Từ vài năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đã hình thành những tổ hợp tác (THT) chuyên nuôi giống gà ri Mường để thành đặc sản hàng hóa, mở ra hướng làm giàu.
Đặc sản của người Mường
Ông Bùi Văn Khánh – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Sơn cho biết, huyện Lạc Sơn nổi tiếng về sản phẩm gà ri Mường bản địa, còn gọi là gà Mò - giống gà đặc sản của người Mường ở Hòa Bình. Giống gà này sống trên núi đá vôi, tự kiếm ăn, uống nước sông nên da mỏng ít mỡ, thịt chắc giòn, thơm.
Từ vài năm trở lại đây, thương hiệu gà thả đồi Lạc Sơn mới được người tiêu dùng nơi khác biết đến. Năm 2019, giống gà ri bản địa Lạc Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) chứng nhận là nhãn hiệu tập thể.
![]() |
THT chăn nuôi gà xóm Mường Đam đã tập hợp được 27 thành viên, có 15 trại gà, giúp giảm nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu |
Theo chân ông Khánh, chúng tôi đến tham quan trại chăn nuôi gà của anh Bùi Văn Linh (sinh năm 1988) - Tổ trưởng THT chăn nuôi gà xóm Mường Đam, xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn. Gia đình anh có 3 dãy chuồng, hiện đang nuôi 6.000 con gà ri.
Anh Linh cho biết, gà nuôi mỗi lứa 5 tháng thì xuất chuồng. Chi phí giá thành thịt gà 60.000 đồng/kg. “Gà ri Lạc Sơn vững giá, bởi đây là giống gia cầm bản địa, được chọn lọc từ nguồn vật liệu hoang dã, dễ nuôi, tốn ít thức ăn, chất lượng thịt thơm ngon, thân hình nhỏ gọn, chăn nuôi theo hướng thả đồi, cho ăn bán công nghiệp 7-8 tháng mới đạt 1,5kg/con xuất chuồng, nên dễ bán vì phù hợp khẩu vị và nhu cầu sử dụng của các hộ có thu nhập cao”, anh Linh nói.
Với giá xuất bán luôn ổn định ở mức 80.000 – 85.000 đồng/kg gà thịt, bình quân mỗi con gà cho lợi nhuận 35.000 – 40.000 đồng. Nuôi 1.000 gà ri thịt, bán hết sẽ có lãi 15-20 triệu đồng, vào những năm gà đắt, lợi nhuận có thể đạt 40-50 triệu đồng. Năm 2019, gia đình anh Linh xuất bán 2 lứa tổng 12.000 con gà thịt, sau khi trừ mọi chi phí, đạt lãi hơn 400 triệu đồng.
Theo anh Linh, nuôi gà bản địa không khó, nhưng để cho gà không bị dịch bệnh là rất khó. Để đàn gà khỏe mạnh, cần xây chuồng trại thoáng về mùa hè, ấm về mùa đông. Sàn chuồng gà ở cao hơn mặt đất chừng 20cm và trải trấu. Khi có mùi hôi thì thay trấu ngay và thường xuyên khử trùng chuồng trại mỗi tháng 2 lần. Yếu tố quan trọng nữa là phải tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ.
Năm 2017, xuất phát từ nhu cầu tập hợp lại, những người nuôi gà ri Mường ở xóm Mường Đam thành lập THT chăn nuôi gà bản địa xóm Đam với khởi phát ban đầu có 8 hộ thành viên. Cùng tham gia sinh hoạt trong THT, tổ trưởng là người quản lý, phân công công việc hàng ngày cho các thành viên. Đồng thời, các thành viên trong THT phát huy tinh thần học hỏi, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau sao cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ thuận lợi, suôn sẻ.
Đồng tâm hiệp lực để cùng phát triển
Các hộ thành viên THT xóm Đam không chỉ trợ giúp nhau về kỹ thuật mà còn ở khâu giống, vốn, kinh nghiệm, liên kết thị trường tiêu thụ. Theo tổ trưởng Bùi Văn Linh, về giống, các hộ thành viên mua chung một điểm cung cấp giống là trại gà giống có uy tín lâu năm. Nhóm sử dụng chung cám và thuốc thú y mua của một công ty dưới hình thức bán trả chậm. Nhờ cùng liên kết chung mua vật tư đầu vào thông qua THT ký hợp đồng mua con giống và mua thức ăn trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất nên được giá mua rẻ, được hưởng chiết khấu lên tới 10%, giúp giảm giá thành chăn nuôi.
Về máy móc, công nghệ, các thành viên tự đầu tư trang trại. Gà được chăn thả kết hợp vừa sử dụng thức ăn hỗn hợp, ăn cám ngô, rau, vừa nuôi nhốt, thả tự do lên đồi. Về phương pháp kỹ thuật, các thành viên THT chủ yếu tự học hỏi qua bạn bè, người thân, trên sách báo, internet...
Qua kênh tổ chức Hội Nông dân, các thành viên được tập huấn hướng dẫn sản xuất sạch, kỹ thuật và phòng chống dịch bệnh đảm bảo vệ sinh môi trường và sức khỏe người tiêu dùng. Tổ cũng xây dựng kế hoạch sản xuất chung để cung cấp cho thị trường đều đặn, không để tình trạng lúc sản phẩm khan hiếm, lúc lại ế đọng, dư thừa. Hình thức tiêu thụ qua khách buôn và người mua tự tìm đến chiếm khoảng 90%, còn lại được bán cho khách lẻ hoặc đám cưới. THT đã duy trì và phát triển, trở thành địa chỉ tin cậy cung ứng gà thịt bản địa cho thị trường trong, ngoài tỉnh.
Đến nay, THT chăn nuôi gà xóm Mường Đam đã tập hợp được 27 thành viên, có 15 trại gà, bình quân mỗi trại duy trì nuôi từ 1.500 - 2.000 con/lứa (không tính những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ vài trăm con), mỗi năm xuất bán 4,7-6 vạn con gà thương phẩm.
Những thành viên nuôi nhiều nhất, ngoài anh Linh, phải kể đến các anh Dương Văn Tiềm, Bùi Văn Èm, Bùi Văn Vi.
Anh Bùi Văn Linh bày tỏ, để vững vàng trên bước đường cùng khởi nghiệp, các thành viên trong THT mong muốn thời gian tới được chính quyền và các cơ quan nhà nước hỗ trợ các điều kiện cần và đủ để phát triển lên HTX, áp dụng các quy trình, tiêu chuẩn chăn nuôi gà thương phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, có lô gô, tem nhãn nhận diện để khẳng định thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng lòng tin của người tiêu dùng. Mặt khác, THT cũng muốn được tiếp cận, tham gia các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để tạo nên giá trị chăn nuôi bền vững.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Sơn cho hay, học tập mô hình THT xóm Mường Đam, ở các xóm, xã lân cận cũng đã hình thành những THT khác cùng phát triển chăn nuôi gà ri Mường. Những THT nối nhau ra đời với mục đích liên kết các thành viên cùng hợp tác chăn nuôi đúng quy trình, được giám sát chặt chẽ để không bị dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cùng bảo tồn và xây dựng thương hiệu cho gà ri Mường Lạc Sơn.
“Phát huy kết quả đạt được này, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu với UBND huyện, tiếp tục đầu tư hỗ trợ, xây dựng các mô hình chăn nuôi gà bản địa gắn với chuỗi giá trị, nhằm giúp các nhà nông trên địa bàn, giảm nghèo bền vững bằng nội lực cộng đồng”, ông Bùi Văn Khánh nói.
Chu Khôi