Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 20/45 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người tại các xã xây dựng NTM hiện nay khoảng 39,9 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 2 lần so với giai đoạn trước xây dựng NTM.
Từ cuối năm 2016, theo Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ tiêu chung về mức thu nhập của người dân ở xã NTM (tiêu chí số 10) là 45 triệu đồng/người/năm.
Phối hợp cùng các HTX
Đây là tiêu chí khá cao, vì đa phần các xã xây dựng NTM là xã thuần nông, hoạt động sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết và thị trường. Trong khi đó, việc chuyển đổi ngành nghề ở vùng nông thôn cũng chưa hiệu quả.
Ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó phòng NN&PTNT huyện Long Điền, cho biết: UBND huyện đã quan tâm, chỉ đạo việc thực hiện các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập cho người dân các xã xây dựng NTM.
Điển hình là việc triển khai các dự án phát triển sản xuất, như: Trồng lúa theo hướng VietGAP với quy mô 0,5 ha/hộ (tại xã An Nhứt và xã Tam Phước, với 20 hộ tham gia); mô hình trồng rau theo hướng VietGAP với quy mô 0,3ha/hộ (tại xã Phước Hưng, với 5 hộ tham gia); mô hình nuôi vịt biển với quy mô 500 con/hộ (tại xã An Ngãi, với 3 hộ tham gia).
Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Hội Nông dân, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp cùng các HTX, UBND các xã triển khai các mô hình sản xuất nhằm đem lại nguồn thu nhập ổn định cho xã viên và người dân, như: Trồng lúa sạch theo hướng VietGAP tại xã An Nhứt, nuôi cá chim vây vàng tại xã An Ngãi, trồng nấm bào ngư tại xã Tam Phước; nuôi heo rừng lai, nuôi bò sinh sản; dự án hỗ trợ mở rộng diện tích trồng hoa lan…
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng thẳng thắn nhận định rằng hiệu quả triển khai thực hiện các mô hình chưa cao do nhiều nguyên nhân.
“Phần lớn các mô hình, dự án khuyến nông tập trung vào các hộ có điều kiện sản xuất, như: Vốn, đất đai, chuồng trại… nên thực tế mục tiêu hiệu quả chưa như mong muốn. Sản xuất nông nghiệp vẫn phụ thuộc vào thời tiết và giá cả thị trường. Việc áp dụng KH-KT vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, cơ cấu kinh tế chưa có sự chuyển dịch đáng kể…
Vì những lý do đó, nên thu nhập của nông dân mặc dù tăng nhưng chưa cao, thiếu bền vững”, ông Hiếu nói.
Mô hình trồng thanh long lại xã Bưng Riềng
Nâng cao hiệu quả các HTX, THT
Theo ông Phan Nhật Nam - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, trong xây dựng NTM, nhiều địa phương đã xác định được sản phẩm chủ lực để tập trung phát triển, nhưng thiếu sự tham gia của DN, HTX nên còn khó khăn khi tìm kiếm thị trường tiêu thụ, bị tư thương ép giá.
Theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh, mục tiêu đến năm 2020, tỉnh phấn đấu đạt thu nhập bình quân đầu người tại các xã NTM ở mức 59 triệu đồng/người/năm.
Ông Lê Tuấn Quốc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh, cho biết để phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu thiết yếu phục vụ sản xuất trong nông nghiệp của người dân; triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại các địa phương. Đồng thời, tăng cường mở rộng việc liên kết giữa DN và nông dân để hỗ trợ người dân tiếp cận các ứng dụng KH-KT canh tác hiệu quả, bao tiêu đầu ra, liên kết sản xuất bền vững.
Tới đây, tỉnh cũng tiến hành rà soát đánh giá lại hoạt động của các HTX, THT để sắp xếp, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động, hỗ trợ người dân xây dựng và quảng bá các thương hiệu nông sản chủ lực, nâng cao giá trị cạnh tranh cho nông sản…
Ngô Thanh