Nắm bắt nhu cầu của thị trường, nhiều hộ nông dân ở Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã xây dựng mô hình sản xuất an toàn gắn với chế biến, đồng thời chủ động liên kết với các HTX để tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Giàu lên từ mô hình HTX
Gia đình ông Phạm Công Tới (thôn 5, xã Ia Pal) rất phấn khởi khi vừa thu hoạch vụ nhãn đầu tiên. Càng vui hơn khi được HTX Nông lâm nghiệp Trường Xuân (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) đến tận vườn hướng dẫn thu hoạch, đóng gói theo đúng tiêu chuẩn và thu mua toàn bộ sản phẩm.
Ông Tới cho biết: Năm 2020, gia đình ông cùng một số hộ trong thôn liên kết với HTX Nông lâm nghiệp Trường Xuân để trồng nhãn Hương Chi theo tiêu chuẩn VietGAP. Thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt, gia đình tự mua thêm cây giống của HTX về trồng trên diện tích hồ tiêu chết. Năm nay, gia đình ông có 400 cây nhãn cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt khoảng 30 kg quả/cây.
Một số hộ dân đã làm giàu từ cây đặc sản phía Bắc ở Tây Nguyên. |
“Với 400 cây nhãn Hương Chi, tôi thu được hơn 11 tấn quả đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, được HTX bao tiêu toàn bộ với giá 26-27 ngàn đồng/kg, cao hơn so với thị trường khoảng 2 ngàn đồng/kg. Lợi nhuận đạt khoảng 140 triệu đồng. 200 cây còn lại, dự kiến sẽ thu hoạch vào năm sau. Trồng nhãn Hương Chi theo tiêu chuẩn VietGAP chi phí đầu tư thấp hơn so với cà phê và hồ tiêu, đầu ra lại ổn định nên tôi rất yên tâm”, ông Tới nói.
Bà Đỗ Thị Huệ, Phó Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Trường Xuân, cho hay: HTX đã liên kết với 50 hộ dân ở trong huyện Chư Sê trồng hơn 60 ha nhãn Hương Chi theo tiêu chuẩn VietGAP. Đơn vị cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
“Vụ thu hoạch năm nay, chúng tôi đến từng vườn hướng dẫn người dân cách cắt quả, đóng gói bao bì sản phẩm đảm bảo theo yêu cầu của HTX. Thời gian tới, HTX tiếp tục mở rộng diện tích, hình thành chuỗi liên kết. Cùng với đó là lắp đặt hệ thống camera tại các vườn cây để giám sát, quản lý vùng trồng. Ngoài ra, chúng tôi đang làm chứng nhận VietGAP và mã vùng trồng để hướng đến thị trường xuất khẩu cũng như xây dựng nhà xưởng đóng gói tại Chư Sê”, bà Huệ thông tin.
Ông Nguyễn Hữu Tỵ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Sê, thông tin: Hiện nay, nhiều hộ nông dân trong huyện đã liên kết thành lập các HTX, tổ hợp tác sản xuất theo hướng an toàn, bước đầu mang lại thu nhập khá. Thời gian tới, Hội nông dân huyện tiếp tục vận động hội viên đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp với quy mô lớn theo hướng liên kết sản xuất sạch gắn với nhu cầu thị trường. Đồng thời, vận động hội viên nâng cao nhận thức trong sản xuất sạch nhằm đưa nông sản thế mạnh ra thị trường trong và ngoài tỉnh, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương để phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững.
Di thực cây đặc sản phía Bắc lên Tây Nguyên
Hiện nay, nhiều bà con ở một số tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn đã mang cây bò khai, đặc sản quê mình vào trồng ở Đắk Lắk, hiện loại cây trồng này đang được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, và đã được xuất khẩu sang thị trường quốc tế.
Anh Hoàng Văn Hiệu, giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk đã đem cây bò khai từ tỉnh Cao Bằng vào trồng thử nghiệm trên đất Tây Nguyên.
Theo anh Hiệu, sau một năm kiến thiết, vườn bò khai của gia đình anh bắt đầu cho thu hoạch. Hiện tại, gia đình anh đã phát triển được 1,3ha bò khai xen canh trong vườn sầu riêng và cho thu nhập ổn định.
Nhận thấy loài cây trồng này có nguồn thu nhập ổn định nên vào năm 2017, có 6 người dân ở thôn Cao Bằng đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau bò khai.
Đến năm 2020, tổ hợp tác kết nạp thêm 7 thành viên, nâng tổng số thành viên lên 13 và thành lập HTX Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng. Hiện nay, HTX có 25 thành viên chính thức và 22 thành viên liên kết với tổng diện tích hơn 40ha.
“Rau bò khai của HTX được tiêu thụ trên toàn quốc. Đặc biệt, hơn 2 năm nay, HTX đã ký được với đối tác xuất khẩu chính ngạch rau bò khai sang Mỹ với sản lượng mỗi tuần được vài tạ tùy theo đặt hàng” - anh Hiệu vui mừng cho biết.
Ông Hà Văn Dự, thành viên HTX Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng cho biết, rau bò khai đã mang lại thu nhập cao cho gia đình.
"Hiện nay, mỗi tháng gia đình thu nhập gần 20 triệu đồng từ mô hình xen canh bò khai với sầu riêng. Gia đình có 3 thành viên với nguồn thu nhập này thì cuộc sống ổn định, chưa kể sắp tới sầu riêng cho thu hoạch sẽ có nguồn thu tăng thêm” - ông Dự chia sẻ.
Nhiều HTX đã dần khẳng định vai trò vị trí trong phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên. |
Sau khi trừ tất cả chi phí, đối với những hộ gia đình trồng xen canh thì thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng. Còn các thành viên trồng chuyên canh thì thu nhập cao hơn mỗi tháng có thể lên tới 70-80 triệu đồng.
Theo lãnh đạo UBND xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc, HTX Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng đã đem đến nhiều kỳ vọng cho người dân địa phương, bởi đây cây trồng mới, được trồng, chăm sóc theo hướng hiện đại và chất lượng đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Toàn bộ sản phẩm của cây bò khai đều được sử dụng theo hướng gia tăng giá trị là bán rau sạch trực tiếp cho các nhà hàng, khách sạn, nhà phân phối... nên bà con được lợi nhiều.
Tạo điểm tựa vững vàng cho nông dân
Thời gian qua, khu vực Tây Nguyên đã có những chương trình khuyến nông cộng đồng, các HTX, các hiệp hội ngành hàng góp phần giải quyết những đặc điểm manh mún, nhỏ lẻ trong chuỗi ngành hàng. Quá trình sản xuất cũng ngày càng hoàn thiện theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường.
Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, để thúc đẩy phát triển khu vực Tây Nguyên thì các tỉnh trong khu vực cần hỗ trợ người dân, HTX tổ chức sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, thay đổi cách thức quản lý nhà nước về HTX từ quản lý đơn thuần sang kiến tạo, hỗ trợ. Đồng thời, cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, chuyển đổi số nhằm giúp các HTX liên kết với các doanh nghiệp lữ hành, các nhà bán lẻ, khách hàng để hình thành các tour du lịch, từ đó hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, quảng bá hình ảnh địa phương.
Ngoài ra, trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, các mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại ở Tây Nguyên được xem là điểm sáng, tiên phong trong áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho lao động nông thôn.
"Khu vực KTTT, HTX dần khẳng định vai trò vị trí trong phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, góp phần đưa Tây Nguyên lên 60% đạt chuẩn nông thôn mới. Tổ hợp tác, HTX có 65% đạt sản phẩm OCOP 3 và 4 sao. Các tỉnh, thành phố có số lượng xây dựng mô hình HTX sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, nhiều sản phẩm có giá trị và được thị trường đón nhận, có một số sản phẩm xuất khẩu có số lượng cao, chất lượng tốt mang giá trị kinh tế cao” ông Nguyễn Thiên Văn cho biết.
Kim Yến