanh, cải ngọt, cải thìa, rau muống, xà lách, rau dền, dưa leo, khổ qua, mướp, bầu, xà lách thủy canh…
Nhờ liên kết tốt nên đầu ra của HTX khá ổn định, cung cấp chủ yếu cho các trường học, bệnh viện, bếp ăn công nghiệp, nhà hàng trên địa bàn thành phố.
Làm nông nghiệp kết hợp du lịch giúp nông dân Củ Chi nâng cao thu nhập. |
Giám đốc HTX Hoàng Thanh Hải cho biết, đến nay, đơn vị có khoảng 80% thành viên đạt chứng nhận VietGAP trong sản xuất rau an toàn. Doanh thu hiện tại của HTX đạt 600 triệu đồng/tháng, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động địa phương, thu nhập bình quân từ 6 - 10 triệu đồng/tháng.
Không chỉ đảm bảo thu nhập tốt cho thành viên, người lao động, việc sản xuất khoa học, với các khu trồng trọt xanh, sạch, đẹp, chính là nền tảng để HTX Hải Nông phát triển hoạt động du lịch trải nghiệm, đón khách tới tham quan.
Những năm qua, HTX đã đón hàng trăm đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan trang trại trồng rau sạch (mô hình du lịch canh nông). Trong tương lai, HTX chủ trương thúc đẩy mảng du lịch để tăng thu nhập cho thành viên, nông dân liên kết.
Đáng chú ý, khác với nhiều địa phương trên cả nước là người nông dân "tự bơi" để làm du lịch, các hộ tại Củ Chi đang nhận được rất nhiều chính sách hỗ trợ, với phương châm “lấy nhà nông làm trung tâm”.
Ngoài sự kết nối giữa nhà nông với nhà nông, địa phương cũng tích cực định hướng, quảng bá, đưa hình ảnh du lịch đến gần hơn với du khách trong nước và quốc tế.
Điển hình như tại xã Trung An, với hơn 11km sông Sài Gòn chảy quanh, đất phù sa màu mỡ, nguồn nước ngọt dồi dào, xã đang là một trong những địa phương có thế mạnh lớn trong phát triển cây ăn quả VietGAP, hữu cơ ở Củ Chi, tạo điều kiện để thúc đẩy du lịch miệt vườn.
“Làn gió mới” trong kinh tế địa phương
Nông nghiệp sạch cùng với những dấu ấn lịch sử và điều kiện tự nhiên thuận lợi đã tạo cho xã Trung An ưu thế vượt trội so với một số xã khác trên địa bàn huyện Củ Chi về việc phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, có sức thu hút du khách, đặc biệt là du lịch sinh thái vườn.
Đến nay, theo thống kê, toàn xã Trung An đang có 330 ha cây ăn trái gồm: chôm chôm, dâu xanh, sầu riêng, măng cụt, chuối, mít,... Bình quân mỗi năm, xã đón khoảng 20.000-40.000 lượt khách. Doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng đạt hàng tỷ đồng. Các hộ làm dịch vụ du lịch đạt doanh thu trên 200 triệu đồng/năm.
Phát triển nông nghiệp sinh thái trải nghiệm là định hướng đi bền vững của huyện Củ Chi. |
Đặc biệt, theo lãnh đạo UBND xã Trung An, chính những thành công trên đã đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới của xã, nhất là các tiêu chí giảm nghèo, môi trường, hạ tầng... Sau khi về đích nông thôn mới nâng cao, xã đang hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu, với mục tiêu nâng thu nhập bình quân đầu người lên trên 100 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,5%.
Không chỉ ở Trung An, huyện Củ Chi với lợi thế là cửa ngõ phía Tây Bắc, có hơn 50km hành lang sông Sài Gòn đang hướng tới mục tiêu trở thành một đô thị sinh thái, phát triển đô thị thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông sản sạch…
Theo lãnh đạo UBND huyện Củ Chi, nhờ phát triển mô hình này, nhiều nông dân tại đây có doanh thu gấp nhiều lần so với bán nông sản theo cách thông thường.
Huyện đang tập trung xây dựng các mô hình nông nghiệp để phát triển các sản phẩm đặc trưng ở Củ Chi, phát triển làng nghề, tạo ra những sản phẩm OCOP.
Ví dụ như các sản phẩm cây ăn trái, rau củ quả… của Củ Chi có lợi thế cạnh tranh cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là mục tiêu được chú trọng đầu tư để vươn xa hơn nữa trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống bà con nông dân.
Thêm nguồn lực, phát huy tiềm năng
Hiện nay, trên địa bàn Củ Chi có 12 điểm du lịch đang hoạt động, phần lớn là các khu du lịch sinh thái, du lịch về nguồn như: Khu du lịch lịch sử địa đạo Bến Dược, địa đạo Bến Đình, khu sinh thái Củ Chi Fosaco, khu sinh thái ven sông Bình Mỹ, khu dã ngoại Green Park Củ Chi...
Bên cạnh đó, huyện còn có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch như vườn trái cây Trung An, vườn bưởi Tam Tân, HTX rau sạch Nhuận Đức, vườn lan, trang trại bò sữa...
Đến đây, du khách sẽ được nghe giới thiệu các quy trình kỹ thuật trồng cây ứng dụng công nghệ cao trong điều kiện nhà màng, nhà lưới; được tham quan các mô hình trồng rau, trồng nấm, trồng hoa; được trải nghiệm các mô hình trồng cây thông minh, thực hành chăm sóc, thu hoạch các loại rau hoa, nấm, tận mắt chứng kiến quy trình chế biến đóng gói sản phẩm tự động hóa.
Để phát huy những kết quả đang có, thời gian tới, huyện Củ Chi dự kiến tiếp tục thúc đẩy phát triển hài hòa ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Chủ trương của huyện là phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo môi trường sinh thái xanh sạch, đáp ứng yêu cầu phát triển của TP.HCM.
Đồng thời, huyện sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản; chính sách xây dựng nông thôn mới; chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị của thành phố. Những chính sách này nhằm tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa nông sản Củ Chi.
Lệ Chi