Với nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp, như: Quỹ đất lớn, nguồn nguyên liệu dồi dào, lực lượng lao động chịu khó tiếp cận với khoa học công nghệ. Tuy nhiên, khi phát triển kinh tế nông nghiệp theo hình thức cá thể và hộ gia đình, tại các vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Thái Nguyên chưa thực sự phát huy được hết tiềm năng. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra có chất lượng không đồng đều, chưa xây dựng được thương hiệu nên nông sản chủ yếu chỉ được tiêu thụ tại các chợ phiên trên địa bàn.
Trước thực trạng đó, các địa phương đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phát triển HTX, triển khai tại các xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đến nay một số HTX đã và đang phát huy hiệu quả hoạt động, góp phần tích cực nâng cao thu nhập cho bà con nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát triển HTX để không còn ai là hộ nghèo
Mảnh đất Sơn Phú (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) - nơi có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 70%, điều kiện kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, các hộ chủ yếu trồng, chế biến nông sản theo hình thức “mạnh ai nấy làm”. Sản phẩm chế biến xong chỉ có thể đem ra chợ địa phương để tiêu thụ, nên giá trị kinh tế không cao, đời sống người làm chè gặp nhiều khó khăn.
Sản phẩm chè của HTX Nông sản Phú Đạt phân phối đến nhiều tỉnh thành trong cả nước. |
Năm 2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai dự án "Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học", vườn ươm của gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt, xã Sơn Phú, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên được lựa chọn để cung cấp cây giống cho các hộ dân tại địa phương.
Sau một thời gian phát triển vườn ươm, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình này đem lại tương đối cao chị Nguyệt mong muốn mở rộng quy mô giúp bà con địa phương vươn lên thoát nghèo. Vì vậy, năm 2018, chị Nguyệt đã bàn bạc với 9 thành viên trong xóm và quyết định thành lập HTX Nông sản Phú Đạt.
Hiện nay, HTX liên kết với nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đại Từ để cung ứng cây đầu dòng cho HTX với diện tích khoảng 1ha. Trung bình mỗi năm HTX sản xuất và đưa ra thị trường một số tỉnh như Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La… khoảng 3 – 4 triệu cây giống các loại, trong đó chủ yếu là cây chè giống với khoảng 2 triệu cây. Với số lượng cây giống bán ra như vậy, HTX thu về khoảng 5 tỷ đồng/năm.
Với việc phát triển vườn ươm cây chè giống, HTX đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 9 lao động là thành viên HTX với thu nhập trung bình trên 10 triệu đồng/người/tháng và giúp nhiều bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn thoát nghèo, có thu nhập ổn định.
Vai trò của HTX trong phát triển kinh tế nông thôn
Tương tự, tại huyện Phú Lương có HTX chè an toàn Khe Cốc đang giúp hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững nhờ trồng chè hữu cơ.
Ông Tô Văn Khiêm, Giám đốc HTX chè an toàn Khe Cốc, xã Tức Tranh, chia sẻ: Trước đây, nghề làm chè rất vất vả nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu thực tế tại nhiều vùng chè có tiếng trong và ngoài tỉnh, nơi người dân vẫn có thể làm giàu từ cây chè, năm 2018, tôi đã bàn bạc với một số hộ trong xóm và quyết định thành lập HTX chè an toàn Khe Cốc. Hiện nay, HTX có hơn 20ha chè hữu cơ, toàn bộ là chè trung du được trồng trên đồi thấp. Mỗi năm, HTX sản xuất được hàng chục tấn chè búp khô với chất lượng cao và đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Tô Văn Khiêm, Giám đốc HTX chè an toàn Khe Cốc kiểm tra chất lượng sản phẩm. |
Ông Khiêm chia sẻ thêm: Khi tham gia HTX, các thành viên cùng nhau thực hiện quy trình chăm sóc cây chè, cùng sản xuất các sản phẩm tương đồng về chất lượng. Vì vậy, chúng tôi có thể cung cấp ra thị trường với số lượng lớn, giá trị sản phẩm chè cũng được nâng lên từ 30-50% so với trước đây.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm chè ngày càng mở rộng, không chỉ trong tỉnh mà vươn ra các tỉnh bạn và nước ngoài, lợi nhuận bình quân đạt từ 100 - 120 triệu đồng/ha/năm. HTX hoạt động ổn định, giải quyết việc làm thường xuyên cho thành viên và người lao động, mang lại thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho lao động địa phương; từng bước góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tại huyện Phú Lương của tỉnh Thái Nguyên.
Trao đổi với chúng tôi, chị Trần Thị Lệ - thành viên của HTX cho biết: "Từ ngày tham gia HTX, các hộ thành viên được tập huấn về kỹ thuật canh tác, chế biến chè sạch theo hướng hữu cơ, chè sản xuất ra bán được giá thành cao. HTX thực hiện rất nghiêm túc các yêu cầu kỹ thuật, hộ thành viên không tuân thủ đầy đủ quy trình sản xuất sẽ không được thu mua sản phẩm, nên chúng tôi đều thực hiện rất đầy đủ; vừa mang lại thu nhập tốt, giúp gia đình thoát khỏi hộ nghèo vừa bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng".
Đòn bẩy đưa kinh tế khởi sắc
Có thể thấy, các HTX đang là một trong những “đòn bẩy” giúp diện mạo kinh tế nhiều địa phương của tỉnh Thái Nguyên ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân, đặc biệt là người dân vùng dân tộc thiểu số được nâng lên.
Nhiệm vụ công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đặc biệt là công tác an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, giảm nghèo. Các chương trình, chính sách đầu tư vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã phát huy được hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng.
Với Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bình quân 2%/năm, phấn đấu tăng mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số lên gấp 2 lần so với năm 2020; giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh…
Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên cho biết: Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX phát triển. Khi người dân tham gia HTX sẽ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, như: Tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ phân bón, thiết bị; đầu tư hạ tầng giao thông vào khu sản xuất tập trung; được vay vốn từ Liên minh HTX tỉnh; hỗ trợ bao tiêu sản phẩm; có tư cách pháp nhân… Ngoài ra, các địa phương cũng hỗ trợ các HTX trong việc quảng bá thương hiệu sản phẩm.
Từ thực tế cho thấy, việc tham gia các HTX của người dân đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần quan trọng khai thác hiệu quả hơn những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nâng cao thu nhập cho các hộ dân. Tuy nhiên, để các HTX hoạt động hiệu quả, bền vững hơn nữa thì cùng với việc được chính quyền hỗ trợ để nâng cao chất lượng và quảng bá sản phẩm, các HTX cần tiếp tục được hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu mạnh. Qua đó giúp cho hoạt động của các HTX nông nghiệp thực sự phát triển bền vững.
Hoàng Hà