Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, diện tích canh tác rộng lớn, trên địa bàn Lâm Đồng đã hình thành được vùng nguyên liệu tập trung với sản lượng lớn, chất lượng đảm bảo. Đây là điều kiện thuận lợi đầu tiên để thu hút đầu tư cũng như khuyến khích các HTX và doanh nghiệp (DN) hình thành và phát triển các hoạt động liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
“Lực đẩy” từ chính sách
Những năm gần đây, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để đẩy mạnh mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể như HĐND tỉnh phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh ban hành Đề án Liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản giai đoạn 2019 - 2023…
Các HTX là một nhân tố hạt nhân, đơn vị chủ trì để hình thành các hoạt động liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản (Ảnh: TL) |
Đồng thời, hàng năm, tỉnh đều bố trí ngân sách và lồng ghép nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để thực hiện xây dựng liên kết trong sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh việc ban hành các chính sách về phát triển liên kết chuỗi, Lâm Đồng cũng chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm phát triển các HTX và thu hút đầu tư vào DN, nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN. Tỉnh coi đây là yếu tố hạt nhân, là đơn vị chủ trì để hình thành các hoạt động liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Cùng với đó, Lâm Đồng cũng chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu cho các loại nông sản chủ lực của tỉnh để không ngừng mở rộng thị trường, nhất là xây dựng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được sử dụng cho một số nông sản chủ lực và du lịch canh nông.
Theo Sở NN&PTNT, thông qua việc thực hiện các giải pháp này, số lượng và quy mô các chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng nhanh. Đến nay, toàn tỉnh có 145 chuỗi liên kết với sự tham gia liên kết của 90 DN, 44 HTX, 21 tổ hợp tác, 22 cơ sở nhỏ lẻ và 15.800 hộ nông dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Tổng sản lượng nông sản tham gia chuỗi liên kết hiện nay là 499.346 tấn; trong đó, rau là 243.476 tấn; cà phê 59.603 tấn; cây ăn quả 37.274 tấn; chè 6.506 tấn; dược liệu 3.954 tấn; hoa 68 triệu cành; lúa 6.972 tấn; bò sữa 82.464 lít sữa; lợn 21.371 tấn...
HTX là “đầu tàu”
Tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 50% nông sản được tiêu thụ ổn định qua hợp đồng với sự tham gia của khoảng 65% số hộ nông dân vào các hình thức liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Thực tế triển khai thực hiện chính sách liên kết chuỗi trên địa bàn tỉnh cho thấy đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với nhu cầu thiết thực của các DN, HTX và hộ nông dân trên địa bàn tỉnh. Đến nay, có nhiều chuỗi liên kết thực hiện khá thành công, đem lại hiệu quả thiết thực cho các bên tham gia liên kết; quy mô sản xuất, sản lượng nông sản và số lượng thành viên tham gia không ngừng tăng qua các năm.
Đáng chú ý, ngoài ổn định đầu ra cho nông sản, chủ động nguồn nguyên liệu cho chế biến, việc các nông sản tham gia liên kết chuỗi có chứng nhận sản phẩm an toàn, được canh tác theo đúng quy trình kỹ thuật, dán tem truy xuất nguồn gốc, được sơ chế và chế biến trước khi đưa ra thị trường nên phần lớn có giá bán cao hơn từ 15 - 20% giá của sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Những hộ nông dân tham gia liên kết và thành viên HTX trong chuỗi có thu nhập ngày càng cao và ổn định, hầu hết đều đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Một trong những điển hình của khu vực kinh tế hợp tác tham gia xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông sản là HTX Nông nghiệp và Du lịch miệt vườn xã Hà Lâm (huyện Đạ Huoai). HTX được thành lập vào tháng 7/2017 với 17 thành viên, đến nay có 25 thành viên tham gia.
Liên kết chuỗi tăng giá trị của đặc sản sầu riêng huyện Đạ Huoai (Ảnh: TL) |
HTX Nông nghiệp và Du lịch miệt vườn xã Hà Lâm hiện đã hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc cho chế biến và tiêu thụ sản phẩm, chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp các thành viên áp dụng quy trình sản xuất VietGAP đối với sầu riêng - cây trồng chủ lực của địa phương.
Hoạt động hiệu quả của HTX giúp thu nhập của các thành viên ngày càng được nâng cao. Chỉ sau hơn 2 năm đã có tới 11/25 thành viên đạt thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm (44%). Trong đó, nhiều hộ thành viên có mức thu nhập rất cao, như hộ ông Lê Quang Sơn (thôn 1) có 4ha sầu riêng, thu nhập 2,4 tỷ đồng/năm; hộ ông Nguyễn Thanh Nghị (thôn) thu nhập 3,7 tỷ đồng...
Trong khi đó, UBND TP Đà Lạt quyết tâm gây dựng lại cây hồng bằng cách hỗ trợ xây dựng Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị với hồng sấy trên địa bàn 2 xã Xuân Trường và Trạm Hành - nơi có diện tích trồng hồng lớn nhất xứ sở mộng mơ. Dự án được triển khai từ năm 2018 - 2020 trên cơ sở liên kết 3 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực chế biến và tiêu thụ hồng khô.
Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Đất Làng Mai Xuân Long cho biết, hiện HTX đã có 100 hộ thành viên tham gia vào chuỗi sản xuất sản phẩm hồng. Trong năm 2019, HTX đã tiêu thụ khoảng 200 tấn trái hồng tươi của các nông hộ thành viên với giá trung bình 10.000 đồng/kg. Đầu ra ổn định giúp các thành viên yên tâm sản xuất, không còn lo đói nghèo mà tự tin vươn lên làm giàu bằng đặc sản quê hương.
TP Đà Lạt kỳ vọng xây dựng thành công liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, quy mô dự tính đến năm 2020 là khoảng 125 hộ với sản lượng đạt 81 tấn hồng sấy/năm, nâng cao hiệu quả kinh tế hơn từ 15 - 20%. Hồng sấy Đà Lạt sẽ được xây dựng thương hiệu với mô hình sản xuất an toàn có nguồn gốc xuất xứ, qua đó nâng cao thu nhập và mở ra tương lai sáng cho bà con nông dân vùng hồng nổi tiếng một thời...
Đức Nguyễn