Từ số vốn ban đầu 5 tỷ đồng, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX (Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên) đã tăng tổng vốn điều lệ đến cuối năm 2015 lên 17,36 tỷ đồng, trong đó 12 tỷ đồng vốn bổ sung qua 3 đợt (các năm 2011, 2014, 2015) và nguồn vốn dự trữ 0,36 tỷ đồng.
Giải “cơn khát” HTX thiếu vốn
Tổng hợp 6 năm (2010 - 2015), Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Thái Nguyên cho vay 227 lượt HTX và THT, tính ra lượng vốn quay vòng trên 58,6 tỷ đồng. Riêng năm 2015, Quỹ đạt dư nợ 17,36 tỷ đồng, cho 65 HTX và THT vay. Trong đó, 44 HTX vay 13,53 tỷ đồng (chiếm 78%) và 21 THT vay 3,83 tỷ (22% ).
Theo báo cáo, Quỹ đã trợ vốn đúng hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: khoảng 37,6% vốn đầu tư ngành nông nghiệp 37,6% (chè, nấm, miến dong, chăn nuôi, chế biến cao ngựa bạch và lâm sản); 25,6% dành cho công nghiệp và làng nghề; 14,5% cho ngành thương mại, vận tải; 8,6% cho xây dựng dân dụng và giao thông nông thôn… Quỹ cũng dành 3,65 tỷ đồng cho vay các HTX, THT tại các xã “điểm” xây dựng nông thôn mới.
Quỹ được giao và hoàn thành tốt công tác quản lý vốn, giải quyết việc làm. Đến cuối năm 2015, Quỹ đã giải ngân 2,44 tỷ đồng cho 37 lượt dự án (trong đó có 300 triệu đồng được Liên minh HTX Việt Nam cấp bổ sung trong năm), thu hồi quay vòng và cho vay 12 dự án, với số vốn gần 2 tỷ đồng.
Trong quá trình hoạt động, Quỹ thể hiện tính chuyên nghiệp cao, khi bảo đảm tốt an toàn kho quỹ, thu chi chính xác, nhất là 100% khách hàng vay vốn thanh toán đầy đủ gốc lãi và không phát sinh nợ xấu.
Cần nhấn mạnh thêm, sau 6 năm hoạt động, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Thái Nguyên cho thấy sự cần thiết của loại hình quỹ hỗ trợ phát triển HTX đối với HTX và THT, nhất là trong thực trạng chung HTX luôn “khát vốn” mà vay ngân hàng thương mại đều rất khó, hoặc bế tắc không vay được.
Từ lợi ích vay kịp thời từ nguồn vốn quỹ, các HTX và THT đã nâng cao rõ rệt hiệu quả hoạt động. Các HTX, THT sau khi vay qua các năm đều tăng doanh thu 45,7%, lợi nhuận tăng 20,5%, tạo thêm 35% số lao động có việc làm, nộp ngân sách nhà nước tăng 15,6%...
Hoạt động quỹ trợ vốn góp phần xây dựng nhiều mô hình HTX, THT điển hình, như HTX Vận tải ôtô Tân Phú, các HTX chè Tân Hương, Minh Thu (Tp.Thái Nguyên), HTX Miến Việt Cường, THT chè Sông Cầu (Đồng Hỷ), HTX ngựa bạch Xóm Phẩm, HTX cơ khí Thanh Niên (Phú Bình), hay các THT nấm ATK, THT Trần Minh (Định Hóa)…
Giám đốc Quỹ (ngoài cùng bên trái) tư vấn HTX vay vốn
Quỹ cần mở rộng tăng vốn
Một điểm chung với các loại hình KTTT lâu nay, là công tác tài chính, kế toán vừa thiếu, vừa yếu, thiếu kỹ năng xây dựng phương án dự án vay vốn…, nên thường gặp khó khăn khi xác lập hồ sơ vay vốn tại Quỹ.
Ngay từ đầu năm 2016, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch giải ngân cả năm cho các HTX, THT có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu 100% khách hàng vay vốn được kiểm tra, tư vấn hướng dẫn sử dụng và nâng cao hiệu quả vốn vay, Quỹ dự kiến năm 2016 tập trung tập huấn tuyên truyền và hướng dẫn trình tự, thủ tục vay vốn cho các HTX, THT trên toàn tỉnh, nhằm giúp đỡ các đối tượng vay vốn xây dựng, hoàn thiện dự án, phương án hoạt động theo quy định.
Việc trợ vốn ưu đãi kịp thời, giúp các HTX tăng cường nguồn lực đầu tư, mở rộng sản xuất, vừa nâng cao uy tín các mô hình KTTT. Thế nhưng, Thái Nguyên là một trong những địa bàn có số lượng HTX, THT lớn, mà hầu hết đều khó khăn về vốn. Trong khi đó, tổng số vốn của Quỹ còn quá ít, chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của các HTX, THT, nên chưa thể tạo động lực hỗ trợ khu vực KTTT.
Theo bà Vũ Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Thái Nguyên, Quỹ hiện đang tham mưu Liên minh HTX tỉnh có văn bản đề nghị HĐND và UBND tỉnh quan tâm cấp bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ. Đồng thời, đề nghị Liên minh HTX Việt Nam và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX ở Trung ương thường xuyên tổ chức các hội thảo, lớp tập huấn chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa quỹ địa phương và quỹ Trung ương, từ đó giúp các quỹ từng bước nâng cao hiệu quả và hoạt động an toàn.
Lưu Đoàn