Ông Phùng Khánh Hội ở ấp 5, xã Lương Bình (huyện Bến Lức) trước kia có 1ha đất vườn chuyên trồng mía, tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan về khoa học kỹ thuật, thị trường tiêu thụ bấp bênh, giá thấp nên thua lỗ triền miên, kinh tế gia đình ông cũng theo đó gặp nhiều khó khăn.
“Vị ngọt” chanh không hạt
Sau nhiều năm vật lộn với bài toán nuôi con gì, trồng cây gì, khi thấy HTX dịch vụ nông nghiệp Bến Lức (xã Lương Hòa) phát triển mô hình trồng chanh không hạt cho năng suất và lợi nhuận kinh tế cao, gia đình ông Hội đã mạnh dạn xin tham gia, mua cây giống về trồng.
Như chia sẻ của ông Hội, chanh không hạt là loại cây dễ trồng, ít bị sâu bệnh, lại cho trái quanh năm, thời gian từ khi trồng đến được thu hoạch là 18 tháng. Bình quân 1 ha thu được 40 tấn/năm (tùy vào từng thời vụ), sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu về hơn 400 triệu đồng.
Chanh không hạt đang là một trong những cây trồng chủ lực giúp nông dân Long An thoát nghèo, làm giàu. |
“Nhờ tham gia HTX trồng chanh ở vùng đất heo hút của huyện Bến Lức, đã có những người trở thành triệu phú, xây nhà cửa khang trang”, ông Hội bộc bạch
HTX dịch vụ nông nghiệp Bến Lức được đánh giá là một trong những HTX điển hình của huyện Bến Lức và tỉnh Long An. Thời gian qua, HTX còn nổi lên như một “lá cờ đầu” trong nỗ lực xuất khẩu quả chanh không hạt đi nhiều nước trên thế giới.
Ông Trần Duy Thuận, Giám đốc HTX, cho hay đến nay đã có hơn 100 ha chanh của HTX được doanh nghiệp đối tác ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm để xuất khẩu sang các nước Trung Đông và châu Âu. Chanh không hạt của huyện Bến Lức được người nước ngoài ưa chuộng và thường được dùng chế biến món ăn hoặc nước giải khát.
“Sau hơn 1 năm thâm nhập thị trường Trung Đông, đến nay, văn phòng giao dịch của HTX tại chợ đầu mối Dubai đã được đưa vào hoạt động. Chợ đầu mối này là nơi tập kết hầu hết các loại nông sản nhập khẩu, trong đó có sản phẩm chanh từ các quốc gia để trung chuyển đi các địa phương UAE và một số quốc gia lân cận”, ông Thuận thông tin.
Thúc đẩy xuất khẩu nông sản
Bến Lức được xem là “thủ phủ” trồng chanh lớn của tỉnh Long An. Diện tích cây chanh trên địa bàn huyện hiện nay đạt khoảng 7.137 ha, tập trung ở xã Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, Lương Hòa, Lương Bình. Trong đó, chanh không hạt hơn 6.564 ha.
Đáng chú ý, đến nay, toàn huyện Bến Lức có 426 ha chanh ứng dụng công nghệ cao. Liên kết “4 nhà” trên địa bàn huyện ngày càng chặt chẽ, giúp nâng cao chất lượng, sản lượng chanh không hạt.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Bến Lức, vào đầu tháng 7/2024, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận “Bến Lức - Long An”. Đây là tin vui cho người trồng chanh bởi giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý chính là “tấm vé thông hành” để quả chanh tiếp cận và chinh phục các thị trường xuất khẩu. Qua đó, nâng cao giá trị quả chanh và cải thiện thu nhập cho các hộ sản xuất.
Giữ vững thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu là giải pháp giúp nông sản tỉnh Long An nâng cao giá trị. |
Bên cạnh trái chanh, thời gian qua, ngành chức năng tỉnh Long An đã tích cực kết nối giao thương, tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho các loại nông sản chủ lực của tỉnh như thanh long, gạo, mít, khoai lang...
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Long An, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phục vụ xuất khẩu khá lớn, điển hình như lúa 59.672 ha, rau 2.072,26 ha, thanh long 5.700,67 ha, chanh 3.738 ha; tôm 69,35 ha. Toàn tỉnh hiện có 180 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP (47 sản phẩm 4 sao, 133 sản phẩm 3 sao).
Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, thông tin: “Với mặt hàng nông sản đa dạng, chất lượng tốt, điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi,... thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp các địa phương quy hoạch và đẩy mạnh tiến độ xây dựng các vùng nguyên liệu nhằm phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu”.
Các ngành chức năng tỉnh đã và đang đẩy mạnh các hoạt động dự báo về thị trường, liên kết với doanh nghiệp, xúc tiến thương mại để mở rộng tiêu thụ; đồng thời, tạo động lực mới để nông dân và doanh nghiệp đầu tư hiệu quả hơn cho sản xuất, góp phần đưa nông sản của tỉnh vươn ra thế giới
Mở hướng làm giàu bền vững
Dễ nhận thấy, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Long An đang mở đường cho nhiều nông dân vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Không chỉ là những cánh chim lẻ, nhiều nông dân đã liên kết thành lập các HTX, tổ hợp tác để nâng cao nội lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Điển hình như HTX nông nghiệp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa) đang gặt hái thành công lớn, với tổng diện tích sản xuất trên 40 ha các loại rau củ quả, trở thành điểm tựa cho hàng trăm hộ thành viên, nông dân liên kết.
Để có được những thành công hiện tại, ngay từ khi thành lập, HTX đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn các thành viên áp dụng công nghệ cao trong sản xuất như xây dựng hệ thống nhà lưới, trang bị tưới tự động, sử dụng phân bón hữu cơ…
Những thay đổi trong tư duy sản xuất giúp thành viên HTX nâng cao năng suất từ 25 - 30%, chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt, thị trường tiêu thụ được đảm bảo và giá bán ngày càng cải thiện. Lợi nhuận bình quân của HTX hiện đạt 150 - 170 triệu đồng/ha/năm tùy loại cây.
Kể từ năm 2022 đến nay, HTX được Sở Công Thương giới thiệu, kết nối thực hiện trên 6 sàn thương mại điện tử, hiện hoạt động mạnh trên Sendo và Postmart. Mỗi ngày, HTX đưa ra thị trường bình quân 3-5 tấn rau, củ, quả. Riêng trên hệ thống Sendo, mỗi tháng, HTX đạt doanh thu khoảng 100 triệu đồng.
Với những thành công đang có, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh dự kiến tiếp tục triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ HTX, doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là trên các cây trồng lợi thế như lúa, chanh, cây ăn quả... Qua đó, giúp việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, nhất là ứng dụng công nghệ cao thực sự trở thành yếu tố đột phá năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản.
Đồng thời, ngành Nông nghiệp huyện cũng tăng cường chuyển giao khoa học - công nghệ và khuyến nông, đưa nhanh các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, chế biến; thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trong sản xuất nông nghiệp…
Lệ Chi