Theo thống kê, trên địa bàn huyện Hải Lăng có 1 liên hiệp hợp tác xã (HTX), 53 HTX nông nghiệp. Chất lượng hoạt động của HTX ngày càng nâng lên, tổng doanh thu các dịch vụ năm 2021 là 100,4 tỉ đồng, lãi 9 tỉ đồng. Hiện nay có 1 liên hiệp HTX, 1 HTX tham gia Chương trình OCOP và được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Có khoảng 30% HTX tham gia thực hiện tiêu thụ sản phẩm cho thành viên thông qua hợp đồng liên kết với doanh nghiệp chủ yếu sản xuất lúa chất lượng cao, lúa VietGAP, lúa giống.
HTX linh hoạt trong điều hành quản lý
Điển hình trong số những HTX có sự linh hoạt nhất trong điều hành, quản lý cũng như phát triển trên địa bàn huyện Hải Lăng có thể kể đến HTX Văn Quỹ, xã Hải Phong. Sau khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, HTX đã có nhiều sự đổi mới về phương thức hoạt động, từ đó đem lại hiệu quả rõ nét. Hiện HTX đang quản lý 285 ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó diện tích đất trồng lúa là 270 ha với 263 thành viên.
Với đặc thù nằm ở vùng thấp trũng, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai nhưng với sự chủ động, linh hoạt trong điều hành, quản lý nên các sản phẩm của HTX Văn Quỹ ngày càng phong phú, đáp ứng nhu cầu của thị trường. HTX hiện có 10 dịch vụ, trong đó có nhiều dịch vụ đem lại hiệu quả kinh tế khá cao như thêu ren, sản xuất giống, sản xuất gạo sạch… Nhờ sự đa dạng các loại hình dịch vụ nên hằng năm, doanh thu của HTX đạt khoảng 3,8 tỉ đồng, sau khi trừ chi phí lãi ròng 400 triệu đồng.
Các HTX tích cực đưa cơ giới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả. |
Ngoài việc tổ chức thực hiện các dịch vụ thiết yếu gồm 4 dịch vụ bắt buộc như thú y, bảo vệ thực vật, giống, điều hành sản xuất cho thành viên, các HTX đã mạnh dạn tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh thêm 2-9 dịch vụ khác như làm đất, thuỷ nông, vật tư nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, tín dụng... nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất của hộ thành viên. Cùng với đó, HTX còn thực hiện một số dịch vụ để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hộ thành viên như thêu ren, lâm nghiệp...
Từ những hoạt động này, đến nay có trên 50% HTX tích luỹ được vốn (tăng vốn góp thành viên) để thực hiện tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, các HTX có kinh tế phát triển ổn định, từng bước thể hiện được mô hình HTX kiểu mới.
Bên cạnh đó, các HTX cũng góp phần tích cực trong quá trình thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. HTX đã từng bước đổi mới, thực hiện tốt điều hành sản xuất, cung cấp các dịch vụ, giúp kinh tế hộ ngày càng phát triển, thu nhập của người dân nông thôn được nâng cao.
Tích cực sử dụng các nguồn quỹ cùng vốn, quỹ của HTX để chủ động xây dựng giao thông nội đồng, kiên cố hoá kênh mương, cho vay không lãi hoặc lãi suất thấp để mua các công cụ sản xuất như máy gặt đập liên hợp, máy làm đất... Đóng góp cùng với chính quyền địa phương đầu tư các công trình hạ tầng nông thôn và các hoạt động xã hội như xây dựng các công trình giao thông, giao thông nội đồng, bê tông hoá kênh mương, công trình hạ tầng văn hoá, xã hội..., góp phần làm thay đổi diện mạo các vùng nông thôn trên địa bàn huyện, đóng góp không nhỏ cho quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Nhiều chính sách hỗ trợ HTX phát triển
Theo đại diện phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng, thời gian qua, huyện Hải Lăng đã triển khai chính sách hỗ trợ, ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, hộ gia đình vay vốn sản xuất kinh doanh tại Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, Ngân hàng CSXH, ưu tiên tạo điều kiện và hỗ trợ một phần lãi suất vay vốn từ các nguồn vốn vay ưu đãi để khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình… Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển KT-XH.
Nhằm tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT, HTX, nhiều giải pháp được huyện Hải Lăng đưa ra và tập trung triển khai trong thời gian tới. Trong đó, huyện chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTTT. Tập trung chỉ đạo nâng cao năng lực hoạt động của HTX và đào tạo bồi dưỡng bộ máy quản lý. Khuyến khích các HTX, doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động hợp tác liên kết, liên doanh nhằm huy động sức mạnh tổng hợp để hỗ trợ kinh tế hộ, kinh tế trang trại phát triển, nâng cao thực lực kinh tế trong HTX.
Vận động HTX, tổ hợp tác đầu tư vốn thí điểm xây dựng mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao để chuyển giao cho hộ thành viên, phát triển các mô hình trang trại… Quan tâm công tác đào tạo, phát triển nghề nông thôn thu hút nhiều lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, giảm tỉ lệ lao động làm việc thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư.
Huyện Hải Lăng cũng tăng cường vận động xây dựng, phát triển HTX kiểu mới trên các lĩnh vực. Vận động, hướng dẫn thành lập HTX kiểu mới ở những địa phương có điều kiện, tiến tới thành lập HTX thuộc các lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, giết mổ và chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, mộc mỹ nghệ, thuỷ sản, vệ sinh môi trường... Trong đó chú trọng việc thành lập HTX gắn với phát triển các làng nghề và gắn với xây dựng nhãn hiệu, đăng ký thương hiệu sản phẩm mang nét đặc trưng vùng, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu.
Thực hiện tốt các chính sách phát triển KTTT. Đầu tư hỗ trợ khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng…Tập trung đầu tư vào những trang thiết bị thiết thực trong lĩnh vực công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch, cải tiến chất lượng sản phẩm các ngành nghề ở khu vực nông thôn, ngành nghề sử dụng nhiều lao động, phát triển những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao trên địa bàn. Huy động tổng hợp các nguồn vốn để phát triển KTTT, HTX.
Minh Long