Trong những năm gần đây, thị trường luôn biến động làm cho người chăn nuôi gặp nhiều rủi ro, gây thiệt hại lớn. Sau khi tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về phát triển kinh tế do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức, đồng thời tìm hiểu, phân tích thị trường, Sương nhận thấy thỏ là loại gia súc tương đối mới trong ngành chăn nuôi, nên mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi thỏ.
Những cách làm hay
Những ngày đầu khởi nghiệp, chị Sương gặp nhiều khó khăn khi vốn còn hạn hẹp, kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi thỏ còn thiếu. Ban đầu, tỷ lệ sinh trưởng và phát triển của đàn thỏ không cao, do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Quảng Bình. Để khắc phục khó khăn, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn về tốc độ sinh trưởng và phát triển, chị đã cho lai tạo thành công hai loại thỏ giống.
Năm 2017, chị đưa vào thử nghiệm thành công mô hình “thức ăn xanh trong chăn nuôi công nghiệp” để thay thế dần thức ăn công nghiệp, nhưng vẫn bảo đảm tốc độ phát triển khi chăn nuôi với số lượng lớn, chất lượng thịt được nâng cao.
Cũng trong năm này, chị cùng một số thành viên đã thành lập HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ Hưng Phát, do chị làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. HTX đã kết hợp lồng ghép giữa chăn nuôi và trồng trọt, tận dụng lượng phân thỏ làm phân hữu cơ trồng nén (hành tăm), đồng thời tiến hành xây dựng chuỗi liên kết “Từ trang trại đến bàn ăn” cho hai nhãn hiệu “Thỏ Ruby”, “Nén đất Vạn”, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Để giải quyết đầu ra cho sản phẩm, tránh được tình trạng mất giá hoặc khan hiếm hàng cung cấp khi trái mùa, chị Sương đã thực hiện đóng gói củ nén để bảo quản được lâu hơn. Đối với thịt thỏ, chị cung cấp ra thị trường thỏ tươi, thỏ đông lạnh, thỏ tẩm gia vị, chà bông thỏ… Cách làm này đã giúp giải quyết khâu đầu ra cho sản phẩm, ổn định giá và thu nhập của người chăn nuôi.
Để nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh, HTX đã ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi thỏ bằng việc sử dụng hệ thống làm mát công nghiệp và công nghệ khử trùng nước lọc bằng tia UV cho thỏ, công nghệ nước uống tự động, đang nghiên cứu công nghệ đưa thức ăn tự động và sử dụng công nghệ khí canh.
Chuỗi liên kết thỏ và nén
Kết hợp chăn nuôi và trồng trọt, chị Sương tận dụng phân thỏ thải ra làm nguồn phân hữu cơ trồng cây nén và thực hiện thành công mô hình chuỗi liên kết thỏ và nén.
Bên cạnh sản phẩm chính là “Thỏ Ruby”, HTX đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm nén với tên gọi “Nén đất Vạn”. Điểm đặc biệt của “Nén đất Vạn” chính là sản phẩm được trồng hoàn toàn theo hướng hữu cơ, chỉ sử dụng phân chuồng và chế phẩm sinh học để hỗ trợ cây trồng phát triển.
Với khoảng trên 1 ha đất trồng nén chuyên canh, sản phẩm “Nén đất Vạn” được sản xuất bằng kinh nghiệm và hoàn toàn không sử dụng bất kỳ một loại thuốc hóa học nào. Để sản phẩm địa phương có cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường, HTX đã chủ động đưa sản phẩm giới thiệu tại các hội chợ trong, ngoài khu vực và được người tiêu dùng yêu thích, đón nhận.
HTX ra đời đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 23 lao động nữ. Hiện nay, doanh thu của HTX mỗi tháng đạt 130 triệu đồng, thu lãi hơn 40 triệu đồng. Các thành viên trong HTX thu nhập 4 - 7 triệu đồng/tháng. Năm 2018, doanh thu của HTX đạt 960 triệu đồng. Chị Sương cho biết HTX đã xây dựng thêm trại mới, mở rộng sản xuất, chăn nuôi; đồng thời đang tính đến việc quy hoạch vùng sản xuất nén tập trung.
Chính sự đam mê lập nghiệp trên quê hương của cô gái trẻ đã được đền đáp, sản phẩm của HTX đã được thị trường đón nhận và doanh thu ngày một tăng cao. Năm 2018, HTX Hưng Phát được Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình chọn làm mô hình tiêu biểu trong việc sản xuất theo chuỗi giá trị; đồng thời, Liên minh HTX Việt Nam cũng chọn làm mô hình phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị.
Với những kết quả đạt được, chị Sương được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tặng Bằng khen trong phong trào phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp.
Hoàng Lê